Sau 2 mùa giải liên tiếp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, Liên hoan phim Cannes 2022 đã trở lại với quy mô và sự trang trọng như vốn có. Song, người ta vẫn hoài nghi rằng, liệu Cannes có “trở lại và lợi hại hơn xưa” và “đại diện cho một lễ kỷ niệm đầy thi vị về hành trình thể hiện cảm xúc và tự do” – như chính thông điệp từ bức áp phích chính thức của sự kiện?

Vắng bóng "đại gia" Nga, Trung Quốc

Cách đây vài năm, Trung Quốc từng là nước có dàn nghệ sĩ hùng hậu nhất xuất hiện trên thảm đỏ Liên hoan phim (LHP) Cannes. Tân Hoa Xã từng so sánh số lượng nghệ sĩ nước này tại LHP Cannes là “quân đoàn”. Song nghịch lý là các giải thưởng danh giá không có chỗ cho điện ảnh quốc gia tỷ dân. Tuy nhiên, từ năm 2019 đến nay, truyền thông cũng thừa nhận về tầm ảnh hưởng của showbiz Trung Quốc tại Cannes là “ngày càng mờ nhạt và thưa thớt”.

1-1653657173976
“Decision to Leave” - một tác phẩm của Hàn Quốc tranh giải Cành cọ vàng tại LHP Cannes 2022.

Năm nay, Trung Quốc chỉ có vỏn vẹn 2 nghệ sĩ xuất hiện tại sự kiện là Thang Duy và Chương Tử Di. Nhưng, tác phẩm “Decision to Leave” mà Thang Duy tham gia diễn xuất thuộc về nền điện ảnh Hàn Quốc, do đạo diễn Park Chan Wook thực hiện. Còn Chương Tử Di được mời làm giám khảo. Người đẹp “Ngọa hổ tàng long” giữ nhiệm vụ đánh giá, chấm điểm các phim tranh giải Cannes XR - VeeR Future Award - hạng mục dành cho tác phẩm áp dụng công nghệ thực tế ảo. Còn, điện ảnh nước tỷ dân không có bất kỳ tác phẩm nào tranh tài tại LHP hàng đầu thế giới này.

Hollywood Reporter cho rằng, nguyên nhân chính khiến nghệ sĩ xứ tỷ dân vắng bóng ở LHP Cannes là do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và biện pháp chống dịch “Zero Covid” của giới chức nước này. Theo quy định, nếu nhập cảnh từ nước ngoài vào Trung Quốc, họ buộc trải qua 14 ngày cách ly y tế trước khi tham gia sinh hoạt bình thường tại Đại lục. Việc phải cách ly nửa tháng dễ dàng làm xáo trộn công việc, thậm chí có thể gây thiệt hại kinh tế với nghệ sĩ. Trong khi đó, nhiều người Trung Quốc từng sẵn sàng bỏ tiền túi mua vé dự thảm đỏ với giá hàng nghìn USD. Đây cũng được cho là nhóm đối tượng khách hàng tiềm năng cho các dịch vụ tại Cannes.

Không riêng người Trung Quốc, giới siêu giàu người Nga cũng vắng mặt tại LHP Cannes 2022. Đầu tháng Ba, LHP tuyên bố sẽ cấm các phái đoàn Nga tham gia cho đến khi xung đột Nga-Ukraine chấm dứt. Do vậy, không có đại diện chính thức, nhà làm phim, nhà phê bình phim hay nhà báo nào của Nga được mời tham dự sự kiện năm nay. Giải thích cho quyết định trên, Thierry Fremaux - Giám đốc nghệ thuật LHP cho biết ông không hề nhận bất kỳ khoản tài trợ nào từ nước Nga.

Trong quá khứ, LHP Cannes từng tạo ra gần 195 triệu euro mỗi mùa. Theo thống kê do đài RCF (Pháp), dân số tăng gấp 3 lần trong mỗi mùa Cannes, cùng với đó là khoản doanh thu tăng chóng mặt. Đơn cử, một quản lý nhà hàng ở khu vực diễn ra LHP Cannes tiết lộ với RCF rằng, doanh thu mỗi mùa LHP Cannes chiếm hơn 50% doanh thu của nhà hàng. Còn Stéphane Grosso - Giám đốc công ty tổ chức sự kiện Terre d'Evenements có trụ sở tại Nice tiết lộ, các hóa đơn thuê biệt thự sang trọng tại thành phố Cannes có thể lên tới 400.000 euro chỉ trong hai tuần.

