Đến thời điểm này, lúa gạo là “điểm sáng” duy nhất trong bức tranh kinh tế đang bị tác động nặng nề từ dịch bệnh COVID-19. Đặc biệt, năm nay dù vùng ĐBSCL gánh chịu đợt hạn mặn khốc liệt chưa từng có, nhưng toàn vùng đã thực hiện thắng lợi vụ lúa đông xuân, vừa trúng mùa và trúng giá. Vậy, trong vụ lúa được xem là thắng lợi về sản lượng nhưng người nông dân ĐBSCL vẫn không hết lo lắng.

Thu nhập chưa bằng công nhân!

Lấy quyển sổ ghi chép ra tính toán lại, ông Võ Thành Đông (54 tuổi, quận Ô Môn, TP.Cần Thơ) cho biết: Vụ lúa đông xuân vừa rồi, gia đình ông trồng 1ha lúa hạt dài, thu hoạch cho năng suất khoảng 6 tấn, giá bán được 4.800 đồng/kg. Sau khi trừ mọi chi phí, trung bình mỗi công, ông Đông lãi khoảng 3 triệu đồng (30 triệu/ha).

“Năm nay trồng lúa ai cũng trúng, lãi ít hay nhiều tùy vào năng suất, giá bán từng thời điểm khác nhau. Nếu vụ hè thu tới mà trúng tiếp, tui ước tính sẽ thu lãi tiếp 30 triệu đồng nữa. Một năm làm 2 vụ, coi như lãi 60 triệu đồng” - ông Đông phấn khởi cho biết.

Thu nhập 60 triệu đồng/12 tháng. Tính ra mỗi tháng ông Đông có 5 triệu đồng. Tuy nhiên, đây chưa phải là con số cuối cùng. Để có được thành quả trên đồng ruộng, không chỉ ông Đông mà còn có mồ hôi và công sức của vợ ông và đứa con trai út. Nếu tính cả 3 người thì mỗi tháng thu nhập của họ chỉ hơn 1,5 triệu đồng, thấp hơn cả lương của một công nhân thử việc. “Nghề trồng lúa đỡ một cái là không phải lúc nào cũng ở suốt ngoài ruộng như làm vườn. Với lại không trồng lúa, tui cũng không biết trồng gì để sống”, ông Đông nói.

Tương tự, anh Nguyễn Văn Sáng (huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh) cho hay, do nhà nghèo, ít đất, hai vợ chồng anh chỉ canh tác 6 công ruộng. Vụ đông xuân vừa qua, lúa trúng mùa, thu lãi 12 triệu đồng. “Trồng lúa khoảng 3 tháng là có thể thu hoạch, tính ra vợ chồng tui mỗi người kiếm được 2 triệu đồng/tháng”.

Theo các nhà nghiên cứu nông nghiệp, đến nay, nền nông nghiệp vùng ĐBSCL vẫn ưu tiên số 1 cho cây lúa. Ngay cả các địa phương ven biển cũng được đầu tư nhiều công trình thủy lợi ngọt hóa, hoặc ngăn mặn để trồng lúa. Trong khoảng 9 triệu hộ gia đình Việt Nam tham gia sản xuất lúa gạo, rất ít hộ có thể sinh sống chủ yếu nhờ bán lúa. Ở ĐBSCL, chưa tới 1/4 số người trồng lúa có triển vọng duy trì được mức sống cạnh tranh dựa vào canh tác lúa chuyên canh.

Rơi vào vòng xoáy “tín dụng ảo”

Đây là năm thứ 6 liên tiếp, ông Trần Thanh Phong (huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang) trở thành con nợ của các đại lý vật tư nông nghiệp. Ông kể: Một dạo, lúa thất mùa, rớt giá, không có tiền đầu tư cho vụ sau, nhờ làm ăn có quan hệ nhiều năm, ông được chủ đại lý bán chịu lúa giống, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật.

“Mấy năm nay nhờ tích cóp, có dư dả chút đỉnh để phòng khi đau yếu bệnh hoạn. Có lần, tui mang tiền đi mua thuốc, chủ đại lý nói: “Cứ để đó, tới cuối vụ thu hoạch trả tiền luôn”. Tui thấy có lợi, vì tiền có thể dùng vào việc khác. Nợ thì cuối vụ bán lúa trả. Từ đó, cứ vào vụ lúa là tui mua chịu phân bón, thuốc trừ sâu… theo kiểu “gối đầu”, đến thu hoạch thì trả”.

