Theo chuyên gia Đoàn Minh Xương, bất cập trong khâu đào tạo trẻ ở các CLB khiến những nhân tài bóng đá TP.HCM ngày càng khan hiếm.
Bóng đá TP.HCM đang trải qua giai đoạn khó khăn, với thành tích đi xuống của những đại diện như CLB TP.HCM và Sài Gòn. Các CLB không chỉ chơi thiếu ổn định, mà còn không có bản sắc chơi bóng.
Trong cuộc họp giữa Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên với các đội, cựu chủ tịch CLB TP.HCM Nguyễn Hữu Thắng chỉ ra rằng đội bóng đang rất thiếu nguồn cầu thủ địa phương, dẫn đến phải dùng cầu thủ ở các tỉnh, thành phố khác. Làm bóng đá như vậy khó tạo ra bản sắc và được người hâm mộ đón nhận.
Bóng đá TP.HCM có một thời lẫy lừng, sản sinh ra nhiều nhân tài cho các đội bóng lẫn đội tuyển Việt Nam. Tuy nhiên, các tài năng bóng đá nơi đây đang mờ nhạt ở sân chơi V-League và "biến mất" khỏi cấp độ ĐTQG.
Chia sẻ với VTC News, ông Đoàn Minh Xương - phụ trách bóng đá học đường tại Liên đoàn bóng đá TP.HCM (HFF) cho rằng chính bất cập trong khâu đào tạo và tư duy làm bóng đá khiến bóng đá TP.HCM lãng phí nhân tài và không đào tạo được cầu thủ giỏi.
CLB TP.HCM thiếu bản sắc địa phương trong đội hình.
Lỗ hổng đào tạo
- Sau thời kỳ huy hoàng của Cảng Sài Gòn, Công an TP.HCM hay Công nghiệp Thực phẩm, bóng đá TP.HCM đã sa sút nhiều năm qua. Hiện tại, cả 2 đội bóng chuyên nghiệp của thành phố đang khủng hoảng, có nguy cơ rớt hạng khỏi V-League. Nói bóng đá nơi đây đang "mất chất" liệu có chính xác?
Mỗi giai đoạn lịch sử bóng đá lại đòi hỏi một cách làm khác nhau để phát triển. Thời bao cấp, TP.HCM phát triển bóng đá rất mạnh với những đại diện như Cảng Sài Gòn, Công an TP.HCM, Hải quan,...
Tuy nhiên, từ năm 2000, khi bóng đá Việt Nam chuyển qua cơ chế chuyên nghiệp, các CLB tại TP.HCM dần tan rã. Đội Công an TP.HCM bàn giao cho Ngân hàng Đông Á rồi sau đó xóa sổ, Cảng Sài Gòn cũng về với Thép Miền Nam, rồi xuống hạng và biến mất.
Sau này, có những CLB xuất hiện tại TP.HCM, nhưng những đội này giống như từ nơi khác đến, thay vì được xây dựng nên từ nội lực bóng đá TP.HCM. Đội Sài Gòn Xuân Thành thực tế tiền thân là Xi măng Xuân Thành Hà Tĩnh, sau chuyển trụ sở vào TP.HCM và đổi tên. Navibank Sài Gòn cũng có gốc gác là đội Quân khu 4. Họ lấy tên Sài Gòn chứ không thuộc về nơi đây, rồi cũng nhanh chóng giải thể. Chưa bao giờ những đội này mang bản sắc bóng đá TP.HCM.
Liên đoàn bóng đá TP.HCM (HFF) sau đó xây dựng một đội bóng trẻ TP.HCM lên chơi chuyên nghiệp theo lộ trình từ năm 2013 đến 2016. Khi lên chuyên nghiệp, đội này được bàn giao cho doanh nghiệp và mang tên CLB TP.HCM.
Trong quá trình hoạt động, CLB này thay đổi quá nhiều, thiếu cả chiến lược phát triển lẫn mức độ ổn định nhân sự. Mỗi năm đội này lại thay 1 HLV. Riêng mùa này, CLB TP.HCM đã dùng tới 4 HLV. Điều này khiến đội TP.HCM không ổn định về con người và lối chơi. Họ không đầu tư đồng bộ từ cơ sở vật chất đến đào tạo trẻ, dẫn đến không có bản sắc.
CLB TP.HCM (áo xanh) đang rơi tự do.
CLB Sài Gòn có tiền thân là CLB bóng đá Hà Nội, sau đó chuyển vào đây và đổi tên thành CLB Sài Gòn. Đội này chỉ đầu tư ở đội hình 1, còn không có nền tảng từ chỗ ăn, chỗ ở đến đào tạo con người. Chủ đầu tư mới tiếp quản đội Sài Gòn vào năm 2020 và giúp đội có thành tích, nhưng khi đang chơi tốt, họ lại đổi chiến lược và sa sút.