Trong 11 ngày diễn ra sự kiện, các tài tử, minh tinh từ khắp nơi trên thế giới quy tụ, 2.100 phương tiện truyền thông được công nhận từ 89 quốc gia, 400 nhiếp ảnh gia ở cuối các bước và hơn 3.000 việc làm được tạo ra - là những con số không tưởng ở LHP Cannes. Trong số những khách mời này, có khá nhiều đại diện thế hệ mới từ điện ảnh Nga tham gia.

Grosso thừa nhận, sự thiếu vắng của các đại gia đến từ Nga cũng ảnh hưởng không nhỏ đến doanh thu. “Cannes luôn có một hoặc vài người Nga tổ chức một bữa tiệc lớn trên bãi biển. Nhưng sự trở lại của người Mỹ sẽ bù đắp cho doanh thu này”, vị giám đốc bày tỏ.

Nữ quyền mờ nhạt, phim châu Á khởi sắc

Trên Variety, Giám đốc LHP Thierry Fremaux từng tuyên bố, ông đang đặt mục tiêu hy vọng có “sự hiện diện mạnh mẽ hơn của các đạo diễn nữ” vào năm 2022. Song, nhìn vào danh sách đề cử, trang Indiewine phải thốt lên rằng, các nhà làm phim tham dự liên hoan phim Cannes năm nay không đại diện cho một tiêu chuẩn mới về sự đa dạng, bình đẳng giới. Còn Variety hoài nghi: “Làm sao mà năm nay chỉ có 3 bộ phim do các nhà làm phim nữ đạo diễn là ứng cử viên tranh giải chính của liên hoan phim danh giá nhất thế giới?”.

4-1653657202179
Poster chính thức của LHP Cannes lần thứ 75.

Mặc dù danh sách đã mở rộng trong suốt những năm qua, sự đại diện của những nhà làm phim nữ không tỷ lệ thuận với điều đó. Năm 2019, có 14 đạo diễn nữ trong số 47 phim được lựa chọn chính thức, năm 2021 có 28 trong số 64 phim và cho đến nay chỉ có 9 phim trong số 49 phim vào năm 2022. Ở hạng mục Phim xuất sắc nhất, chỉ có 3 phim của các đạo diễn nữ trong tổng số 18 phim tranh giải. Đó là Kelly Reichardt, với bộ phim “Showing up", Valeria Bruni Tedeschi với “Forever Young” và Claire Denis với “The Stars at noon”. Năm ngoái, 4 trong số 21 bộ phim tranh giải là của các nhà làm phim nữ.

Không chỉ ở hạng mục tranh giải, dấu ấn của phụ nữ ở Cannes năm nay cũng ảm đạm. Trong số 4 phim “Cannes Premiere”, không có phim nào do phụ nữ làm đạo diễn. Điều tương tự cũng xảy ra đối với hạng mục "Chiếu phim đặc biệt" và "Nửa đêm". Các bộ phim công chiếu gồm “Top Gun: Maverick” của Joseph Kosinski, “Elvis” của Baz Luhrmann, “Z” của Michel Hazanavicius... không có phim nào do phụ nữ làm đạo diễn. Ít nhất cũng có một số điểm sáng trong hạng mục “Un Certain Regard”. Trong số 15 phim được công bố, 6 trong số đó do phụ nữ làm đạo diễn hoặc đồng đạo diễn. Giới phê bình hy vọng mọi thứ sẽ trở lại đúng hướng cho Cannes vào năm sau, khi Chủ tịch LHP vừa đắc cử Iris Knobloch - người phụ nữ đầu tiên giữ danh hiệu này.

Trong khi bình đẳng giới vẫn là câu chuyện “xưa như trái đất” ở các LHP lớn, như Cannes, điện ảnh khu vực châu Á đánh dấu bước chuyển mình rõ rệt. Năm thứ 75 diễn ra LHP Cannes 2022, hiếm khi chứng kiến loạt phim châu Á có cuộc cạnh tranh gay cấn đến vậy, chủ yếu đến từ 3 nền điện ảnh vững mạnh như Trung Quốc, Hàn Quốc hay Nhật Bản. Vượt qua Trung Quốc và Nhật Bản, Hàn Quốc ngày càng chứng minh sức hút của mình, khi có tận… 3 bộ phim tham gia góp mặt tại LHP Cannes năm nay, trong đó có 2 bộ phim cạnh tranh trực tiếp giải thưởng cao nhất.