Ông Phong nói và cho biết thêm: Gia đình ông có 1,5ha đất trồng lúa. Trung bình mỗi vụ, mỗi hecta ông sử dụng 500-600kg phân bón, 0,5kg thuốc bảo vệ thực vật dạng bột và 2-3 lít thuốc dạng lỏng, chiếm đến 1/3 giá thành hạt lúa làm ra.

Ông Trần Văn Công (huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh) nói: “Gia đình tui có 8 công đất trồng lúa. Do đất ít lại không có tiền, nên mỗi vụ lúa đều phải mua chịu thuốc trừ sâu, phân bón… với lãi suất 5%/tháng, đến cuối vụ bán lúa thì trả tiền cho đại lý. Không có tiền thì đành chịu, nếu không mua thì không thể canh tác”.

Theo thống kê chưa đầy đủ, toàn vùng ĐBSCL hiện có khoảng 10.000 đại lý, cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp. Có khoảng 60% người nông dân do ít vốn, không có tiền, hoặc vì một số lý do phải mua chịu phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… và trở thành con nợ ngay từ đầu vụ.

Theo ông Nguyễn Xuân Hòa (cũng ở huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh), vụ đông xuân vừa rồi, gia đình ông canh tác gần 1ha lúa IR50404, năng suất đạt khoảng 6 tấn. Thời điểm thu hoạch lúa có giá 4.400đồng/kg. Bằng kinh nghiệm hơn 15 năm trồng lúa, ông Hòa dự đoán giá lúa sẽ nhích lên. Tuy nhiên, do áp lực nợ nần từ các đại lý, ông không thể trữ lúa mà phải bán ngay thời điểm đó. Nếu không trả nợ, sẽ mất uy tín, vụ lúa sau đại lý không cho mua nữa.

GS.TS Võ Tòng Xuân nêu thực trạng rằng, cho tới nay, mỗi kỳ thu hoạch, bà con nông dân đều muốn bán ngay, vì không có tiền để trả nợ vật tư, phân bón, thuốc trừ sâu... đã mua tại các đại lý, nếu không có thể bị phạt lãi. Cái nghèo của nông dân mình nằm ở chỗ đó, hầu như không có ai để dành lúa mà chỉ muốn bán gấp để trả nợ. Nếu ngày trước, nông dân chỉ làm 1 vụ lúa/năm, còn bây giờ thâm canh 3 vụ/năm, không cho đất nghỉ ngơi, cạn kiệt dần dinh dưỡng nên phải mạnh tay bón phân hóa học, thuốc kích thích tăng trưởng.

Đồng quan điểm này, Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp cho rằng, trong chuỗi giá trị lúa gạo, người nông dân đang yếu thế. Họ không có vốn nên phải lệ thuộc vào các đại lý vật tư. Mỗi mùa vụ, nông dân phải chịu “tín dụng ảo”, trong khi các đại lý luôn lựa chọn các sản phẩm có chiết khấu cao để bán cho người nông dân. Do vậy, bón phân gì, phun xịt thuốc gì, nông dân lại không nghe kỹ sư có chuyên môn mà phần lớn chỉ nghe theo lời các đại lý.

Chất lượng gạo sẽ quyết định thu nhập của người nông dân

Nền nông nghiệp từ chỗ tập trung vào số lượng, cần phải chuyển hướng sang chất lượng. Một thương hiệu gạo chất lượng sẽ mang lại giá trị cao với thu nhập tăng vọt, thay vì người nông dân cứ quần quật trong vòng lẩn quẩn nghèo khó...

* Theo Bộ NNPTNT, hiện nay các doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu gạo đã có bước chuyển tích cực, các phân khúc gạo phẩm cấp thấp giảm rất nhanh. Hiện số lượng gạo cao cấp và gạo thơm của Việt Nam xuất khẩu chiếm trên 60%, phân khúc gạo trung bình và phẩm cấp thấp chỉ còn chiếm khoảng 12%. Đây là một tỉ lệ “đảo chiều” theo hướng tích cực so với cách đây 10 năm (khi tỉ lệ xuất khẩu gạo cao cấp, gạo thơm chiếm chưa đến 10%).

