Ngày 3/12, Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia đã tổ chức Hội nghị ATGT năm 2021. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến nhằm công bố, trao đổi, thảo luận các kết quả nghiên cứu khoa học, các kinh nghiệm thực tiễn trong lĩnh vực ATGT.
Lần đầu tiên số người chết do TNGT ở Việt Nam giảm xuống dưới 7.000 người/năm
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GTVT, Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Lê Đình Thọ cho biết, tai nạn giao thông (TNGT) đã và đang gây ra những thiệt hại nghiêm trọng đối với sinh mạng, sức khoẻ và tài sản của người dân cũng như quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam và thế giới.
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm, TNGT cướp đi sinh mạng của gần 1,35 triệu người và làm cho hơn 50 triệu người khác lâm vào cảnh thương tật vĩnh viễn. Cùng đó, hằng năm, nền kinh tế toàn cầu bị thiệt hại khoảng 2,5% tổng giá trị GDP, tương đương trên 1.500 tỷ USD do TNGT ở Việt Nam. Trong những năm qua, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng của nhân dân, công tác bảo đảm trật tự ATGT đã đạt được những kết quả rõ rệt, TNGT liên tục được kéo giảm 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương, ùn tắc giao thông trong các đô thị lớn từng bước được khắc phục.
TNGT năm 2020 giảm sâu nhất cả số vụ, số người chết, số người bị thương trong vòng 10 năm qua và lần đầu tiên số người chết do TNGT giảm xuống dưới 7.000 người. Trong 11 tháng năm 2021, toàn quốc xảy ra hơn 10.000 vụ TNGT, làm chết hơn 5.100 người, bị thương hơn 7.000 người. So với 11 tháng đầu năm 2020, số vụ TNGT giảm gần 25%, số người chết giảm hơn 1.100 người, số người bị thương giảm hơn 29%.
"Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban ATGT Quốc gia ghi nhận và đánh giá cao đóng góp của các chuyên gia, các nhà khoa học về ATGT đến từ các trường đại học, các học viện, viện nghiên cứu, các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước", Thứ trưởng Lê Đình Thọ nói.
Bên cạnh kết quả đạt được, trật tự ATGT ở Việt Nam vẫn còn diễn biến phức tạp, TNGT còn ở mức cao, ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn gia tăng, cùng với đó là quá tình tăng trưởng mạnh mẽ và hội nhập sâu rộng của nền kinh tế, nhu cầu giao thông và số lượng phương tiện giao thông sẽ tiếp tục gia tăng nhanh chóng và tạo nên sức ép lớn về ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông và TNGT.
"Nhiệm vụ tìm ra những giải pháp khoa học, thiết thực, hiệu quả phù hợp với điều kiện kinh tế, văn hoá, chính trị và xã hội ở Việt Nam là vấn đề cốt lõi và rất cần sự tham gia tích cực của các nhà khoa học, các chuyên gia", Thứ trưởng Lê Đình Thọ khẳng định.
Vui mừng với kết quả 64 công trình nghiên cứu khoa học tham dự Hội nghị ATGT năm 2021, Thứ trưởng Lê Đình Thọ đánh giá, có những báo cáo có giá trị học thuật và thực tiễn rất cao, điển hình như: Ứng dụng camera giám sát xử phạt vi phạm nhằm nâng cao hiệu lực hiệu quả công tác bảo đảm ATGT tại Việt Nam; ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực ATGT đường bộ; xác định những vấn đề mới về ATGT với đường sắt đô thị; đảm bảo an toàn không gian mạng cho ATGT hàng không; các kinh nghiệm về ATGT trên thế giới và khuyến cáo cho Việt Nam; vấn đề cải thiện môi trường đối với người tham gia giao thông; các nghiên cứu về tâm lý và các giải pháp tác động, thay đổi hành vi của người tham gia giao thông.
Trên cơ sở các báo cáo khoa học và thảo luận tại Hội nghị, Thứ trưởng Lê Đình Thọ đề nghị, các nhà quản lý và các tổ chức có liên quan chủ động phối hợp, lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học, chọn lọc những quan điểm giải pháp hợp lý, đưa vào chương trình hành động của cơ quan, tổ chức, qua đó chuyển tải những tri thức mới nhất của thế giới vào đời sống thực tế, góp phần kéo giảm TNGT tại Việt Nam.
Xây dựng cơ sở dữ liệu an toàn giao thông đường bộ quốc gia
Trong khuôn khổ Hội nghị ATGT năm 2021 đã diễn ra phiên thảo luận trực tuyến toàn quốc của 9 tiểu ban hội nghị, liên quan đến quản lý an toàn giao thông, kinh nghiệm quốc tế về ATGT, hạ tầng và tổ chức giao thông, người tham gia giao thông, ứng phó sau tai nạn giao thông, phương tiện giao thông, an toàn giao thông hàng không, đường thủy nội địa, hàng hải và đường sắt.
