Vụ bạo hành trẻ mầm non của các cô giáo Trường Mầm non Mầm Xanh (TPHCM) khiến dư luận chưa hết bàng hoàng thì vụ một bé gái bị bầm tím nhiều nơi trên người khi được gửi tại điểm trông giữ trẻ tư nhân ở TP.Huế, bé gái 4 tuổi bị đánh bầm tím người trong lớp học ở Bắc Giang, cháu bé Trần Gia K (10 tuổi) ở Hà Nội bị chính bố đẻ và mẹ kế của mình bạo hành dã man phải bỏ trốn về nhà ông bà nội lại tiếp tục khiến cho làn sóng bức xúc, căm phẫn trong dư luận dậy lên.
Câu hỏi được đặt ra: Trách nhiệm của 17 cơ quan, tổ chức có chức năng bảo vệ chăm sóc, hỗ trợ trẻ em ở đâu?
Ám ảnh kinh hoàng
Chia sẻ về những gì trẻ bị bạo hành phải chịu đựng, chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất - người đã có nhiều năm tiếp xúc trực tiếp, giúp đỡ trẻ em bị bạo hành cho biết: “Tất cả các cháu bị roi vọt, đánh đập, thậm chí chỉ bị mắng mỏ, đe nẹt từ người ngoài, bố mẹ, hay thầy cô giáo... đều bị ám ảnh nặng nề về tâm lý. Người ngoài có thể làm các cháu sợ sệt, nhưng sau được bố mẹ, người thân quan tâm đúng mực, các cháu sẽ dễ qua đi, để lại ấn tượng nhỏ thôi. Nhưng bố mẹ là người trực tiếp bạo hành các cháu về tinh thần và thể xác, thì nỗi đau tinh thần các cháu phải chịu đựng sẽ đeo đẳng suốt đời”.
Ông cũng cho rằng từ việc mất lòng tin vào người lớn, trẻ làm gì cũng sợ sệt. Đi giày cũng bảo không biết mẹ có ưng không, mặc áo này thì mẹ có mắng không? Khi lớn lên, các cháu vẫn bị ám ảnh. Trong điều kiện hiện tại, các cháu thiệt thòi rất lớn khi bị hành xử như vậy. Trẻ mất tự tin, mất lòng tin vào người lớn. Từ đó nó sẽ nhìn bằng con mắt khác đi. Sợ sệt, làm thế nào để vừa lòng với người kia. Bị bạo hành ở tuổi đó, thui chột tính sáng tạo và tư duy của trẻ. Đây là ảnh hưởng vô cùng lớn suốt cuộc đời con người.
“Hiện, nạn bạo hành đã ở mức nghiêm trọng, bạo hành thể xác quá dã man rồi nhưng bạo hành về tinh thần còn dã man hơn. Bạo hành tinh thần đã rất trầm trọng, tràn lan ở nhà trường, gia đình và xã hội. Còn bạo hành thể chất đang phát triển ở mức báo động trong cộng đồng. Đã đến lúc chúng ta phải nhìn nhận lại, đã đến lúc phải thay đổi” - chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất cảnh báo.
Nạn bạo hành trẻ em không chỉ còn là hồi chuông cảnh tỉnh nữa, nó đã hiện hữu ngay trước mắt mỗi người. Bà Nguyễn Vân Anh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng khoa học về giới, gia đình, phụ nữ và vị thành niên (CSAGA) - tại một cuộc tọa đàm gần đây về bảo vệ trẻ bị xâm hại tình dục đã phải thốt lên: Đã đến lúc “thôi nói mà hãy thực sự bảo vệ trẻ”. Bởi vì hậu quả của bạo hành đối với trẻ em là lâu dài và ghê gớm hơn nhiều so với những vết thương trên cơ thể.
