Một số đơn vị bầu cử ở Mỹ gặp sai sót về con người, máy móc, khiến Trump và những người ủng hộ cáo buộc cuộc đua vào Nhà Trắng "bị đánh cắp".
Hàng loạt tài khoản mạng xã hội đang chia sẻ các bài báo về hai trường hợp phiếu bầu cho ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden tăng vọt bất thường, việc một hạt phải kiểm lại phiếu và sự chậm trễ trong kiểm đếm phiếu bầu qua thư để cáo buộc rằng phe Dân chủ đang tìm cách "đánh cắp cuộc bầu cử" tại các bang chiến trường Michigan, Wisconsin và Pennsylvania.
Một bài viết nói rằng Biden nhận được 138.399 phiếu được kiểm trong đêm ở hạt Shiawassee, Michigan, trong khi Trump không có phiếu nào. Tuy nhiên, con số sau đó đã được điều chỉnh và trông "hợp lý" hơn.
Trên thực tế, giới chức hạt Shiawassee cho biết sự bất thường này đến từ một "lỗi đánh máy". Abigail Bowen, thư ký bầu cử hạt Shiawassee, nói với New York Times rằng thống kê số phiếu của Biden tại hạt này đã vô tình bị thêm một số 0.
Theo đó, Biden giành được 15.371 phiếu, nhưng bị ghi nhầm thành 153.710 phiếu. Caroline Wilson, thư ký hạt Shiawasee, cũng đưa ra giải thích tương tự với hãng thông tấn AFP. Sai sót này được phát hiện và khắc phục trong khoảng 40 phút.
Truyền thông Mỹ sau đó cập nhật dữ liệu cho thấy Biden nhận được 15.371 phiếu ở Shiawassee. Các tổ chức kiểm tra tính xác thực thông tin khác như Politifact hay FactCheck.org cũng xác nhận sự nhầm lẫn trên.
Tạp chí điện tử bảo thủ Federalist thừa nhận đây là "sai sót dữ liệu", nhưng vẫn đặt nghi vấn "liệu đó có phải sơ suất trong đánh máy không hay là một nỗ lực vô cùng vụng về nhằm tăng số phiếu cho Biden".
Federalist còn tuyên bố "có điều gì đó đáng ngờ về báo cáo phiếu bầu ở hạt Antrim, bang Michigan, nơi Trump từng đánh bại Hillary Clinton với cách biệt 30 điểm hồi năm 2016. Tổng số phiếu ban đầu ở đây cho thấy Biden dẫn trước Trump 29 điểm, một kết quả chắc chắn "không thể chính xác".
Bài viết của Federalist nói rằng "sau những kết quả kỳ lạ này", giới chức bầu cử tại hạt Antrim đã thông báo họ đang điều tra cái mà họ gọi là kết quả "sai lệch".
Một bài đăng trên Facebook của hạt Antrim thực tế có thông báo rằng thư ký hạt Sheryl Guy "đã biết về những kết quả rõ ràng bị sai lệch trong bảng kết quả bầu cử không chính thức" và họ đã xác minh.
Một bài đăng sau đó làm rõ rằng lý do của sự cố này là lỗi phần mềm, khiến 6.000 phiếu bầu của Trump bị chuyển cho Biden.Các quan chức bầu cử đã lập tức khắc phục lỗi phần mềm trên và kết quả rà soát lại cho thấy Tổng thống Trump vượt lên dẫn 2.000 phiếu và thắng tại hạt Antrim. Điều gây chú ý là 47 hạt khác trong bang cũng sử dụng phần mềm này.
Bài viết của Federalist nói có một "bí ẩn bầu cử khác" tại Wisconsin là việc tất cả các phiếu bầu trong đêm đều dồn về phía Biden, trong khi Trump không nhận được phiếu nào.
Họ chứng minh cho tuyên bố này bằng cách đăng hai biểu đồ của website phân tích dữ liệu FiveThirtyEight, cho thấy số phiếu của Biden tại Wisconsin tăng vọt trước 6h sáng 4/11.
