Thời gian qua, cả nước liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc tập thể với hàng trăm người mắc, trong đó nhiều vụ liên quan tới bếp ăn tập thể cho học sinh, sinh viên và công nhân. “Thủ phạm” của các vụ ngộ độc được tìm thấy chủ yếu là các vi khuẩn Salmonella, E.coli, chất histamin, vi sinh vật Bacillus cereus… tìm thấy trong thức ăn. Theo thống kê của Bộ Y tế, trong 9 tháng năm 2024, cả nước xảy ra 111 vụ ngộ độc thực phẩm, số người bị ngộ độc thực phẩm tăng hơn 2 lần.
Thức ăn nấu chín vẫn nhiễm vi khuẩn gây chết người
Vụ ngộ độc thực phẩm khiến 80 học sinh, sinh viên ở nội trú trong ký túc xá Trường Cao đẳng Lào Cai cơ sở 1 (phường Bắc Cường, TP Lào Cai) mắc phải, trong đó có 54 em phải nhập viện với các biểu hiện tiêu hoá, nghi ngộ độc thực phẩm sau khi ăn cơm tối tại nhà ăn. Theo các học sinh, bữa ăn tập trung vào tối 8/10 có thịt lợn rang, thịt lợn kho, thịt gà xào hành tây, chả lá lốt, thịt gà rang, giá xào bắp cải, dưa chuột muối, canh rau muống. Ngoài ra, còn có món bánh bao nhân xúc xích được mua từ cơ sở bên ngoài.
Chi Cục An toàn thực phẩm (ATTP) Lào Cai đã lấy mẫu để gửi đi xét nghiệm. Kết quả kiểm nghiệm mẫu thực phẩm của Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia, đã phát hiện 4 món ăn tại bữa cơm tối 8/10 là món dưa chuột, chả lả lốt, thịt gà rang, canh rau muống dương tính với vi khuẩn Salmonella. UBND tỉnh Lào Cai đã ra quyết định xử phạt hộ kinh doanh Phạm Thị Thuyết (căng tin Trường Cao đẳng Lào Cai) gây ngộ độc thực phẩm, tổng số tiền 83 triệu đồng.
Hay vụ 150 công nhân tại Công ty TNHH Sunrese Apparel Việt Nam (Phú Thọ) phải nhập viện cấp cứu sau bữa trưa do nguyên nhân chất histamin với hàm lượng cao có trong món cá thu ù kho trong bữa ăn. Gần đây nhất là vụ ngộ độc thực phẩm tập thể xảy ra tại Công ty TNHH Shinsung Vina sau bữa liên hoan ngày 20/10 khiến 91 người nhập viện cấp cứu. Qua xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm, nguyên nhân ngộ độc do vi khuẩn E.coli và tụ cầu vàng.
Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, thực phẩm chín cũng có thể gây ngộ độc, trong đó nhóm vi sinh vật là gây ngộ độc thực phẩm thường xuyên, tần suất nhiều và nhìn thấy nhiều nhất. Vi khuẩn Salmonella là “thủ phạm” gây ra các vụ ngộ độc tập thể lớn, dễ diễn biến nặng như vụ ngộ độc ở Trường Tiểu học, THCS-THPT Ischool Nha Trang, làm 1 học sinh tử vong, hơn 600 học sinh phải nhập viện, trong đó ít nhất 4-5 bệnh nhân bị sốc nhiễm khuẩn và hàng chục học sinh trong tình trạng nặng co giật, mất nước nặng, suy hô hấp… Vi khuẩn này cũng gây ra nhiều vụ ngộ độc lớn tại Quảng Nam, TP Hồ Chí Minh, làm 1 trẻ tử vong.
Theo BS Nguyên, Salmonella là vi khuẩn nguy hiểm trong số các vi khuẩn đường ruột gây ngộ độc thực phẩm. Mặc dù thực phẩm đã nấu chín, nhưng vẫn bị nhiễm loại vi khuẩn này. Ngoài việc gây khó chịu như đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, mất nước điện giải, còn có thể gây nhiễm trùng nặng nhiều hơn và tử vong. Có tới 8% các trường hợp vi khuẩn đi sâu vào máu gây nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn và dễ tử vong, đặc biệt khi vi khuẩn quá nhiều, cơ thể yếu…
Bàn tay người chế biến rất quan trọng
Lý giải về tình trạng liên tiếp các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trong thời gian qua, đặc biệt nhiều vụ ngộ độc kết quả xét nghiệm thực phẩm nhiễm E.coli và tụ cầu vàng, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm, Đại học Bách Khoa (Hà Nội) cho biết, bàn tay của người chế biến thực phẩm rất quan trọng. Nguyên tắc trước khi chế biến thực phẩm là phải rửa tay bằng xà phòng; dụng cụ phải vệ sinh sạch sẽ, có tủ đựng để gián, vi sinh vật không bay vào; thức ăn chín - sống phải để riêng...
Đặc biệt, thùng rác, nhà vệ sinh phải cách xa nơi chế biến thực phẩm… Nếu không tuân thủ thì ruồi, nhặng từ thùng rác, nhà vệ sinh… bay, đậu vào thực phẩm đã nấu chín, mang vi khuẩn E.coli theo. Hoặc người chế biến sau khi đi vệ sinh không rửa tay, hoặc rửa tay không đúng cách, mang theo vi khuẩn E.coli vào trong thực phẩm…
Tương tự, vi khuẩn tụ cầu vàng cũng thường xâm nhập vào thực phẩm khi quá trình chế biến và bảo quản không đảm bảo vệ sinh. Với vi khuẩn Salmonella cũng thường lây lan khi không tuân thủ rửa tay trước khi ăn hoặc rửa tay không đúng cách sau khi đi vệ sinh.
