Trung tâm văn hoá hồ Gươm biến tướng cho thuê từng được dự kiến xây năm 2010 nhưng trước ý kiến của dư luận phản đối đã dừng lại đến năm 2014 lại được xây dựng
Như VietNamNet thông tin, mới đây, UBND TP. Hà Nội có yêu cầu quận Hoàn Kiếm chấm dứt việc liên doanh liên kết và thu hồi nhà, đất tại Trung tâm văn hóa Hồ Gươm (số 2 Lê Thái Tổ) để quản lý, sử dụng theo đúng quy định tại Luật quản lý và sử dụng tài sản công. Đồng thời nộp toàn bộ số tiền thu được từ việc liên doanh, liên kết không đúng quy định (nếu có) vào ngân sách nhà nước.
UBND TP Hà Nội cũng nêu rõ, trong thời gian chưa hoàn thiện các hồ sơ pháp lý có liên quan để giao cơ sở nhà, đất tại số 2 Lê Thái Tổ cho Ban Quản lý Khu vực hồ Hoàn Kiếm trực tiếp quản lý sử dụng, UBND quận Hoàn Kiếm không được sử dụng cơ sở này vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết theo quy định.
Trung tâm văn hóa Hồ Gươm bị cho thuê tràn lan làm văn phòng giao dịch, bán vé máy bay, quán cà phê…trong thời gian dài. |
Trung tâm Thông tin Văn hóa Hồ Gươm có vị trí vàng khi nằm tại ngã ba phố Lê Thái Tổ, Lương Văn Can, một phần bề mặt Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, tiếp nối tòa nhà Long Vân - Hồng Vân.
Quy mô công trình gồm 1 tầng hầm, 3 tầng nổi và tum thang với diện tích 242,2m2; diện tích sử dụng khoảng 486m2 được bố trí các không gian triển lãm, trưng bày, quảng bá về giá trị di sản Hồ Gươm; triển lãm tranh ảnh, tổ chức hội nghị và phòng làm việc của cán bộ nhân viên.
Mặc dù được UBND TP Hà Nội phê duyệt xây dựng làm công trình công cộng với mục đích giới thiệu thông tin văn hóa hồ Gươm, trưng bày, triển lãm và văn phòng làm việc. Tuy nhiên, Trung tâm này lại bị cho thuê tràn lan làm văn phòng giao dịch, bán vé máy bay, quán cà phê…
Vào năm 2010, tại khu đất này từng được dự kiến xây trụ sở làm việc của Ban quản lý Hồ Hoàn Kiếm với quy mô 4 tầng.
Tuy nhiên, dư luận đã có ý kiến về chiều cao và quy mô công trình làm ảnh hưởng tới cảnh quan quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục nên công trình này tạm dừng triển khai.
Đến năm 2014, thông tin về việc xây dựng Trung tâm Thông tin Văn hóa Hồ Gươm tiếp tục có nhiều ý kiến trái chiều.
Trong buổi tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm trước kỳ họp thứ 11 HĐND TP Hà Nội, một số cử tri đã kiến nghị dừng xây dựng công trình Trung tâm thông tin văn hóa bởi làm mất cảnh quan và ảnh hưởng đến quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Không ít chuyên gia, kiến trúc sư…cũng lên tiếng việc cần cân nhắc cẩn trọng, không nên xây dựng toà nhà tại đây.
Ngày 24/12/2014, UBND TP Hà Nội đã có công văn số 10100 cho phép UBND quận Hoàn Kiếm triển khai thực hiện đầu tư xây dựng dự án công trình Trung tâm thông tin Văn hóa Hồ Gươm tại số 2 phố Lê Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm theo phương án quy hoạch kiến trúc công trình được phê duyệt và các quy định hiện hành của Nhà nước về quản lý quy hoạch, kiến trúc, quản lý đầu tư xây dựng.
UBND TP Hà Nội cũng nhấn mạnh: Việc quản lý, sử dụng công trình sau đầu tư xây dựng phải tuân thủ đúng công năng, mục đích của dự án án được phê duyệt. Nghiêm cấm sử dụng công trình vào mục đích kinh doanh dịch vụ dưới bất kỳ hình thức nào.
Thế nhưng trên thực tế, Trung tâm này lại bị cho thuê tràn lan làm văn phòng giao dịch, bán vé máy bay, quán cà phê…trong thời gian dài.
