“Có nhiều thủ tục rất vô lý, kiến nghị nhiều năm, qua nhiều hội thảo nhưng có cục, vụ nói “các anh giỏi thì các anh đi thay đổi đi, còn tôi không thay đổi”, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương chia sẻ về thực trạng rườm rà của bộ máy hành chính tại cuộc họp của Hội đồng tư vấn cải cách hành chính hôm 16/8.
Trước phản ánh này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu loại ra khỏi bộ máy hành chính. Đây là một chỉ đạo cương quyết, đủ sức răn đe đối với cán bộ thừa hành công cuộc cải cách hành chính mà Chính phủ đang quyết tâm làm để đạt đến đích Chính phủ kiến tạo, vì dân phục vụ.
Khâu then chốt của cải cách vẫn là con người. |
Để gỡ khó, lược bỏ các thủ tục được coi là “hành dân là chính” rất nhiều việc đã được người đứng đầu Chính phủ, các bộ ngành quyết liệt làm thời gian qua.
Chính vì lẽ đó “đã làm được một số việc cho người dân bớt khổ, doanh nghiệp (DN) bớt phiền hà vì nhiều thủ tục hành chính”.
Rõ ràng việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh ở Việt Nam đã nhận được sự hoan nghênh từ nhiều phía nhờ công cuộc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là đối với đội ngũ công quyền-những người vận hành các thủ tục đó.
CCHC, Cải cách thủ tục hành chính(CCTTHC) dẫu đạt được những kết quả đáng khích lệ nhưng chính người đứng đầu Chính phủ-Thủ tướng thừa nhận “người dân, DN vẫn còn kêu ca về sự phiền hà, rắc rối, chậm trễ trong giải quyết TTHC ở khâu này, khâu khác tại nhiều cơ quan khác nhau. Vẫn còn một số việc làm nản lòng nhà đầu tư và DN như né tránh trách nhiệm, chỉ dẫn lòng vòng hay thực hiện thiếu thủ tục”.
Nội hàm của những sự chậm trễ kia chắc chắn không chỉ nằm ở thủ tục, bởi thủ tục có được đơn giản hóa, tối giản đến mấy cũng không lại được với cán bộ cố tình “vận dụng linh hoạt” gây khó cho người dân và DN.
Rõ ràng ngọn lửa cải cách đã được thổi bùng lên, tuy nhiên, sức nóng của ngọn lửa chưa lan tỏa nhiều tới cấp cơ sở, tới mỗi cán bộ, công chức trực tiếp triển khai thủ tục. Trong khi đó, khâu then chốt của cải cách vẫn là con người.
Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam Bùi Văn Quân nói: “Anh em DN có suy nghĩ là Chính phủ, các bộ, ngành, hay lãnh đạo các tỉnh đẩy vấn đề này rất tốt, còn các sở, ngành, quận, huyện thì ở mức trung bình. Còn người thực hiện, chuyên viên trực tiếp thực hiện vẫn còn một số chưa triển khai tốt”. Không đơn giản chỉ là triển khai chưa tốt bởi nói như TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương thì điểm nghẽn nằm ở các cấp, cán bộ thực hiện trực tiếp. Chẳng hạn việc xây dựng thể chế thường mắc ở các vụ, cục. “Có nhiều thủ tục rất vô lý, kiến nghị nhiều năm, qua nhiều hội thảo nhưng có cục, vụ nói thế này, “các anh giỏi thì các anh cứ thay đổi đi, còn tôi không thay đổi”.
Vì sao lại có kiểu thách đố như vậy, bởi có rà soát để cắt giảm TTHC thì mới biết khó. Chủ trương của Chính phủ là cắt giảm tới mức tối đa các TTHC, tạo mọi điều kiện cho người dân và DN. Điều đó có nghĩa cán bộ phải nhận cái khó về mình mà không đẩy cái khó cho dân.