Một phát ngôn viên FiveThirtyEight giải thích với Reuters rằng sự gia tăng như vậy bắt nguồn từ việc các hạt công bố một loạt kết quả kiểm phiếu lớn cùng lúc.
Vào 8h27 ngày 4/11, phóng viên Maggie Koerth đăng trên FiveThirtyEight biểu đồ tại Wisconsin cho thấy sự gia tăng phiếu bầu của Biden kèm lời giải thích: "Biden rơi xuống mức thấp ở Wisconsin trước khi kết quả phiếu bầu vắng mặt từ Milwaukee tới vào rạng sáng nay. Số phiếu tăng thêm đáng kể khiến ông vượt qua Trump, nhưng cuộc đua tại bang này vẫn rất sít sao".
FiveThirtyEight lưu ý thông tin cho rằng Biden nhận được tất cả phiếu bầu trong đêm là không đúng. "Lô phiếu đó không 100% bầu cho Biden, phía sau đường màu xanh còn có đường màu đỏ thể hiện hàng nghìn phiếu bầu mà Trump đạt được", bà cho hay.
Biểu đồ tương quan số phiếu giữa Trump và Biden ở Wisconsin. Đồ họa: ABC News. |
Cuối cùng, bài viết của Federalist còn đề cập đến việc bang Pennsylvania sẽ tính "những phiếu bầu gửi qua thư muộn giống như những phiếu nhận được vào ngày bầu cử, ngay cả khi chúng không có dấu bưu điện".
Tuy nhiên, phán quyết của Tòa án Tối cao Pennsylvania cho phép tính các lá phiếu qua thư có đóng dấu bưu điện vào đúng ngày bầu cử và cả những phiếu đến sau ngày bầu cử 72 tiếng.
"Những lá phiếu gửi đến trong thời gian này thiếu dấu bưu điện hay các bằng chứng thư tín khác hay dấu bưu điện và bằng chứng thư tín không hợp lệ, sẽ được coi là đã gửi qua thư trước ngày bầu cử trừ khi có bằng chứng rõ ràng cho thấy chúng được gửi sau ngày bầu cử", phán quyết nêu rõ.
Một số người dùng xã hội cho rằng cử tri Arizona đã bị nhân viên bầu cử không cho sử dụng bút mình mang đi, ép họ dùng bút dạ để điền lá phiếu, khiến phiếu bầu cho Trump bị coi là không hợp lệ.
Tuy nhiên, tổng thư ký Arizona Katie Hobbs cho biết việc sử dụng bút dạ vẫn hợp lệ và cử tri cũng có thể tự mang bút của mình.
Nhiều nghiên cứu cấp quốc gia và cấp bang đã chỉ ra rằng mặc dù đã có những trường hợp sai sót cá biệt, gian lận bầu cử quy mô lớn ở Mỹ là rất hiếm khi xảy ra. Có một vài trường hợp nổi bật được biết đến, như cuộc bầu cử sơ bộ năm 2018 ở Bắc Carolina phải được tiến hành lại sau khi một nhà tư vấn cho ứng viên đảng Cộng hòa can thiệp vào phiếu bầu.
Covid-19 khiến lượng phiếu bầu qua thư năm nay tăng đột biến. Ở các bang không tự động gửi phiếu bầu cho cử tri theo danh sách đăng ký bầu cử ban đầu, cử tri có thể gửi thư, gọi điện hoặc truy cập vào trang web bầu cử để yêu cầu giới chức bang gửi phiếu bầu qua thư. Cử tri phải cung cấp thông tin cá nhân và địa chỉ khi gửi yêu cầu. Sau khi nhận được yêu cầu, giới chức bầu cử địa phương sẽ gửi phiếu bầu kèm hai phong bì thư về địa chỉ mà cử tri cung cấp.