Làm chưa đến nơi đến chốn
Theo Luật Trẻ em 2016, tại Việt Nam đang có tới... 17 cơ quan, tổ chức, nhóm tổ chức có chức năng bảo vệ và chăm sóc, hỗ trợ trẻ em ở các cấp độ khác nhau, gồm tòa án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân các cấp, Quốc hội, các bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tư pháp, Công an, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông, UBND các cấp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các thành viên của Mặt trận, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam...
Mới đây, tổ chức liên ngành có trách nhiệm hỗ trợ bảo vệ trẻ em là Ủy ban Quốc gia về trẻ em, do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm chủ tịch, phó chủ tịch là bộ trưởng các bộ LĐTBXH, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, thành viên gồm nhiều lãnh đạo cấp thứ trưởng của trên 10 bộ, ngành. Tuy vậy, mỗi khi có một vụ bạo hành trẻ em nghiêm trọng xảy ra, thường là do báo chí và cộng đồng phát hiện, phản ánh. Cụm từ “cực kỳ bức xúc”, “chúng tôi đã tiếp nhận thông tin, đang tiến hành điều tra...” vẫn là những phản ứng chung từ những người trực tiếp có trách nhiệm cho đến đại diện các cơ quan chức năng.
Khi được hỏi về sự hiệu quả trong công tác bảo vệ trẻ em mà các tổ chức có trách nhiệm bảo vệ trẻ em đã thực hiện trong thời gian qua, ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - cho rằng, nói các cơ quan bảo vệ trẻ em chưa làm hết trách nhiệm của mình thì hơi thái quá vì trong luật đã quy định rõ chức năng nhiệm vụ của từng cơ quan tổ chức bảo vệ trẻ em, hơn nữa đó còn là trách nhiệm của gia đình và xã hội. “Trước hết tôi phải nhắc lại quy định của Hiến pháp 2013, quy định bảo vệ và chăm sóc, giáo dục trẻ em là trách nhiệm của Nhà nước, gia đình, xã hội. Do đó, chức năng bảo vệ trẻ em không chỉ của cơ quan nhà nước mà các tổ chức, các thành viên trong gia đình, trong xã hội đều có trách nhiệm tham gia vào việc bảo vệ trẻ em. Về phía cơ quan nhà nước, chúng tôi xây dựng pháp luật, chính sách, hướng dẫn các cơ quan, các tổ chức, các cá nhân trong vấn đề bảo vệ trẻ em theo quy định của pháp luật” - ông Nam nói.
Ông Nam nói thêm: “Vấn đề thứ hai nữa là chúng tôi có trách nhiệm hướng dẫn, phổ biến kiến thức, các kỹ năng bảo vệ trẻ em, đặc biệt là phòng ngừa, phòng chống bạo lực xâm hại trẻ em cho các cơ quan tổ chức, gia đình. Đặc biệt đến Luật Trẻ em năm 2015, 2016 và Nghị định 56 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em, trong đó quy định chi tiết về các quy trình thủ tục và các cấp độ bảo vệ trẻ em thì trách nhiệm của từng cơ quan, từng tổ chức, từng thành viên gia đình và các cá nhân trong xã hội đã được quy định rất rõ. Chúng tôi mong các cơ quan báo chí với chức năng nhiệm vụ của mình sẽ phản ánh và phát hiện việc thực hiện trách nhiệm xem có kịp thời không, có hiệu quả không của tất cả các bên liên quan đến bảo vệ trẻ em trong thời gian vừa qua”.
Có ông bố ác hơn cả hổ dữ “Mỗi lần bị đánh, cháu đều hét lớn nhưng mọi người ở ngoài không ai nghe thấy vì bố đóng kín cửa. Khi bị cô ... |
Liên tiếp xảy ra các vụ bạo hành trẻ em ở Hà Nội và Bắc Giang Các vụ bạo hành trẻ em ở Hà Nội và Bắc Giang và nhiều nơi khác khiến các ngành chức năng phải có biện pháp ... |
Ngày đăng: 21:00 | 10/12/2017
/ Lao động