Đại diện nhóm tác giả trao đổi về tham gia giao thông an toàn trong giai đoạn dịch bệnh, Thạc sỹ Nguyễn Ngọc Tân - Ủy viên Ban Chấp hành Hội Khoa học và công nghệ hàng không Việt Nam cho biết, tâm lý lái xe và môi trường dịch bệnh tác động không ít đến tính mạng người tham gia giao thông, tiêu chí đặt ra ra hiện nay là tham gia giao thông an toàn và an toàn dịch bệnh. Khi thực hiện giãn cách xã hội, số người tham gia giao thông ít, đường vắng, nhưng TNGT chỉ giảm hơn 50%, tỷ suất TNGT/số tham gia giao thông còn khá cao. Theo Thạc sỹ Nguyễn Ngọc Tân, việc giám sát lưu thông trong thời gian dịch bệnh là cần thiết vì thực chất là giám sát an toàn cho tính mạng cộng đồng.
Đề cập đến giải pháp giải quyết căn bản ùn tắc cho Hà Nội và TP Hồ Chí Minh (sau 3 năm thực hiện đầu tư), nguyên Phó Chánh Văn phòng Phát triển bền vững quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tiến sỹ Nguyễn Đức Thắng đã chỉ ra 13 nghịch lý giao thông ở Việt Nam so với thế giới, như: Phương tiện cá nhân áp đảo phương tiện công cộng (tỷ lệ 90/10); tỷ lệ vận tải công cộng không những không tăng mà đang giảm dần ở cả TP Hồ Chí Minh và Hà Nội (năm 2014 khoảng 12%, năm 2015 là 10%, năm 2016 là 8%). Xe buýt rỗng khách vẫn chạy vì cần chạy đủ lượt, đủ chuyến…
Ông cũng chỉ ra rằng, đối với thế giới, xe buýt góp phần giải quyết ùn tắc giao thông nhưng ở Việt Nam, xe buýt trở thành yếu tố gây ùn tắc giao thông. Tuyến xe buýt nhanh BRT đắt tiền, có làn đường ưu tiên riêng nhưng vẫn rất vắng khách, công suất khai thác dưới 30%. Xe buýt nhanh đi ở giữa, xe buýt thường đi bên cạnh “tranh chấp” nhau 8% người đi bộ. Tuy nhiên, xe buýt thường dễ tiếp cận hơn, vì bến đỗ kề với vỉa hè. Ngược lại, người đi bộ đứng trên vỉa hè chỉ cách bến xe buýt nhanh BRT có 5m lòng đường, nhưng muốn tiếp cận phải đi vòng vèo, có nơi phải đi gần 100m, trèo lên và trèo xuống mấy chục bậc thang.
Ông Nguyễn Đức Thắng cũng nhấn mạnh đến vấn đề đầu tư phát triển hệ thống xe buýt văn minh, hiện đại phủ kín khắp nội, ngoại thành, đáp ứng 75% nhu cầu đi lại hằng ngày; đồng thời với đó là cắt giảm lượng phương tiện cá nhân xuống còn 25%.
Trao đổi về hệ thống cơ sở dữ liệu ATGT đường bộ quốc gia, đại diện Nhóm nghiên cứu giao thông toàn cầu của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Tiến sỹ Nguyễn Hữu Đức cho biết, nhóm nghiên cứu đề xuất 5 nhóm dữ liệu đưa vào cơ sở dữ liệu ATGT đường bộ dựa trên những mục tiêu tự nguyện về thực hiện an toàn giao thông của Liên hợp quốc, gồm vi phạm về tốc độ, vi phạm về nồng độ cồn, thắt dây đai an toàn, mũ bảo hiểm xe máy và chất lượng đường bộ.
Phân tích cụ thể, Tiến sỹ Nguyễn Hữu Đức cho biết, dữ liệu về phương tiện vượt quá tốc độ cho phép hiện chưa sẵn có ở Việt Nam. Dữ liệu này quan trọng bởi tốc độ là một trong những yếu tố gây nguy hiểm nghiêm trọng trong các vụ TNGT, làm tăng nguy cơ và hậu quả các va chạm. Việc giảm 5% tốc độ trung bình sẽ giúp giảm 20% số vụ TNGT gây chết người vì nguyên nhân này.
Dữ liệu về tốc độ có thể được thu thập thông qua các thiết bị kiểm soát trên đường, các thiết bị kiểm soát tốc độ tự động hoặc các ứng dụng kiểm soát của phương tiện. Dữ liệu này có thể được dùng để theo dõi quá trình hạn chế số lượng phương tiện vượt quá tốc độ cho phép thông qua chương trình kiểm soát tốc độ bắt buộc đưa ra bởi Bộ Công an; thiết kế các chương trình truyền thông về hành vi.
Đặng Nhật
Cảnh báo hiểm họa giao thông trên tuyến quốc lộ 27C qua đèo Khánh Lê |
“Siết” an toàn giao thông trong hoạt động vận tải bằng ôtô dịp cuối năm |
Ngày đăng: 10:26 | 04/12/2021
/ cand.com.vn