Sau khi điền đầy đủ thông tin trong phiếu bầu, cử tri sẽ cho phiếu vào một phong bì thư dán lại, sau đó cho tiếp vào phong bì thư thứ hai và ký tên xác nhận bên ngoài. Cử tri có thể gửi phiếu bầu qua đường bưu điện, bỏ phiếu tại các hòm phiếu được đặt ở nhiều địa điểm gần khu vực sinh sống, hoặc tự mang tới các địa điểm bầu cử trong ngày bầu cử sớm hoặc bầu cử chính thức.
Trump đã cáo buộc bỏ phiếu qua thư dẫn đến gian lận. Thực tế, các cơ quan bầu cử Mỹ áp dụng nhiều lớp bảo mật đối với phiếu bầu qua thư. Tất cả 50 bang và thủ đô Washington yêu cầu cử tri ký vào bản tuyên bố hoặc tuyên thệ khi bỏ phiếu qua thư, trong khi một số bang còn yêu cầu thông tin cá nhân như ngày tháng năm sinh, địa chỉ và số giấy phép lái xe. Chữ ký của người bỏ phiếu sẽ được đối chiếu với chữ ký trên hồ sơ đăng ký cử tri.
8 bang yêu cầu chữ ký của người làm chứng, trong khi ba bang yêu cầu công chứng, theo Hội nghị Quốc gia của Các cơ quan lập pháp bang (NCSL). Alabama có lẽ là bang có quy định nghiêm ngặt nhất, khi yêu cầu cử tri nộp bản sao giấy tờ tùy thân, cùng chữ ký của công chứng viên hoặc hai người làm chứng.
Việc mở phong bì bầu cử thường được giao cho một nhóm nhân viên khác với nhóm phân loại phiếu bầu. Các quan sát viên bên ngoài, thường do các đảng hoặc chiến dịch tranh cử chỉ định, được phép giám sát quy trình hậu bầu cử, như kiểm phiếu.
Tỷ lệ gian lận bỏ phiếu nói chung ở Mỹ là dưới 0,0009%, theo một nghiên cứu năm 2017 của Trung tâm Công lý Brennan. Và người đứng đầu Ủy ban Bầu cử Liên bang Ellen Weintraub đã nói: "Đơn giản là không có cơ sở nào cho cáo buộc rằng bỏ phiếu qua thư dẫn đến gian lận".
Nhân viên bầu cử đếm lá phiếu vắng mặt tại Michigan ngày 4/11. Ảnh: AFP. |
Nhân viên bầu cử đếm lá phiếu vắng mặt tại Michigan ngày 4/11. Ảnh: AFP.
Trước đây, Tổng thống Trump cũng đã thúc đẩy cáo buộc cho rằng hình thức bầu cử qua thư tiềm ẩn nguy cơ gian lận quy mô lớn. Phát biểu tại một cuộc mít tinh vào giữa tháng 10, Trump nói: "Ở Virginia, có 500.000 đơn đăng ký giả". Đây là đơn đề nghị bỏ phiếu vắng mặt, nhưng được đề địa chỉ gửi lại không chính xác.
Tuy nhiên, giới chức bầu cử ở Virginia nói rằng đây là lỗi in ấn và sai lầm đã được khắc phục.
Tổng thống Trump cũng đã đăng trên Twitter rằng: "Ở Ohio, có 50.000 lá phiếu sai, gian lận". Đúng là khoảng 50.000 cử tri đã nhận được lá phiếu sai ở hạt Franklin, Ohio vào đầu tháng 10, nhưng không có bằng chứng cho thấy đây là hành vi gian lận có chủ đích, giới chức địa phương cho biết.
Ủy ban bầu cử địa phương cho biết tất cả những người bị ảnh hưởng đều được gửi lại lá phiếu đúng và họ đã thực hiện biện pháp để đảm bảo không ai bỏ phiếu hai lần. Đáp lại dòng tweet của Tổng thống, ủy ban viết: "Chúng tôi làm việc trên tinh thần phi đảng phái và công bằng, mọi phiếu bầu sẽ được tính".