Bóng đá TP.HCM có thể chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 2002-2012, các đội bóng tại đây thay nhau biến mất bởi TP.HCM không có chính sách để phát triển bóng đá chuyên nghiệp để phù hợp với cơ chế chuyên nghiệp. Xã hội hóa nhưng phải có vai trò nhà nước, thay vì "khoán trắng" bóng đá cho doanh nghiệp.
Ngành thể thao TP.HCM lại thiếu định hướng ở khâu tham mưu cho lãnh đạo trong việc phát triển bóng đá. Việc bàn giao đội cho doanh nghiệp mà không quản lý tốt đã để lại hậu quả.
Còn giai đoạn 2012-nay, hai đại diện TP.HCM không có chiến lược cụ thể và cũng không kiên trì với con đường họ đã chọn.
- Một trong những nguyên nhân được chỉ ra cho sự "mất chất" của bóng đá TP.HCM là các CLB thiếu các tài năng bản địa. Tất nhiên, bóng đá chuyên nghiệp không thể chỉ trông đợi vào nguồn cầu thủ địa phương, nhưng tại sao các đội lại không dùng cầu thủ trẻ tại TP.HCM, mà phải dùng cầu thủ ở các địa phương khác?
TP.HCM từng là cái nôi đào tạo ra nhiều cầu thủ giỏi cho CLB và đội tuyển Việt Nam. Trước đây, mô hình đào tạo trẻ của TP.HCM dựa trên cơ chế bao cấp, với trung tâm đào tạo là Trường Năng khiếu Nghiệp vụ TDTT TP.HCM. Mỗi lứa cầu thủ trẻ được đào tạo ra sẽ được tăng cường cho các CLB như Cảng Sài Gòn, Hải quan, Công nghiệp Thực phẩm hay Công an TP.HCM.
Tuy nhiên, mô hình này không còn phù hợp với bóng đá chuyên nghiệp. Nguyên tắc cơ bản là các CLB chuyên nghiệp phải tham gia trực tiếp vào đào tạo trẻ để xây dựng bản sắc. Sở VH-TT TP.HCM không thể đào tạo trẻ thay cho các CLB, mà họ chỉ phát triển phong trào bóng đá trẻ, tổ chức hệ thống thi đấu đào tạo trẻ. Nếu có đào tạo, sở chỉ bồi dưỡng cầu thủ ở giai đoạn đầu, đến khi 15 tuổi.
Thông qua hệ thống bóng đá phong trào và đào tạo cầu thủ ban đầu của Sở VH-TT TP.HCM, các CLB phải trực tiếp tuyển chọn những cầu thủ thực sự có năng khiếu, rồi đưa về đội của mình để đào tạo. Khi ấy, việc đào tạo trẻ mới gắn liền với lối chơi, bản sắc CLB.
Còn giải pháp đào tạo cầu thủ đến năm 19 tuổi rồi mới đưa về các CLB TP.HCM và Sài Gòn như hiện nay thực tế là không phù hợp. Giai đoạn 16 đến 19 tuổi, cầu thủ cần được đào tạo nâng cao và chuyên môn hóa, đồng thời định hướng nghề nghiệp. Họ cần được các đội trực tiếp ký hợp đồng, từ ấy mới tạo ra động lực để thi đấu.
Đơn cử, nếu các cầu thủ được khoác áo CLB TP.HCM từ năm 16 tuổi, được đào tạo và tập luyện tại đây, họ mới có động lực và quyết tâm vì màu cờ sắc áo. Còn nếu ở độ tuổi ấy, các cầu thủ ấy vẫn chưa biết đi đâu về đâu thì không có động lực tiến bộ.
Nhiệm vụ của Sở VH-TT TP.HCM là phát triển và nhân rộng bóng đá cộng đồng để tạo ra nguồn cầu thủ dồi dào. Các CLB sau đó lấy cầu thủ từ 16 tuổi về đào tạo tiếp, giúp cầu thủ thấm nhuần lối chơi và có định hướng rõ ràng, khi ấy việc đào tạo mới có kết quả.
U17 Sài Gòn (áo trắng) vào chung kết U17 Quốc gia 2022, nhưng thành tích này chưa phản ánh hết thực trạng đào tạo trẻ tại TP.HCM.
- Theo mô hình này, trách nhiệm đào tạo các cầu thủ trẻ từ giai đoạn 16-19 tuổi thuộc về các CLB là chính. Nhưng, dường như CLB Sài Gòn và CLB TP.HCM chưa có dấu ấn đáng kể nào trong hoạt động này?
Thời gian qua, các CLB tại TP.HCM không thực sự tham gia vào khâu đào tạo cầu thủ. Họ làm bóng đá với tư duy kinh doanh. Họ sẵn sàng chi nhiều tiền để mang ngôi sao về, thay vì đào tạo con người. CLB TP.HCM và Sài Gòn phải thay đổi tư duy và mô hình đào tạo, rồi mới chờ đợi có những tài năng triển vọng. Không trồng cây thì đừng mong hái quả.
Một bất cập khác, đó là các HLV tham gia đào tạo trẻ tại TP.HCM hiện nay không có chế độ tốt. Họ chỉ có tiền ăn, tiền công, thu nhập không cao thì liệu có đầy đủ động lực tận hiến?
