Dù xảy ra hiện tượng sốt đất tại một số tỉnh thành nhưng chuyên gia cho rằng khó xảy ra bong bóng bất động sản.
Tại một buổi hội thảo mới đây, chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu nhận định, thị trường bất động sản hiện nay đang rất nóng, hiện tượng bong bóng tại một số địa điểm đã hình thành và chỉ chờ chực các hiện tượng khác của nền kinh tế để vỡ ra.
"Chúng ta phải cẩn thận vì bong bóng có thể vỡ ra vào đầu năm 2019 hoặc trong năm 2019", TS Nguyễn Trí Hiếu cảnh báo.
Trước lo ngại này của TS Hiếu, trao đổi với Đất Việt, các chuyên gia kinh tế, bất động sản đều cho rằng, thị trường Việt Nam sẽ không xảy ra bong bóng bất động sản.
Theo chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, bong bóng bất động sản được hiểu là tình trạng của một nền kinh tế mà số đông nhà đầu tư bất động sản không có khả năng trả nợ ngân hàng, bị ngân hàng xiết nhà và giá nhà đất rớt liên tục.
Tuy nhiên, ở Việt Nam không gặp bong bóng bất động sản mà chỉ xuất hiện tình trạng đóng băng - thị trường không giao dịch, giá bất động sản có thể không rớt nhiều nhưng nhà đầu tư muốn bán mà không bán được.
"Điều này nguy hiểm ở chỗ, khi ngân hàng cần thu hồi nợ, để có tiền trả nợ nhà đầu tư phải bán được nhà đất, nhưng vì không có ai mua nên cuối cùng nợ đó trở thành nợ xấu. Người nợ thì cứ chây ì, hai bên đành phải chờ pháp luật xử lý. Nhưng thời gian để bán được một căn nhà thu nợ tại Việt Nam ít nhất phải 1 năm.
Bên cạnh đó, bong bóng bất động sản thì có người thắng, người thua, thị trường phục hồi nhanh, còn thị trường đóng băng thì cứ nằm hoài như thế. Thị trường bất động sản Việt Nam đóng băng trong giai đoạn 2010-2015, trong ngần ấy năm, nhà đầu tư nào vay ngân hàng 30% vốn đầu tư cộng với lãi suất thì coi như mất trắng ", TS Đinh Thế Hiển cho biết.
Theo vị chuyên gia, nhiều sự kiện cho thấy thị trường bất động sản có thể lặp lại giai đoạn 2010 với một quy mô lớn hơn nhiều. Nguyên nhân là vì giá bất động sản hiện nay đã cao hơn nhiều lần so với giai đoạn 2010, đồng thời quy mô cũng lớn hơn trước rất nhiều.
TS Nguyễn Trí Hiếu lo ngại bong bóng bất động sản có thể vỡ trong năm 2019
"Chẳng hạn, những năm 2007-2010, giá bất động sản ở mặt đường khu Him Lam (quận 7, TP.HCM) giá 60-70 triệu đồng/m2 đã là kinh khủng, thì giờ mức giá đã cao hơn rất nhiều. Trong nội thành, nếu trước đây 1 căn nhà nhỏ trong hẻm giá chừng 3-4 tỷ đồng, nhưng giờ 7-8 tỷ đồng.
Bên cạnh việc tăng giá rất nhiều thì về quy mô, bây giờ chỉ cần bước qua cầu Thủ Thiêm đã thấy cả một rừng căn hộ chung cư. Nếu năm 2010 đưa ra khoảng 10.000 căn và dự kiến có 50.000 căn, còn giờ đã có trên 100.000 căn hộ mà toàn căn hộ cao cấp. Đây mới là tính riêng TP.HCM.
Trong giai đoạn này, các địa phương khác đều có nhà đầu cơ vào số vùng giá cao. Trước đây, ra khỏi thành phố, giá một mét vuông đất chỉ tương đương một thùng bia 333, tức vài ba chục ngàn đến khoảng 140.000 đồng. Nhưng giờ ngay cả ở Bến Lức (Long An) giá đất cũng 800.000-1 triệu đồng/m2.
Như vậy, nếu thị trường đóng băng thì sẽ trên một diện vô cùng rộng", TS Hiển nhận xét.
Chia sẽ về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam thể hiện một quan điểm khác. Theo ông Đính, khó xảy ra bong bóng bất động sản dù chính Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam vừa cho biết, có hiện tượng sốt đất tại một số tỉnh phía bắc như Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh...
"Đúng là hiện nay thị trường bất động sản có nóng, có hiện tượng đẩy giá bất động sản ở một số tỉnh nhưng mức giá chưa phải là cao lắm, dao động từ 10-15 triệu đồng/m2, vẫn là mức giá có thể chấp nhận được.
Hiện tượng sốt đất ở một số tỉnh không được coi là bong bóng. Bây giờ đang là thời điểm đầu của các thị trường này và thị trường sốt lên do các nhà đầu tư thứ phát nhảy vào, điều đó có lợi cho thị trường.
Nếu kinh tế Việt Nam suy thoái thì lúc đó sẽ nguy hiểm. Đó là kịch bản kinh tế thế giới xấu đi do các xung đột và kinh tế Việt Nam có thể gặp khó khăn do chịu ảnh hưởng của nền kinh tế thế giới.
Tuy nhiên, từ đầu năm tới nay, kinh tế Việt Nam thậm chí còn tăng trưởng mạnh hơn cùng kỳ hàng năm. Nếu đến cuối năm vẫn duy trì được chỉ số này thì kinh tế Việt Nam ổn định và như thế không có lý do gì phải lo ngại thị trường bất động sản đổ vỡ.
Chính khả năng tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng đầu tư giúp tăng nhu cầu về lao động và nhu cầu về nhà ở tại các tỉnh đang phát triển công nghiệp và một số mảng kinh tế khác. Thị trường bất động sản ở một số tỉnh đề cập ở trên tăng trưởng phù hợp với tình hình kinh tế của tỉnh đó", ông Nguyễn Văn Đính nhận xét.
Theo giải thích của Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, thị trường bất động sản có thể theo một chu kỳ tăng trưởng đến đỉnh và suy thoái.
Trước đây, chu kỳ đó ngắn và có độ lõm sâu, nhưng bây giờ do các yếu tố của thị trường đều tốt hơn ngày xưa nên chu kỳ ấy dài hơn thời gian trước rất nhiều, độ lõm nông hơn.
"Có thể sẽ đến thời điểm thị trường thoái trào, nhưng sự đi xuống đó không phải đột ngột, cũng không sâu và tạo ra sự trầm lắng", ông Nguyễn Văn Đính nhấn mạnh.
"Vì những lẽ đó, việc xảy ra bong bóng bất động sản và vỡ bong bóng khó xảy ra. Chúng tôi đánh giá, thị trường Hà Nội và TP.HCM hiện đang rất ổn định, dù không có sự sôi động của các nhà đầu cơ tham gia nhưng thị trường có sự hấp thụ khá nhiều do nhu cầu sử dụng thực.
Dự báo sốc về bong bóng bất động sản Việt Nam
Nhiều chuyên gia cho rằng thị trường BĐS Việt Nam đang ngày càng cho thấy có nguy cơ tạo ra bong bóng có thể nổ ... |
Hết đất làm chung cư ven hồ, DN Hà Nội nhanh chân xí đất nhìn ra sông
Nếu trước đây, các chủ đầu tư thường tận dụng cụm từ "view hồ" gắn vào dự án chung cư có tầm nhìn là các ... |
Ngày đăng: 10:16 | 16/07/2018
/ http://baodatviet.vn