Israel hôm 27/11 cho biết sẽ cấm tất cả người nước ngoài nhập cảnh vào nước này, đồng thời nhiều quốc gia khác cũng khởi động làn sóng cấm hoặc hạn chế đi lại.

Thủ tướng Israel Naftali Bennett tuyên bố rằng lệnh cấm nhập cảnh đang chờ chính phủ phê duyệt, dự kiến sẽ kéo dài 14 ngày. Các quan chức hy vọng rằng trong khoảng thời gian đó, họ sẽ có thêm thông tin về hiệu quả của vaccine chống lại Omicron - biến thể được phát hiện lần đầu tiên ở Nam Phi và được Tổ chức Y tế Thế giới xem là "cần quan tâm".

Lo ngại biến thể Omicron, nhiều quốc gia xem xét đóng cửa biên giới - 1
Hành khách ở sân bay quốc tế Ben Gurion, Israel. (Ảnh: Reuters)

Trong khi đó, những người Israel về nước, bao gồm cả những người đã được tiêm vaccine, sẽ phải cách ly. Lệnh cấm sẽ có hiệu lực vào nửa đêm giữa 28-29/11. Trước đó, Israel đã áp dụng lệnh cấm nhập cảnh đối với người nước ngoài đến từ hầu hết các quốc gia châu Phi hôm 26/11.

Ông Bennett cho biết thêm, công nghệ theo dõi điện thoại của cơ quan chống khủng bố Shin Bet sẽ được sử dụng để xác định vị trí những người mắc biến thể mới, từ đó ngăn chặn sự lây truyền.

Hàng loạt quốc gia châu Âu phát hiện Omicron

Trong khi đó ở Anh, Đức và Italia đã phát hiện các ca mắc biến thể virus corona Omicron mới, trong khi nhiều quốc gia áp dụng các hạn chế đối với du khách di chuyển từ miền Nam châu Phi.

Việc phát hiện ra biến thể đã làm dấy lên lo ngại toàn cầu, khởi động làn sóng cấm hoặc hạn chế đi lại, cũng như tác động xấu đến thị trường tài chính khi các nhà đầu tư lo ngại rằng Omicron có thể ngăn chặn sự phục hồi toàn cầu.

Vương quốc Anh cũng đã đặt ra những biện pháp mới để hạn chế sự lây lan của biến thể, như các quy tắc xét nghiệm khắt khe hơn cho người từ nơi khác đến. Dù vậy nước này chưa đưa ra thêm hạn chế xã hội nào ngoài yêu cầu đeo khẩu trang trong một số hoàn cảnh.

Cộng hòa Séc cũng đang kiểm tra một ca nghi nhiễm là người từng ở Namibia. biến thể Omicron cũng đã được phát hiện ở Bỉ, Botswana, Israel và Hong Kong.

Thụy Sĩ hôm 27/11 mở rộng yêu cầu cách ly đối với hành khách từ Anh, Séc, Hà Lan, Ai Cập, Malawi, trước lo ngại về biến thể mới.

Chiến dịch tiêm chủng

Biến thể mới cũng gây chú ý về sự chênh lệch trong tiến độ tiêm vaccine trên thế giới. Theo các nhóm y tế và nhân quyền, trong khi nhiều nước phát triển đang tiêm liều thứ ba, chưa đến 7% người dân ở các nước thu nhập thấp được tiêm mũi vaccine COVID-19 đầu tiên.

Seth Berkley, Giám đốc điều hành của Liên minh vaccine GAVI - tổ chức cùng với WHO đồng lãnh đạo sáng kiến COVAX nhằm thúc đẩy phân phối vaccine công bằng, cho biết việc tiêm chủng là cần thiết để ngăn chặn sự xuất hiện của nhiều biến thể SARS-CoV-2 hơn.

Phương Anh ( Nguồn : Reuters )

Quan chức Nam Phi: Omicron chỉ gây triệu chứng nhẹ, có thể điều trị tại nhà Quan chức Nam Phi: Omicron chỉ gây triệu chứng nhẹ, có thể điều trị tại nhà
Loạt nước Đông Nam Á siết hạn chế đi lại vì siêu biến chủng Omicron Loạt nước Đông Nam Á siết hạn chế đi lại vì siêu biến chủng Omicron

Ngày đăng: 07:57 | 28/11/2021

/ vtc.vn