Cầu thủ cũng vậy thôi. Ví dụ nếu họ khoác áo đội U19 SLNA, tinh thần thi đấu sẽ khác. Họ biết mình đang chiến đấu cho đội bóng hay màu cờ sắc áo nào, thay vì không biết mình đang thi đấu vì điều gì, sẽ khoác áo đội nào như ở các cầu thủ trẻ tại TP.HCM hiện nay.
Ở giải U21 Quốc gia 2022, CLB TP.HCM và CLB Sài Gòn đều không có đại diện góp mặt. TP.HCM chỉ có 1 đội dự giải là Trung tâm TDTT Thống Nhất - tức là đội trẻ của Sở VH-TT TP.HCM.
Việc các đội chỉ "ăn xổi", không có chiến lược phát triển cầu thủ là vấn đề lớn. CLB Sài Gòn vốn không có đội trẻ, mà chỉ sang Trung tâm TDTT Thống Nhất để mượn đội trẻ rồi gắn tên vào. Họ không có một hệ thống đào tạo, tuyển chọn chỉn chu và bài bản.
Phải xây dựng bóng đá TP.HCM bền vững
- Một thành viên Học viện Lyon TP.HCM nói rằng một trong những nỗi bất an với cầu thủ tại đây là khi được đào tạo ra, họ không có "đầu ra", không biết liệu có được nhận vào CLB nào hay không.
Đó là thực tế. Làm bóng đá, ngoài dạy cầu thủ sử dụng đôi chân thì còn phải giúp họ đả thông "cái đầu", tức là xây dựng chỗ đứng vững chắc, từ ấy cầu thủ mới yên tâm nỗ lực.
Tại sao Hà Nội FC có nhiều cầu thủ trẻ giỏi? Đó là bởi Sở TDTT Hà Nội đào tạo cầu thủ đến năm 15 tuổi, sau đó CLB sẽ lựa chọn những cái tên xuất sắc nhất để đưa về CLB đào tạo tiếp, từ đó những cầu thủ như Quang Hải, Đức Huy, Duy Mạnh,... mới được định hướng phát triển và thấm nhuần phong cách chơi bóng của CLB từ khi còn trẻ.
Còn như hiện tại, các CLB "phó mặc" cho đơn vị khác đào tạo đến năm 19 tuổi rồi mới chọn dùng thì rất bất hợp lý.
- Đâu là giải pháp cho vấn đề này?
Đã đến lúc 2 CLB TP.HCM, các trung tâm đào tạo, HFF và ban ngành liên quan phải ngồi với nhau và phân công nhiệm vụ rõ ràng: Sở VH-TT có nhiệm vụ phát triển bóng đá trẻ, đào tạo cầu thủ từ 11-15 tuổi, sau đó các CLB tiếp nhận, chọn lọc và đào tạo tiếp, thay vì chỉ ngồi không rồi đợi người khác đào tạo cho mình.
Ngoài bàn lại định hướng phát triển, TP.HCM có thể chia khu vực. Thành phố có 24 quận huyện, các CLB có thể xây dựng các trung tâm vệ tinh tại các quận huyện này để đầu tư tuyển chọn nhân tài. Họ phải tận dụng nền tảng hiện tại để đào tạo cầu thủ từ năm 16 đến 19 tuổi làm thế hệ nòng cốt cho CLB, thay vì làm đào tạo trẻ theo kiểu đối phó, rồi tới các giải trẻ lại đi mượn quân ở các nơi khác để tránh bị VFF phạt.
Hệ thống bóng đá học đường tại TP.HCM rất mạnh, nhưng nhiều cầu thủ chọn sang các địa phương khác, bởi họ không nhìn thấy tương lai ở đây.
Những người làm bóng đá tại đây cần trả lời những câu hỏi sau: TP.HCM có cần làm bóng đá hay không? Đầu tư bóng đá để làm gì? Nhiều nhà đầu tư đã đến TP.HCM làm bóng đá nhưng đều mục đích khác. Họ không có tư duy muốn bóng đá TP.HCM thực sự phát triển. Phải có tư duy xây dựng hình ảnh cho bóng đá TP.HCM thì làm mới bền vững.
TP.HCM là địa phương lớn mạnh như vậy, không lẽ lại không có bóng đá. Ngoài ra, cần phát huy vai trò quản lý nhà nước trong bóng đá. Nhà nước làm gì, doanh nghiệp làm gì, phân công ra sao. Để cho doanh nghiệp tự xoay sở với CLB theo những mô hình khác nhau, ông bầu nào làm ăn được thì CLB rủng rỉnh, ông bầu nào sa sút thì đội phá sản, như vậy có lẽ không ổn.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
https://vtc.vn/lo-hong-dao-tao-tre-khien-bong-da-tp-hcm-khan-hiem-nhan-tai-ar708242.html
Ngày đăng: 09:13 | 21/10/2022
Hồng Nam / VTC News