Cư dân tại thành phố Derna của Libya tiếp tục những hy vọng mong manh tìm kiếm người thân trong khi lực lượng cứu hộ phải kêu gọi cấp thêm túi đựng thi thể vì phát hiện ngày càng nhiều người chết trong trận lũ lụt kinh hoàng xảy ra cách đây ít ngày.

Thảm họa thiên nhiên chưa từng thấy

Bão Daniel hồi tuần trước tàn phá đất nước Hy Lạp, quét qua Địa Trung Hải, và sau đó đổ bộ bờ biển Đông Bắc Libya ngày 10/9, ảnh hưởng hàng loạt thành phố như Benghazi, Bayda và Derna.

Do ảnh hưởng của bão Daniel, các khu vực này hứng chịu lượng mưa lớn kỷ lục ngày 10-11/9, khiến hai con đập trên thượng nguồn con sông chảy qua thành phố Derna bị vỡ, dòng nước lũ ào ạt đổ về thành phố cảng Đông Bắc đất nước, cuốn trôi gần như tất mọi thứ, kéo sập nhà cửa, hư hại xe cộ và khiến hàng nghìn người thương vong.

Lũ lụt cuốn trôi hàng nghìn sinh mạng tại Libya -0
Trận lũ quét qua Derna và để lại thương đau, hoang tàn. Ảnh: AP

Ngày 14/9, giới chức Libya cho biết đội tìm kiếm và cứu nạn đã tìm thấy thêm hơn 1.500 thi thể trong đống đổ nát ở thành phố Derna, nâng tổng số người thiệt mạng tại riêng thành phố này lên ít nhất 5.300 người. Bộ trưởng Hàng không Dân dụng Libya, thành viên Ủy ban Cứu hộ Khẩn cấp, Hichem Chkiouat dự đoán số nạn nhân thiệt mạng có thể còn tăng gấp đôi và việc tái thiết sau bão sẽ tiêu tốn hàng tỷ USD. Trong khi đó, cùng ngày, ông Tamer Ramadan, đại diện Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC) tại Libya, cho biết, ít nhất 10.000 người vẫn mất tích tại các khu vực bị lũ lụt. Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) thông báo ít nhất 30.000 người tại thành phố Derna phải sơ tán. Trong khi đó, 6.085 người tại các khu vực khác bị ảnh hưởng được cho là phải rời bỏ nhà đi lánh nạn.

Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi ngày 13/9 đã chỉ thị thành lập các trại lưu trú trong Quân khu miền Tây, để hỗ trợ những nạn nhân mất nhà cửa do cơn bão Daniel ở Libya. Tổng thống El-Sisi cũng chỉ đạo các lực lượng vũ trang Ai Cập điều tàu khu trục lớp Mistral tới neo đậu ở ngoài khơi bờ biển Libya, đóng vai trò là bệnh viện dã chiến nhằm hỗ trợ y tế cho những người bị ảnh hưởng bởi thiên tai.

Bên cạnh đó, Cairo đã công bố khoản hỗ trợ trị giá khoảng 1 triệu USD để ủng hộ các nạn nhân thảm họa thiên tai ở Libya, Maroc và Slovenia. Trước đó, các lực lượng vũ trang Ai Cập đã điều động 3 máy bay quân sự chở vật tư y tế, thực phẩm và một nhóm gồm 25 nhân viên cứu hộ để hỗ trợ Libya tiến hành các hoạt động cứu trợ tại các khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề từ bão Daniel. Ngoài ra, quân đội Ai Cập cũng điều động một máy bay khác tới Libya để vận chuyển những nạn nhân bị thương và thiệt mạng.

Dù vậy, những nỗ lực cứu hộ gặp không ít khó khăn do tình hình chính trị tại Libya. Đất nước Bắc Phi với hơn 7 triệu dân nhưng chính trị lại bất ổn, thiếu sự lãnh đạo từ chính quyền trung ương và luôn trong tình trạng chiến tranh kể từ chính biến năm 2011. Trong khi Chính phủ Quốc gia Thống nhất được quốc tế công nhận đặt trụ sở tại Tripoli ở miền Tây đất nước thì một thể chế khác cũng tồn tại song song ở khu vực phía Đông, trong đó có thành phố Derna.

Libya quá dễ bị tổn thương

Giới chuyên gia nhận định thời tiết cực đoan, vị trí địa lý, kết cấu đập và hạ tầng không vững chắc đã khiến trận lũ quét ở Libya trở thành thảm họa chết chóc nhất ở đất nước Bắc Phi trong gần một thế kỷ.

Theo Al Jazeera, thành phố Bayda, cách Derna 100km về phía Tây, ghi nhận lượng mưa kỷ lục 414,1 mm trong 24 giờ, từ hôm 10-11/9. Bayda chỉ nhận lượng mưa 12,7 mm trong tháng 9 và trung bình hàng năm hơn 543,5 mm. Giới khoa học cho rằng biến đổi khí hậu khiến các đợt mưa lớn xuất hiện thường xuyên hơn tại khu vực những năm gần đây.

Thị trấn Al Abraq nằm giữa Bayda và Derna ghi nhận lượng mưa 170 mm, trong khi những nơi khác nhận lượng mưa 150-240 mm. Các khu vực này đều nằm ở thượng nguồn, nơi có địa hình cao, khiến nước lũ tích tụ và dồn về vùng duyên hải phía Đông, nơi có thành phố Derna. Derna nằm sát bờ biển, có vị trí thấp so với khu vực còn lại, khiến nơi này dễ bị ngập lụt. 

Điều đáng nói là lũ lụt hiếm khi xảy ra ở Bắc Phi, khu vực với phần lớn diện tích là sa mạc. Lần gần nhất khu vực hứng chịu lũ lụt là năm 1927 ở Algeria. Cơ sở hạ tầng tại khu vực này thường không được xây dựng theo hướng ứng phó với lũ lụt. Tình hình càng tồi tệ hơn ở Libya, quốc gia Bắc Phi vốn đã chìm trong chiến sự hơn 10 năm qua, với các phe phái tranh giành quyền lực. Hạ tầng ở Libya nhìn chung đã suy yếu do xung đột kéo dài, các công trình ở Derna cũng chưa được sửa chữa hay tái thiết hoàn toàn do xung đột.

Derna có hai con sông chảy qua và được bảo vệ bởi hai con đập được xây dựng từ những năm 1970 để ngăn lũ. Tuy nhiên, do vùng này ít khi bị lũ lụt, hai con đập được xây dựng khá thô sơ, với phần lõi được đắp bằng đất sét, hai bên thân được gia cố bằng đá hộc và đá dăm. Bởi vậy, khi lượng nước từ thượng nguồn đổ về quá lớn, cả hai con đập đều không đủ sức chống chịu và nhanh chóng bị phá vỡ, khiến khoảng 30 triệu m3 nước đổ về Derna.

Phó Thị trưởng Derna Ahmed Madroud cho hay khu vực đông dân cư nhất của thành phố nằm ngay trên đường chảy của dòng lũ quét đổ ra biển, đây cũng là nguyên nhân khiến thương vong và số người mất tích lớn. “Ít nhất 20% thành phố đã bị phá hủy trong trận lũ”, Madroud cho biết. Bên cạnh đó, nhiều người dân cũng cho rằng chính quyền địa phương không cảnh báo nguy hiểm khi mưa lớn xảy ra.

https://cand.com.vn/Quoc-te/lu-lut-cuon-troi-hang-nghin-sinh-mang-tai-libya-i707138/

Ngày đăng: 08:06 | 15/09/2023

Tiến Dũng / cand.com.vn