Phi công Nga nói có phương án diệt tiêm kích F-16 được chuyển giao cho Ukraine, trong khi tướng không quân Ấn Độ nói ít có khả năng F-16 thắng được Su-30/Su-35.

Một phi công tiêm kích Su-35 của Nga tuyên bố sẵn sàng đối đầu với tiêm kích F-16 ở Ukraine, trong lúc phương Tây vừa chuyển giao các tiêm kích do Mỹ chế tạo để tăng cường phòng thủ cho Ukraine.

Hôm 20/7, Bộ Quốc phòng Nga công bố một đoạn video cho thấy Alexander, môt phi công tiêm kích Su-35S, tuyên bố phi công Nga đã nghiên cứu kỹ lưỡng khả năng của F-16, theo hãng thông tấn TASS.

Một chiếc F-16 của không quân Đan Mạch.

Một chiếc F-16 của không quân Đan Mạch.

“Chúng tôi sẵn sàng tiếp đón F-16”

“Chúng tôi đã sẵn sàng tiếp đón F-16. Tôi đã nghiên cứu điểm mạnh và điểm yếu của chúng. Kỹ năng của tổ bay sẽ giúp chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ đánh bại F-16”, phi công Alexander nói.

Theo viên phi công Nga, Su-35S tiên tiến hơn F-16, với khả năng quan sát vượt trội và tên lửa tầm xa. Ngoài Su-35, các phi công Su-30 của không quân Nga cũng đang chuẩn bị cho một cuộc đối đầu tiềm tàng với tiêm kích F-16.

Hồi đầu tháng 7, một số phi công tiêm kích Su-30 tuyên bố đã phát triển chiến thuật tác chiến chuyên biệt để chống lại F-16, khẳng định chiếc máy bay do Mỹ chế tạo không gây ra mối đe dọa đáng kể trong các tình huống tác chiến.

Các phi công Nga tuyên bố đã nghiên cứu kỹ lưỡng các đặc tính khí động học của F-16 và họ nhận thấy chúng vẫn chỉ phù hợp với thiết kế máy bay một động cơ.

Truyền thông Nga thường xuyên nhấn mạnh sự tự tin của các phi công của nước này trước khả năng đối mặt với F-16 trong các trận cận chiến. Họ tin rằng họ có thể khai thác điểm yếu của chiếc tiêm kích Mỹ để giành lợi thế.

Những chiếc F-16 đầu tiên Phương Tây viện trợ cho Ukraine đang được lên kế hoạch chuyển đến nước này, sau các cam kết từ Hà Lan, Đan Mạch, Na Uy và Bỉ về việc cung cấp gần 80 chiếc cho Ukraine.

Tiêm kích Su-35.

Tiêm kích Su-35.

Mất phần lớn máy bay được thừa kế từ thời Liên Xô, Ukraine không còn cách nào khác là phải xin phương Tây những máy bay chiến đấu hiện đại. Tháng 5/2023, một liên minh quốc tế gồm Anh và một số nước NATO ở châu Âu đã công bố ý định cung cấp cho chính quyền Kiev vài chục chiếc F-16 và đào tạo phi công Ukraine. Đến nay, phía Kiev khoe đã nhận vài chiếc trong số này.

F-16, máy bay thế hệ 4, lần đầu tiên được đưa vào sử dụng vào cuối những năm 1970 cùng thời với tiêm kích hạng nặng F-15 Eagle của Mỹ và Su-27 của Liên Xô. Su-35 thuộc thế hệ 4.5, là phiên bản nâng cấp của dòng tiêm kích Su-27 thế hệ thứ 4, ra đời từ cuối những năm 1990.

Về kích thước và trọng lượng, Su-35 vượt trội đáng kể so với F-16. Máy bay có chiều dài 21,95 mét và sải cánh 15,24 mét - lớn hơn khoảng 50% so với F-16 và nặng hơn 18 tấn,  gần gấp đôi đối thủ Mỹ.