Vừa qua, Bộ NNPTNT đã ban hành quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận quốc gia Gạo Việt Nam/Vietnam Rice nhằm quảng bá sản phẩm, giữ uy tín và nâng cao năng lực cạnh tranh cho gạo Việt. Theo đó, Bộ NNPTNT ủy quyền cho Hiệp hội Lương thực Việt Nam là đơn vị quản lý Nhãn hiệu chứng nhận quốc gia Gạo Việt Nam/Vietnam Rice. Các sản phẩm gạo mang nhãn hiệu chứng nhận bao gồm nhóm gạo hạt dài, nhóm gạo hạt ngắn, gạo thơm trắng và gạo nếp trắng.

* GS.TS Bùi Chí Bửu, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, nhấn mạnh: “Mục tiêu sản xuất lúa gạo của Việt Nam phải nhắm đến cải thiện thu nhập của nông dân trồng lúa, là động cơ để phát triển sản lượng lúa cả nước. Xuất khẩu chỉ là một trong những phương tiện tạo thuận lợi cho sản xuất phát triển bền vững, an toàn lương thực. Tìm đầu ra cho nông sản có giá trị xuất khẩu cao có thể được xem là một trong các giải pháp được chọn. Điều kiện đặt ra là Việt Nam phải có chiến lược xuất khẩu gạo hợp lý - không phải từ hạt gạo mà từ hạt lúa”.

Điều đáng mừng là ngoài đặt hàng cung cấp các giống lúa chất lượng cao, đặc sản, lúa thơm, gần đây các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đã hợp tác với nông dân trồng lúa hữu cơ. Ngoài các hợp đồng truyền thống theo phân khúc gạo 5% tấm, 15% tấm, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo gần như đều có chủ đích nhắm đến một phân khúc gạo cao cấp, gạo thơm.

* GS.TS Võ Tòng Xuân cho rằng: Ở Việt Nam, an ninh lương thực trở thành “GDP” của mỗi địa phương?. Vì vậy nhà nước đầu tư cho an ninh lương thực là chính, từ miền núi đến đồng bằng, miền biển đều tập trung ngân sách làm thuỷ lợi để làm lúa. Trồng lúa tốn rất nhiều tiền nhưng giá gạo lại không tương xứng với người nông dân.

Chúng ta phải giảm diện tích lúa, chỉ trồng lúa ở vùng chắc ăn, không bao giờ bị mặn, hạn, như phía bắc An Giang, Đồng Tháp, Long An, giáp với Campuchia, nơi đầu nguồn sông Cửu Long. Một số nơi có hệ thống đê bao rất tốt, phải chuyển sang thành trồng cây ăn quả, hoặc rau màu cao cấp. Cây ăn quả ở ĐBSCL thường trồng trên liếp, vì vậy cải tạo 1.000ha lúa thành mô hình liếp mương. Mương để giữ nước ngọt trong mùa khô tưới cây trồng lên liếp. Cứ 10.000ha hay 20.000ha chúng ta hình thành một trung tâm sơ chế và bảo quản trái cây. Khi nhà nước hình thành được cơ sở hạ tầng này rồi thì đưa nông dân vào, biến những người nông dân trồng lúa thành trồng cây ăn quả, họ sẽ gắn với cơ sở chế biến và chịu sự điều khiển tính toán của cơ sở chế biến.

* Chuyên gia kinh tế, TS Trần Hữu Hiệp cho rằng: Trong điều kiện hiện nay và chắc chắn sẽ còn lâu hơn nữa, an ninh lương thực vẫn là vấn đề mang tính toàn cầu. Không chỉ vậy, với định hướng của Nhà nước, người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần chuyển đổi mạnh hơn nữa từ sản xuất lúa là chính sang sản xuất thủy sản, cây ăn trái, giúp hiệu quả mang lại cao hơn. Đặc biệt, bài học vừa qua cho thấy, cần phải có cơ chế điều hành xuất khẩu gạo linh hoạt, vừa đảm bảo được mục tiêu tuyệt đối an toàn nhưng phải đảm bảo được cuộc sống và tăng thu nhập cho người trồng lúa.

TRẦN LƯU

Ngày đăng: 11:32 | 05/05/2020

/ laodong.vn