Không quy định lợi nhuận định mức, nhiều bộ ngành cùng điều hành giá điện…là những đề xuất mới của Bộ Công thương trong dự thảo sửa đổi Quyết định 24 năm 2017 về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân.
Thay đổi quy định về lợi nhuận định mức
Bộ Công thương vừa có tờ trình báo cáo Thủ tướng về những thay đổi so với tờ trình trước đó.
Theo quy định tại điều 4, Quyết định 24 năm 2017, giá điện bình quân được tính trên cơ sở giá điện sản xuất tại các nhà máy trong nước và cả điện nhập khẩu, cộng lợi nhuận định mức từ các nhà máy điện cung cấp dịch vụ phụ trợ (bao gồm cả chi phí chạy thử nghiệm); chi phí mua dịch vụ truyền tải điện kèm lợi nhuận định mức, mua dịch vụ phân phối kèm lợi nhuận định mức và quản lý chung của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Đặc biệt, giá điện bình quân cũng "gánh" luôn các chi phí mua dịch vụ điều độ hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện lực cộng lợi nhuận định mức, bao gồm cả chi phí điều tiết thị trường điện lực…
Giá điện đang tính lợi nhuận định mức cho nhiều loại dịch vụ.
Tuy nhiên, dự thảo sửa đổi Quyết định 24 năm 2017, Bộ Công thương đã đề xuất không quy định cụ thể về việc xác định lợi nhuận định mức trong một số chi phí đã được đưa vào công thức tính giá bán điện bình quân của quyết định cũ.
Liên quan đến những phản ánh về việc cần "tính đúng, tính đủ các chi phí" để tránh lỗ cho EVN, tại tờ trình này, Bộ Công thương đề xuất: "Tổng các chi phí khác chưa được tính vào giá điện, là các khoản chi phí được phép tính nhưng chưa tính vào giá bán lẻ điện, bao gồm cả chênh lệch tỷ giá đánh giá lại chưa được phân bổ được tính toán phân bổ vào giá bán lẻ điện bình quân năm".
Việc này để "để đảm bảo tính thống nhất, không có cách hiểu khác", Bộ Công thương lý giải.
Nhiều bộ, ngành cùng điều hành giá điện
Còn về chức năng chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan trong việc kiểm tra, rà soát về giá thành, chi phí. Bộ Tài chính từng đề nghị không quy định trách nhiệm phối hợp của họ tại dự thảo Quyết định và bỏ nội dung "Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) gửi hồ sơ báo cáo phương án giá điện tới Bộ Tài chính". Thay vào đó, bộ này chỉ phối hợp trong những trường hợp có biến động bất thường, hoặc tác động lớn.
Song, tại tờ trình này, Bộ công thương nêu rõ: Bộ Công thương sẽ là cơ quan "chủ trì kiểm tra, rà soát"; còn Bộ Tài chính giữ vai trò là cơ quan "quản lý nhà nước về giá"; các Bộ, cơ quan liên quan phối hợp theo "chức năng, nhiệm vụ" được giao và quy định của pháp luật.
Tờ trình cũng nêu rõ, trong trường hợp cần thiết bộ sẽ yêu cầu EVN thuê tư vấn độc lập để thẩm tra báo cáo chi phí sản xuất kinh doanh điện của EVN cùng các đơn vị thành viên.
Riêng đề xuất về mức điều chỉnh giá điện được Bộ Công thương bảo lưu tại tờ trình này. Tức là, khi giá bán điện bình quân giảm từ 1% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành, giá điện được phép điều chỉnh giảm tương ứng. Còn khi giá điện bình quân tăng từ 3% trở lên so với giá hiện hành thì được phép điều chỉnh tăng.
Trường hợp giá điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 10% trở lên so với mức hiện hành, có ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô, Bộ Công thương sẽ chủ trì, kiểm tra rà soát, gửi lấy ý kiến các cơ quan liên quan và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến cụ thể.
Thời gian điều chỉnh giá điện dự kiến được rút ngắn từ 6 tháng xuống 3 tháng một lần.
Nguyên tắc điều chỉnh giá bán điện bình quân được thực hiện trên cơ sở hằng năm sau khi kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện của EVN, giá bán điện bình quân năm được xem xét điều chỉnh theo biến động khách quan, thông số đầu vào của tất cả các khâu.
Ngày đăng: 08:52 | 10/03/2024
Hồng Hạnh / Báo Giao thông