Ngoài ra, những chiếc F-16 được giao cho Ukraine - cụ thể là các phiên bản xuất khẩu cho Đan Mạch và Hà Lan - là các mẫu F-16 MLU (cập nhật giữa vòng đời) từ thời Chiến tranh Lạnh. Được nâng cấp vào giữa những năm 1990, các máy bay này có những cải tiến như radar AN/APG-66(V)2 và định vị GPS.

Tuy nhiên, năng lực của Su-35 đặt ra thách thức đáng kể đối với F-16. Radar Irbis-E của Su-35 được cho là có thể phát hiện các mục tiêu trên không cách xa tới 400 km, có khả năng mang lại lợi thế cho nó trong các tình huống chiến đấu ngoài tầm nhìn.

Khả năng cơ động của Su-35, được tăng cường nhờ công nghệ vectơ lực đẩy cho phép máy bay cơ động nhanh nhẹn như “rắn hổ mang”, càng làm gia tăng khả năng chiến đấu của nó, đặc biệt là trong các cuộc giao tranh tầm gần.

Ngoài radar tiên tiến, Su-35 còn được trang bị tên lửa mạnh. Tên lửa tầm xa R-37 có phạm vi phát hiện mục tiêu 400 km, trong khi tên lửa tầm gần R-77-1 có phạm vi lên tới 110 km.

Những tên lửa này có khả năng “bắn và quên”, trong khi radar mạnh giúp Su-35 có khả năng nhắm mục tiêu chính xác, nâng cao khả năng sát thương trong các tình huống chiến đấu.

Ngược lại, những chiếc F-16 của Ukraine dự kiến ​ được trang bị chủ yếu là tên lửa không đối không tầm trung AIM-120 (AMRAAM). Biến thể mới nhất, AIM-120D, ước tính có tầm bắn khoảng 160 km, xa hơn R-77 nhưng lại kém xa R-37.

Tuy nhiên, kết quả cuộc đấu tên lửa tầm xa giữa Su-35 và F-16 còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố quan trọng khác. Đó là hiệu quả của các thiết bị gây nhiễu và mồi nhử trên không được cả hai bên sử dụng, khả năng tích hợp của máy bay với hệ thống phòng thủ tên lửa và mạng lưới radar đặt trên mặt đất cũng như khả năng phối hợp của tiêm kích với máy bay radar trên không.

“So F-16 với Su-30 là khập khiễng”

Một cựu tướng không quân Ấn Độ đã đưa ra những dự đoán về cuộc đối đầu giữa các tiêm kích Su-27/30/35 và F-16. Không quân Ấn Độ đang vận hành một số lượng lớn Su-30MKI, MiG-29 và F-16 là một trong các đối thủ tiềm tàng, bởi không quân của đối thủ kình địch Pakistan cũng đang sở hữu dòng tiêm kích này.

“Hãy bắt đầu với thực tế là việc so sánh lớp Su-30 với F-16 nhỏ hơn nhiều là khập khiễng. Sẽ thích hợp hơn nếu so sánh Su-27/30/35 với F-15 và F-16 với MiG-29”, tướng Anil Chopra, phi công kỳ cựu của Không quân Ấn Độ nhận xét trên EA Times.

Tướng không quân Chopra.

Tướng không quân Chopra.

Ông Chopra trích dẫn tuyên bố gần đây trên mạng xã hội của một phi công Ukraine, người đã lái F-16, rằng ngay cả chiếc Su-27 trước đây của anh ta cũng có hiệu suất vượt trội và có thể dễ dàng hạ F-16 trong một trận không chiến.

Theo ông Chopra, phía Ukraine chỉ có thể hy vọng vào kỹ năng bay của phi công, chủ yếu được thể hiện trong cận chiến. Tuy nhiên khả năng này khó có thể được phát huy trong bối cảnh xung đột ở Ukraine, khi một bên (Nga) vượt trội bên còn lại về tương quan lực lượng không quân. Điều quan trọng hơn là khả năng của hệ thống radar trên máy bay trước các biện pháp đối phó điện tử và các mối đe dọa từ tên lửa đất đối không tầm xa.

