Trung tâm Phối hợp tìm kiếm - cứu nạn hàng hải Việt Nam đã vượt gần 300km đường biển để kịp thời cứu sống 1 ngư dân bị tai biến, nguy kịch.

Gia đình bệnh nhân rất cảm kích bởi trước đó họ suýt phải chi 70 triệu đồng thuê tàu cao tốc tư nhân chở người nhà về đất liền cấp cứu.

Nhân viên cứu hộ chuẩn bị đưa ngư dân về đất liền

Tổng giám đốc Trung tâm Phối hợp TKCNHH Bùi Văn Minh cho biết: Vào hồi 10h52 ngày 4/10, Trung tâm nhận được thông tin ngư dân Bùi Duy Cường (SN 1986) hành nghề lặn biển tại khu vực vùng biển Bạch Long Vỹ (Hải Phòng) gặp nạn. Ngư dân này đang ở trong tình trạng bất tỉnh, rất nguy kịch.

Anh Cường ngay lập tức được đưa lên đảo Bạch Long Vỹ để cấp cứu. Tuy nhiên, điều kiện trang thiết bị y tế tại Trung tâm y tế quân dân y không đáp ứng được việc cấp cứu cho nạn nhân. Chính quyền đảo yêu cầu được hỗ trợ y tế và cứu hộ khẩn cấp.

Trung tâm Phối hợp TKCNHH tiếp tục triển khai trợ giúp y tế từ xa, phối hợp với bác sỹ trên đảo Bạch Long Vỹ, bác sỹ Viện Y học biển Việt Nam hướng dẫn chuyên môn về sơ cứu nạn nhân qua thiết bị vô tuyến.

Đưa ngư dân đang hôn mê lên tàu về đất liền

Sau khi được thăm khám, cấp cứu tình trạng nạn nhân có diễn biến xấu, cần đưa về đất liền, nơi có các trang thiết bị y tế hiện đại để chữa trị.

Chuyến tàu tốc hành vượt gần 300km đường biển

Vượt chặng đường gần 300km trên biển, tàu SAR 411 tới đảo Bạch Long Vỹ để đoàn bác sỹ tiếp cận  bệnh nhân lúc 12h06 cùng ngày.

Tại đây, các bác sỹ Viện Y học biển Việt Nam chẩn đoán ngư dân Cường bị tai biến type 2 do lặn, tình trạng nguy hiểm cao. Ngay sau đó, bệnh nhân được tàu SAR 411 quay đầu khẩn trương đưa về đất liền.

Lúc 22h18 ngày 4/10, tàu SAR 411 đã đưa thuyền viên Bùi Duy Cương về cầu cảng Trung tâm I tại Hải Phòng, chuyển vào Viện Y học biển Việt Nam thành công.

Ông Trần Thành Trung (người nhà của ngư dân Bùi Duy Cường) chia sẻ: “Nếu không có những anh em ở Trung tâm Phối hợp TKCNHH Việt Nam, có lẽ em tôi đã không giữ được tính mạng.

Tôi đang ngủ thì nhận được tin em bị tai biến, tiên lượng xấu trên biển, được đưa về Trung tâm Y tế quân dân y Bạch Long Vỹ để sơ cứu ban đầu và nói phải tìm cách đưa em tôi đến bệnh viện lớn nếu không sẽ không qua khỏi”.

Xe cấp cứu ứng trực, kịp thời chuyển bệnh nhân về viện

Gia đình đã rất lo lắng nên đã tìm thuê một tàu cao tốc để đưa Cường vào đất liền nhưng chi phí rất lớn (70 triệu đồng) nên gia đình không thể chi trả.

Trong lúc tuyệt vọng, tôi vào trang thông tin của Trung tâm Phối hợp TKCN để nhờ cứu người. Như có một phép màu, tàu của Trung tâm đã có mặt rất nhanh, đưa em tôi về đất liền sau đó. Khi em đã qua cơn nguy kịch, tôi tìm các anh cứu hộ để cảm ơn thì được biết họ đã về lại đơn vị để nhận nhiệm vụ mới. Gia đình chúng tôi rất cảm động vì nhờ họ mà em tôi được sống và không mất số tiền 70 triệu đồng”, anh Trung xúc động nói.

Trung Quốc từ chối cứu nạn tàu cá Việt Nam
Sơ cứu nạn nhân bị sét đánh thế nào?
Vượt lũ cứu người, ca nô công an Thanh Hóa lật úp giữa sông

Ngày đăng: 08:29 | 07/10/2019

/ vietnamnet.vn