Ngày 5-12, Thủ tướng Pháp Michel Barnier chính thức đệ đơn xin từ chức sau khi không vượt qua được cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội.
Đây là lần thứ 3 trong năm nay, nước Pháp sẽ phải tái khởi động hành trình gian nan để tìm chọn Thủ tướng mới chèo lái đất nước trong thời gian tới.
Chính trị gia bảo thủ kỳ cựu Barnier được ông Macron bổ nhiệm làm Thủ tướng chỉ cách đây 3 tháng. Ông Barnier nắm giữ một kỷ lục mà không ai muốn phá khi trở thành thủ tướng tại vị ngắn nhất trong lịch sử hiện đại của Pháp. Tạm thời trong giai đoạn trước mắt, Điện Elysee cho biết ông Macron đã yêu cầu ông Barnier và nội các hiện nay tiếp tục giữ vai trò tạm quyền cho đến khi chính phủ mới được thành lập.
Cùng ngày, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã gặp các đồng minh và lãnh đạo Quốc hội nhằm tìm cách sớm bổ nhiệm một thủ tướng mới thay thế ông Michel Barnier. Theo một số nguồn tin, ông Macron muốn bổ nhiệm người thay thế nhanh nhất có thể, có thể trước thời điểm mở cửa lại Nhà thờ Đức Bà vào ngày 7-12 tới.
Các đồng minh của Tổng thống Macron cũng đang thúc giục ông khẩn trương đưa ra quyết định. Ông Macron việc mất hơn 2 tháng để bổ nhiệm ông Barnier sau thất bại trong cuộc bầu cử lập pháp hồi tháng 6 đang dấy lên những lo ngại về sự chậm trễ tiếp theo.
Chủ tịch Quốc hội Pháp Yael Braun-Pivet lên tiếng: "Tôi đề nghị ông ấy nên nhanh chóng bổ nhiệm một thủ tướng, điều này rất quan trọng, chúng ta không được để mọi việc chưa chắc chắn". Ông nói thêm: “Không được có bất kỳ sự do dự chính trị nào. Chúng ta cần một nhà lãnh đạo có thể nói chuyện với mọi người và làm việc để thông qua một dự luật ngân sách mới”.
Ông Macron phải đối mặt với nhiệm vụ quan trọng là chỉ định người thay thế có khả năng lãnh đạo một chính phủ thiểu số trong một quốc hội mà không có đảng nào nắm giữ đa số. Trong khi đó, nước Pháp hiện đang đối diện với nguy cơ kết thúc năm 2024 mà không có một chính phủ ổn định hoặc không phê duyệt được ngân sách hoạt động năm 2025, mặc dù hiến pháp cho phép thực hiện các biện pháp đặc biệt ngăn chặn tình trạng đóng cửa chính phủ.
Bất ổn chính trị ở Pháp cũng làm suy yếu thêm Liên minh châu Âu vốn đang chao đảo vì sự sụp đổ của chính phủ liên minh tại Đức - diễn ra chỉ vài tuần trước khi ông Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tại Mỹ. Bất ổn chính trị cũng đang làm giảm uy tín của Tổng thống Macron - vốn đã bị giảm sút nghiêm trọng sau khi có một kết quả bầu cử thất vọng cách đây vài tháng.
Hiện tại các suy đoán về người đảm nhiệm vai trò Thủ tướng mới tập trung vào các ứng cử viên như Bộ trưởng Bộ Quân đội Pháp Sébastien Lecornu và ông François Bayrou - lãnh đạo Đảng trung dung MoDem.
Là đồng minh thân cận của Macron, ông Sebastien Lecornu được coi là một nhân vật ổn định có thể duy trì tính liên tục trong chính phủ. Ông Lecornu giữ chức Bộ trưởng Bộ Quân đội Pháp từ năm 2022, liên tiếp kinh qua chính phủ của các Thủ tướng Michel Barnier, Elisabeth Borne và Gabriel Attal.
Giống như ông Lecornu, ông Francois Bayrou cũng là đồng minh thân cận của ông Macron. Ông Bayrou là một nhân vật chính trị nổi bật theo chủ nghĩa trung dung. Ông Bayrou từng là ứng cử viên trong các cuộc bầu cử tổng thống năm 2002, 2007 và 2012. Đặc biệt tờ Le Parisien đưa tin, Tổng thống Pháp đã dùng bữa trưa với ông Francois Bayrou sau khi kịch bản về Thủ tướng Michel Barnier gần như ngã ngũ. Điều này càng gia tăng thêm sự đồn đoán về việc ông Francois Bayrou có khả năng cao là vị Thủ tướng sắp tới.
Bên cạnh đó, báo Anh Daily Express cho rằng tân Bộ trưởng Bộ Nội vụ Bruno Retailleau, cựu thủ tướng Bernard Cazeneuve cũng là những cái tên tiềm năng. Trong khi đó, theo tạp chí Newsweek, Liên minh cánh tả NFP vẫn tiếp tục ủng hộ đối với ông Lucie Castets, nhà kinh tế học 37 tuổi, hiện là giám đốc tài chính Tòa thị chính Paris.
Về Tổng thống Macron, nhiệm kỳ của ông sẽ kéo dài đến năm 2027 và chưa có dấu hiệu nào cho thấy ông sẽ nhượng bộ trước lời kêu gọi từ chức của phe đối lập. Phát biểu với kênh truyền hình TF1, lãnh đạo đảng cực hữu National Rally Marine Le Pen cho rằng: "Thủ phạm chính gây ra tình hình hiện nay là ông Emmanuel Macron". Bên cạnh đó, theo cuộc thăm dò gần đây cho thấy khoảng 64% cử tri muốn tổng thống từ chức.
Tuy nhiên, ông Macron đã bác bỏ những lời kêu gọi như vậy và loại trừ các cuộc bầu cử lập pháp mới. Hiến pháp nước này cũng không yêu cầu tổng thống phải từ chức sau khi chính phủ của ông bị Quốc hội bãi nhiệm. Phát biểu vào đầu tuần này, ông Macron cho biết: “Tôi được bầu để phục vụ cho đến năm 2027 và tôi sẽ hoàn thành nhiệm vụ đó”.
Do đó để giảm áp lực từ phe đối lập và cử tri, Tổng thống Pháp cần phải sớm tìm ra ứng viên Thủ tướng phù hợp nhất trong hoàn cảnh hiện tại để chèo lái đất nước. Trong đó, bất kỳ thủ tướng mới nào cũng sẽ phải đối mặt với những thách thức tương tự khi giải quyết “mớ hỗn độn”, nhất là việc thông qua ngân sách năm 2025 với một quốc hội bị chia rẽ nghiêm trọng.
Sự bất ổn chính trị đã làm gia tăng mối lo ngại về nền kinh tế Pháp, đặc biệt là nợ công nếu không có những cải cách đáng kể. Các nhà phân tích cho rằng sự sụp đổ của chính phủ Barnier có thể đẩy lãi suất của Pháp lên cao, khiến nợ công tăng cao hơn nữa.
Vào ngày 4-12, Cơ quan xếp hạng tín nhiệm Moody's đã cảnh báo rằng sự sụp đổ của chính phủ làm giảm khả năng củng cố tài chính công và khiến tình hình chính trị trở nên tồi tệ hơn.
Ngày đăng: 09:41 | 06/12/2024
PV / HNM