Người tiêu dùng Trung Quốc không khỏi lo ngại đối với đồ đông lạnh nhập khẩu khi có thông tin phát hiện virus SARS-CoV-2 trên các sản phẩm này.
Theo CNA, việc 2 thành phố ở Trung Quốc hôm 13.8 tìm thấy virus SARS-CoV-2 trong cánh gà đông lạnh nhập khẩu từ Brazil và tôm từ Ecuador đã làm dấy lên lo ngại của của nhiều người tiêu dùng, dù Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã trấn an cộng đồng quốc tế về nguy cơ virus xâm nhập chuỗi thực phẩm.
“Tôi sẽ không chọn các sản phẩm nhập khẩu, vì hiện tại tình hình dịch bệnh ở nước ngoài còn nghiêm trọng hơn ở Trung Quốc", Wang Chao, cư dân Thượng Hải nói và cho biết anh sẽ lựa chọn ăn nhiều các món ăn địa phương hơn tại thời điểm hiện nay.
COVID-19 khởi phát tại Vũ Hán, Trung Quốc vào cuối năm ngoái nhưng nước này được cho là đã kiểm soát được phần lớn tình hình, với trọng tâm là ngăn chặn các vụ dịch bùng phát trong nước và các ca bệnh "nhập khẩu".
Những lo ngại về rủi ro từ thực phẩm đông lạnh nhập khẩu lần đầu tiên xuất hiện khi virus SARS-CoV-2 được tìm thấy trên thớt xử lý cá hồi nhập khẩu ở chợ đầu mối Tân Phát Địa, Bắc Kinh hồi tháng 6, gây bùng 1 cụm dịch không nhỏ.
“Tôi đã làm sạch cá đông lạnh trong tủ đá ở nhà và sẽ không mua thêm nữa. Có lẽ tôi đã phản ứng thái quá, nhưng tôi không muốn mạo hiểm sức khỏe của gia đình mình", Ma Xuan, 1 nhân viên chính phủ, nói.
Austin Hu, bếp trưởng tại nhà hàng cao cấp Heritage by Madison ở Thượng Hải, cho biết họ đã gặp nhiều khó khăn và chậm trễ trong việc nhập hải sản sống như hàu sau đợt bùng dịch vì các nhà chức trách tăng cường kiểm tra. Đồng thời niềm tin của người tiêu dùng đã bị ảnh hưởng lớn.
"Tình hình ngày càng khó khăn hơn, đặc biệt là với các loại hải sản vì sự cố xảy đến với tôm và cá hồi", ông Hu nói.
Hôm 14.8, trả lời câu hỏi về việc nhập khẩu hàng từ Brazil, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho biết giới chức đang làm việc với quốc gia liên quan và không bình luận về việc liệu nhập khẩu có bị hạn chế hay không.
Theo Reuters, nhà phân tích Dan Wang của Economist Intelligence Unit đã dự báo nhập khẩu thủy sản của Trung Quốc sẽ giảm 3% trong năm nay. “Tiêu thụ thủy sản giảm do người tiêu dùng hoang mang rằng hải sản có thể là thủ phạm làm bùng làn sóng thứ 2 của dịch COVID-19”, chuyên gia Wang nói.
Lê Thanh Hà
WHO nói gì khi Trung Quốc phát hiện SARS-CoV-2 ở hàng đông lạnh nhập khẩu |
Đáng ngờ vịt Trung Quốc đông lạnh, sầu riêng mini Thái Lan |
Ngày đăng: 19:09 | 15/08/2020
/ laodong.vn