Những chiếc F-16 được chuyển giao cho Ukraine không có radar hiện đại và các hệ thống khác được lắp đặt trên phiên bản F-16 Block 70/72 mới hơn. Hệ thống tác chiến điện tử của những chiếc F-16 dự kiến chuyển giao cho Ukraine cũng không phải là các công nghệ mới nhất. Mỹ sẽ không mạo hiểm trao đi những thứ họ không hề muốn rơi vào tay Nga, theo vị tướng không quân Ấn Độ.

Đồng thời, ông nhấn mạnh nhiều ưu điểm của các tiêm kích Su-30. “Những chiếc tiêm kích dòng Sukhoi có lực đẩy lớn hơn và có thể duy trì lực đẩy lớn hơn, trong thời gian dài hơn. Su-30 còn có khả năng bay lâu hơn. Nó cơ động hơn và được trang bị nhiều tên lửa hơn”, ông Chopra nói.

Tuy nhiên, những chiếc F-16 được chuyển giao cho Ukraine dù còn nhiều hạn chế về radar và hệ thống điện tử hàng không vẫn có một số cơ hội thành công trong cuộc đối đầu với các tiêm kích họ Sukhoi.

Trên thực tế, điều này chỉ có thể thực hiện được trong một kịch bản tương tự kịch bản từng diễn ra trong chiến tranh Việt Nam khi tiêm kích MiG-21 phải đối đầu với các tiêm kích F-4, F-8 hay F-105 mạnh hơn nhiều: Rình rập ở trên cao, “sà xuống” nhanh chóng, phóng tên lửa không đối không tầm xa và trốn thoát nhanh chóng. Trong đa số các kịch bản, Su-30 và Su-35 của Nga rất có thể sẽ “quét sạch” những “chim ưng chiến” do Mỹ sản xuất khỏi bầu trời mà không gặp bất kỳ trở ngại nào.

“Tên lửa AIM-120 của Mỹ bắn xa hơn R-77 của Nga, nhưng tên lửa R-77M mới hơn lại vượt trội hầu hết các tên lửa của phương Tây... F-16 cũng có thể bị tiêm kích MiG-31 của Nga có khả năng mang 6 tên lửa tầm siêu xa R-37M tiêu diệt”, ông Chopra lưu ý.

Tiêm kích Su-30 của Nga (phải) và F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ cùng xuất hiện trong một triển lãm hàng không.

Tiêm kích Su-30 của Nga (phải) và F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ cùng xuất hiện trong một triển lãm hàng không.

Vị phi công kỳ cựu của Ấn Độ cho nêu lại việc năm 2019, F-16 đã tỏ ra thất thế trước Su-30MKI trong cuộc xung đột Ấn Độ - Pakistan. Sau đó, trong một trận không chiến, các tiêm kích Su-30 của Ấn Độ có nhiệm vụ đánh lạc hướng máy bay chiến đấu Pakistan và né tránh thành công 3-4 tên lửa AMRAAM được phóng đi từ tiêm kích Pakistan. Nhờ đó, một nhóm máy bay chiến đấu khác của Không quân Ấn Độ đã ném bom mục tiêu đã định - một trại huấn luyện dành cho phiến quân Hồi giáo được Pakistan hỗ trợ - theo tuyên bố của phía Ấn Độ.

Trong cuộc đối đầu này, theo phía Ấn Độ, một tiêm kích MiG-21 của họ đã bắn hạ một chiếc F-16 của Pakistan (mặc dù vài giây sau chiếc MiG-21 bị tên lửa của chính nó bắn hạ). Pakistan bác bỏ câu chuyện của phía Ấn Độ, nói không có tiêm kích F-16 nào bị hạ.

Không quân Pakistan vận hành hàng chục chiếc F-16, bao gồm các phiên bản AM/BM Block 15 MLU, A/B ADF và C/D Block 52+. Nghĩa là, chúng sử dụng gần như cùng loại thiết bị (radar APG-68(V9) và tên lửa AIM-120C-5) mà Phương Tây chuẩn bị chuyển giao cho Ukraine.

https://vtcnews.vn/lieu-f-16-ukraine-co-cua-truoc-su-30-hay-su-35-nga-ar886543.html

Ngày đăng: 08:28 | 12/08/2024

TRÚC MAI / VTC News