Điều đó cũng có nghĩa, có rất nhiều việc buộc cán bộ phải chuyển động nếu thực hiện đúng các yêu cầu của công cuộc CCHC. Do đó người cán bộ phải trau dồi kiến thức, tinh thông nghiệp vụ. Nền công vụ chắc chắn không có chỗ đứng cho cán bộ ì chệ, thiếu sáng kiến, giẫm chân tại chỗ.
Thực ra, TTHC ra đời cốt là để quản lý nhà nước cho tốt, nay bị cắt giảm đi chắc chắn sẽ gây khó dễ ít nhiều cho người thực thi công vụ.
Tất nhiên CCHC, cắt giảm thủ tục là để tạo điều kiện cho người dân và DN, nhưng dẫu có đẩy mạnh cải cách đến đâu cũng không được quên cái gốc của nó đó là TTHC để giúp quản lý nhà nước tốt hơn. Chắc chắn người dân và DN không phàn nàn nếu TTHC đúng. Cái làm người ta bức xúc chính là sự lợi dụng thủ tục để hành dân, để kiếm chác…
Cắt giảm những thủ tục này chẳng khác cắt tay, chặt chân của một bộ phận cán bộ thoái hóa, biến chất. Vì tư lợi, nhiều TTHC lý ra phải cắt giảm nhưng nó vẫn tồn tại để “hành” người dân, DN như một sự thách thức dư luận.
“Phải nghe lời nói ngang trái để sửa chính sách, để sát cuộc sống, để phát triển đất nước”, Thủ tướng nói và yêu cầu. Với công cuộc CCHC, người đứng đầu Chính phủ cho rằng: “Không chuyển biến thì cần có chế tài thực hiện”. “Cục trưởng, vụ trưởng nào nói “anh cứ cải cách đi” còn bản thân không chịu cải cách thì cán bộ đó phải đưa ra khỏi bộ máy nhà nước”- Thủ tướng nhấn mạnh.
Tất nhiên, để đẩy nhanh công cuộc CCHC có nhiều yếu tố và cán bộ là chốt của then chốt. Rõ ràng, để giải quyết nhanh một công việc thì yêu cầu đầu tiên là năng lực của người thực hiện, thứ hai là tinh thần trách nhiệm, dám làm dám chịu, vì sự phát triển, thứ ba là phẩm chất của cán bộ…Vì vậy, cán bộ nếu không đáp ứng được yêu cầu công việc cần có chế tài loại ra khỏi bộ máy.
Ngay tại phiên họp, Thủ tướng đề nghị Bộ Nội vụ chủ trì kiểm tra công vụ, có tổ công tác cùng với Cục Kiểm soát TTHC kiểm tra việc thực thi công vụ của một số nhóm đối tượng đã bị phát hiện có thể gây ách tắc, khó khăn cho DN.
Qua đó, xử lý nghiêm, đăng tải công khai trên các phương tiện thông tin truyền thông để răn đe, cảnh báo cán bộ. Sự cương quyết của Thủ tướng chắc chắn đánh động tới cán bộ thiếu năng lực, thiếu tinh thần trách nhiệm và yếu về phẩm chất buộc họ không thể chần chừ trong cải cách thậm chí là kéo giật lùi bánh xe CCHC.
Để cụ thể hóa chế tài xử lý cán bộ chậm chuyển động trong công cuộc cải cách nhiều ý kiến cho rằng phải truy rõ, tìm đúng địa chỉ trách nhiệm và xử lý nghiêm cán bộ mới đủ tính răn đe.
Người dân và DN mong chờ những quyết sách, hành động quyết liệt từ người đứng đầu Chính phủ trong việc loại bỏ những công chức thực sự không được việc, cố tình ngáng đường công cuộc CCHC mà Chính phủ đang nỗ lực làm thời gian qua.
http://daidoanket.vn/tin-tuc/goc-nhin-dai-doan-ket/loai-bo-can-bo-giam-chan-tai-cho-377005
Ngày đăng: 14:30 | 25/08/2017
Theo Lục Bình/daidoanket /