Hơn 2 năm hỗ trợ 1,2 tỷ đồng
Giải trình lên UBND TP. Hà Nội về việc sử dụng đất sai mục đích, báo cáo của UBND quận Hoàn Kiếm cho hay, cơ sở nhà, đất tại số 2 Lê Thái Tổ được UBND TP. Hà Nội phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo QĐ số 09/2007 của Thủ tướng; UBND quận Hoàn Kiếm tiếp tục quản lý, sử dụng làm trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp của BQL hồ Hoàn Kiếm.
Từ tháng 9/2015, Trung tâm văn hóa Hồ Gươm được UBND quận giao BQL khu vực hồ Hoàn Kiếm quản lý, sử dụng, tổ chức các hoạt động quảng bá giá trị lịch sử, văn hóa hồ Hoàn Kiếm.
Năm 2010 khu đất từng được dự kiến xây trụ sở làm việc của Ban quản lý Hồ Hoàn Kiếm với quy mô 4 tầng. Trước phản ứng của dư luận, dự án đã không được triển khai. Năm 2014,UBND TP Hà Nội cho phép UBND quận Hoàn Kiếm xây dựng Trung tâm thông tin Văn hóa Hồ Gươm. |
Tại Thông báo kết luận số 167A-TB/QU, Thường trực Quận ủy quận Hoàn Kiếm đồng ý với đề xuất, cho phép BQL khu vực hồ Hoàn Kiếm phối hợp với Công ty Cổ phần Du lịch Việt Nam - Hà Nội khai thác Trung tâm thông tin văn hóa Hồ Gươm.
Sau khi được đồng ý, đơn vị này đã đầu tư toàn bộ kinh phí cải tạo, sửa chữa, bổ sung căng tin và không gian trưng bày tranh, ảnh, ngắm cảnh hồ Hoàn Kiếm tại khu vực mái tầng 3 của tòa nhà (tường lắp kính, mái kính tại vị trí hệ kết cấu khung giàn sắt có sẵn)...
Theo Báo cáo hoạt động, năm 2018, Trung tâm này đã đón gần 6.000 lượt du khách tham gia chương trình miễn phí; hơn 1.000 tour và nhận được nhiều phản hồi tích cực của người tham gia.
Bên cạnh việc phối hợp tổ chức thông tin, hỗ trợ du khách, Công ty Cổ phần du lịch Việt Nam - Hà Nội đã hỗ trợ kinh phí cho hoạt động của Trung tâm thông tin văn hóa Hồ Gươm từ năm 2017 đến hết quý I/2019 số tiền 1,255 tỉ đồng, được gửi vào tài khoản tiền gửi của BQL Khu vực Hồ Gươm tại Kho bạc Nhà nước quận Hoàn Kiếm.
Từ nguồn thu này, năm 2019, ngân sách quận chi cho BQL hồ Hoàn Kiếm cũng được cắt giảm theo số thu hợp tác thu được và chi lương, bảo hiểm làm thêm giờ cho cán bộ công nhân viên.
Không gian công công không phải nơi kiếm tiền
Trao đổi với PV VietNamNet về vấn đề này, KTS Trần Huy Ánh - Ủy viên thường trực BCH Hội KTS Hà Nội cho biết, ngay khi việc xây dựng công trình ở số 2 Lý Thái Tổ được khởi động giới kiến trúc sư đã có nhiều ý kiến khác.
“Giới kiến trúc sư đã có những quan điểm rất rõ ràng xung quanh Hồ Gươm vốn là không gian chỉ phù hợp với những công trình nhỏ và lùi dần chiều cao. Ngay khi xây dựng tôi đã có ý kiến về việc không nên xây như vậy. Nhiều nhà sử học cũng lên tiếng. ” – ông Ánh nói.
Ông Ánh cũng thẳng thắn nhìn nhận rằng, có nhiều không gian công cộng không biết cách quản lý cũng xuống cấp. Nhưng mô hình quản lý lấy của công cho thuê là không phù hợp.
“Nếu thuê thì phải đấu thầu. Nhưng thực tế đó không phải là mục tiêu chính. Mục tiêu là không gian công cộng chứ không phải mục tiêu thu tiền. Thu tiền thì còn đầy dãy các trung tâm thương mại còn đang ế ẩm” – vị KTS nêu ý kiến.
“Công cộng là công cộng. Điều này cần phải rõ ràng. Nếu chỉ vì mấy đồng tiền cho thuê thì không còn giá trị gì. Đặt chuyện kiếm mấy đồng tiền để hy sinh công cộng thì không nên” – KTS Trần Huy Ánh nhấn mạnh.
Ngày đăng: 09:21 | 19/07/2019
/ vietnamnet.vn