Tại New York, gần 100.000 lá phiếu đã được gửi lại đến cử tri sau khi một số tên và địa chỉ bị in sai.
Tại Michigan, khoảng 400 lá phiếu gửi qua thư đã liệt kê sai ứng viên phó tổng thống của Trump là Jeremy Cohen thuộc đảng Tự do thay vì Mike Pence. Hồi tháng 9, Tổng thống Trump tuyên bố đây là động thái có chủ ý. Nhưng tổng thư ký bang Michigan nói rằng đây là một sai sót và "các cử tri bị ảnh hưởng ngay lập tức nhận được lá phiếu chính xác và được hướng dẫn để đảm bảo phiếu bầu của họ được tính".
Ở Wisconsin, thư chứa một số lá phiếu vắng mặt được tìm thấy tại một con mương gần thị trấn Greenville. Chưa rõ nguyên nhân sự việc này, mặc dù giới chức đã mở cuộc điều tra. Nhà Trắng cáo buộc đây là hành vi gian lận.
Ở New Jersey, một bưu tá bị cáo buộc đổ hàng trăm bưu phẩm vào thùng rác, trong đó có gần 100 lá phiếu. Sau khi tìm thấy, thư đã được gửi đến người nhận.
Một video cho thấy các nhân viên bầu cử Pennsylvania tự điền vào một loạt lá phiếu thu hút hàng chục nghìn lượt xem.
Video cáo buộc nhân viên bầu cử Pennsylvania tự điền lá phiếu. Ảnh chụp màn hình. |
Tuy nhiên, video này được cắt ra từ một buổi phát trực tiếp của hạt Delaware. Thực tế, các nhân viên đang chép lại những lá phiếu đã bị hỏng trong quá trình xử lý và video đã bị chỉnh sửa, theo một tuyên bố từ văn phòng quan hệ công chúng của hạt.
"Video bị phóng to để cắt ra khỏi khung hình các quan sát viên lưỡng đảng cách đó không quá 2 mét và không cho thấy bức tranh đầy đủ về quá trình", tuyên bố cho biết.
"Khi các lá phiếu được sao chép, lá phiếu bị hỏng ban đầu nằm ngay bên cạnh lá phiếu mới và các quan sát viên lưỡng đảng đã chứng kiến quá trình này ở cự ly gần. Lá phiếu hỏng đã được bảo quản", họ cho biết thêm.
Không chỉ phiếu bầu qua thư, còn nhiều cáo buộc gian lận về tính phiếu và bầu trực tiếp đã được lan truyền trên mạng.
Bảng liệt kê số cử tri đăng ký và số cử tri đi bầu, dữ liệu cử tri đăng ký được giải thích là số liệu từ năm 2018. Ảnh chụp màn hình. |
Một vài bài đăng trên mạng xã hội cho rằng gian lận cử tri đã diễn ra ở 8 bang của Mỹ vì số phiếu bầu vượt quá số cử tri đã đăng ký. Họ đính kèm một bảng được cho là hiển thị số cử tri bỏ phiếu thực tế và cử tri đã đăng ký năm 2020 tại các bang Nevada, Pennsylvania, Minnesota, North Carolina, Wisconsin, Michigan, Arizona và Georgia.
Tuy nhiên, thống kê cử tri đã đăng ký đó thực chất là dữ liệu từ năm 2018 chứ không phải 2020.
Eric, con trai của Trump, viết trên Twitter hôm 4/11 rằng 80 lá phiếu bầu cho bố mình đã bị đốt. Nhưng thành phố Virginia Beach đã đáp lại tweet của Eric, giải thích rằng đây không là lá phiếu chính thức mà là phiếu mẫu được tiêu hủy.
Phương Vũ - Vũ Hoàng (Theo AFP/BBC)
Ngày đăng: 16:51 | 07/11/2020
/ vnexpress.net