Theo Bộ Y tế, qua kiểm tra, nhiều cơ sở kinh doanh chưa thực hiện quy định về đảm bảo vệ sinh ATTP. Có cơ sở không đăng ký kinh doanh, không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, không có giấy xác nhận tập huấn kiến thức về ATTP và không thực hiện khám sức khoẻ định kỳ cho người tham gia sản xuất, chế biến… Thậm chí, có cơ sở không thực hiện kiểm thực 3 bước và lưu mẫu thức ăn theo quy định; không cung cấp được các hợp đồng và giấy tờ liên quan đến nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm…
Các sự cố mất ATTP thời gian gần đây cho thấy vẫn còn những mối nguy hiện diện trong các sản phẩm thực phẩm tiêu thụ hằng ngày. Mặc dù, đã phân cấp quản lý ATTP đến địa phương là phường, xã, nhưng nhiều vụ ngộ độc tập thể với hàng trăm người mắc khi xảy ra mới bộc lộ rõ thiếu sót trong công tác kiểm tra, quản lý, có cơ sở hoạt động không có giấy phép kinh doanh, khi gây ra vụ ngộ độc lớn mới bị phơi bày.
Trước bức xúc “nóng” trên, Bộ Y tế đã thành lập Trung tâm đánh giá nguy cơ về ATTP, được kỳ vọng kịp thời trong việc đảm bảo ATTP cho người dân theo hướng quản lý dựa trên nguy cơ. Nhưng đây chỉ mang tính vĩ mô, còn thực tế vẫn là công tác quản lý, kiểm tra, giám sát hàng ngày tại địa bàn nhằm kiểm soát nguồn gốc thực phẩm, tuân thủ quy trình chế biến; bên cạnh việc tuyên truyền người sản xuất, kinh doanh nâng cao trách nhiệm, còn phải phát hiện và mạnh tay xử lý nghiêm cơ sở vi phạm, có thế mới hạn chế các vụ việc ngộ độc đáng tiếc.
Đình chỉ hoạt động hộ kinh doanh cung cấp suất ăn khiến hàng trăm công nhân nhập viện
Ngày 10/11, thông tin từ Văn phòng UBND tỉnh Vĩnh Long, ông Nguyễn Văn Liệt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã ký ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Lê Quí Long (chủ hộ kinh doanh Hồng Phát), kinh doanh dịch vụ ăn uống với tổng số tiền 96 triệu đồng.
Chủ hộ kinh doanh bị xử phạt về các hành vi, gồm: chế biến, cung cấp thực phẩm gây ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe của từ 5 người trở lên; không bảo đảm ngăn ngừa nhiễm chéo giữa thực phẩm chưa qua chế biến và thực phẩm đã qua chế biến trong bố trí bếp ăn và thực hiện không đúng quy định của pháp luật về lưu mẫu thức ăn.
Ngoài phạt tiền, chủ hộ kinh doanh bị đình chỉ toàn bộ hoạt động chế biến, cung cấp suất ăn trong thời gian 4 tháng, kể từ ngày quyết định xử phạt có hiệu lực thi hành.
Như Báo CAND đã thông tin, ông Lê Quí Long là chủ hộ kinh doanh cung cấp các suất ăn cho Công ty TNHH Bohsing (Khu công nghiệp Hòa Phú, huyện Long Hồ). Cụ thể, ngày 12/8 vừa qua, Liên đoàn Lao động tỉnh Vĩnh Long phối hợp Công ty TNHH Bohsing tổ chức chương trình “Bữa cơm Công đoàn” cho 1.500 đoàn viên, người lao động, với giá trị suất ăn tăng thêm 50.000 đồng so với bữa ăn hàng ngày do công ty cung cấp.
Tổng số 1.500 phần ăn, gồm: 1.374 phần mặn và 126 phần chay cùng các món tráng miệng. Sau khi dùng bữa ăn vào trưa tại nhà ăn của công ty, có 287 trường hợp mắc ngộ độc thực phẩm, trong đó 221 trường hợp nhập viện điều trị và 66 trường hợp điều trị ngoại trú. Sau khi được bác sĩ chăm sóc, điều trị, các trường hợp này đã xuất viện, sức khỏe ổn định.
Kết quả điều tra xác định nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm là do thức ăn nhiễm vi sinh vật trong các món do chủ hộ kinh doanh nói trên cung cấp. Kết quả, có 7/14 mẫu có chất gây ngộ độc thực phẩm có trong thức ăn là do các vi sinh vật: Bacillus cereus, E.Coli, Salmonella spp gây ra. Những vi sinh vật này có trong các thức ăn: bắp xào củ cải thịt nạc, đậu hũ chiên, bắp xào chay, đùi gà chiên nước mắm, thịt heo xào đậu, cà rốt, rau xà lách, dưa leo, cà chua, trái cây (táo, chuối).
Văn Vĩnh
Ngày đăng: 08:04 | 11/11/2024
Trần Hằng / cand.com.vn