Theo đó, “quái kiệt” Park Chan Wook trở lại trong một tác phẩm điều tra kinh dị mang tên “Decision to Leave”; "Broker” của đạo diễn người Nhật Hirokazu Koreeda; hai bộ phim ngắn của đạo diễn Trung Quốc là “Will you look at me” của Shula Huang và “Canker” của Lin Tu là những ngôi sao sáng giá của điện ảnh châu Á tại sự kiện năm nay. Trong khi đó, Lee Jung Jae - ngôi sao của loạt phim “Squid Game - Trò chơi con mực” được xem nhiều nhất trên Netflix đã đến Cannes để quảng bá cho bộ phim điệp viên hình sự “Hunt” mà anh lần đầu làm đạo diễn, biên kịch, đồng sản xuất và thủ vai chính.

Phim tình dục, bạo lực được chuộng hơn?

Một điểm chung của các bộ phim tham gia tranh giải tại LHP Cannes chính là sự táo bạo trong cách thể hiện, yếu tố gây sốc và liên quan tới yếu tố tình dục, bạo lực. Đã có nhiều giai thoại về việc khán giả la ó, bỏ khỏi rạp, tẩy chay, thậm chí “sốc tâm lý” vì xem các phim quá dã man tàn bạo ở Cannes. Những bộ phim gây sốc trải dài từ Âu sang Á như: “Antichrist”, “Kinatay”, “The Brown Bunny”, “Irreversible”…

2-1653657215071
“Titane” - Chủ nhân giải Cành cọ Vàng LHP Cannes 2021 từng là bộ phim gây chia rẽ trong giới mộ điệu.

Năm ngoái, giải Cành cọ vàng đã thuộc về nữ đạo diễn người Pháp - Julia Ducournau với tác phẩm gây tranh cãi “Titane”. Nội dung phim đề cập đến một tấm titan được đặt trong đầu của Alexia (Agathe Rousselle đóng) sau một tai nạn xe hơi thời thơ ấu. Tấm titan thu hút cô đến với các yếu tố kim loại và sau khi “quan hệ” với chiếc xe Cadillac, Alexia mang thai. Bộ phim của nữ đạo diễn người Pháp được nhận xét mang phong cách cực đoan, kỳ quái với tràn ngập chất liệu tình dục, bạo lực. Phim khiến giới phê bình chia rẽ và nhiều khán giả phải bỏ về khi đang xem phim.

Hay, chủ nhân Cành cọ vàng năm 2013 - “Blue Is the Warmest Colour” cũng khiến giới chuyên môn và người hâm mộ choáng váng bởi những cảnh sắc dục đồng tính nữ khá trần trụi. Phim kể về mối tình đầu của Adèle, từ khi cô còn là một nữ sinh trung học yêu thích văn chương và ngôn ngữ. Cô loay hoay tìm kiếm con người thực của mình. Cô làm tan vỡ trái tim bạn trai khi đem lòng yêu Emma - một nữ sinh viên mỹ thuật…

Năm nay, không khó để tìm ra những phim có yếu tố gây sốc như: “Crimes of the Future” của David Cronenberg với chất lập dị không thua kém David Lynch. Trong phim, tác giả muốn xóa nhòa mọi ranh giới thường thấy, và trong tương lai gần con người buộc phải thích nghi với môi trường tổng hợp. Phim cũng khiến người ta nổi da gà với những yếu tố kỳ dị giống như các phim body-horror trước của Cronenberg như “Crash”, “Videodrome”…

Ngoài ra, đạo diễn Ali Abbasi tiếp tục mang “Holy Spider” với góc nhìn nghệ thuật táo bạo đến Cannes. Trong phim, một kẻ ngoan đạo ngông cuồng sẵn sàng giết những cô gái điếm để bảo vệ đền thờ linh thiêng của Iran. Sau khi sát hại một loạt các cô gái, gã đàn ông đồ tể này phát điên vì không được công nhận vai trò đặc biệt được giao và một cuộc bùng nổ đẫm máu xảy ra sau đó.

Thực tế, trong 75 năm tồn tại, LHP Cannes vẫn luôn là nơi tôn vinh những trào lưu điện ảnh táo bạo như Nouvelle Vague (Làn sóng điện ảnh mới ở Pháp), New Hollywood, sân khấu của điện ảnh Mỹ Latin… Song, Mike Goodridge, nhà sản xuất người Anh thừa nhận với The Guardian rằng, mâu thuẫn nội tại của Cannes là vừa nghiêm túc vừa ngớ ngẩn, vừa đề cao thứ bậc nhưng cũng lại rất dân chủ. Bên cạnh những bộ phim đầy tính nghệ thuật là một thị trường chuyên bán những phim 18+. Bến cảng về đêm là địa điểm lí tưởng để những nhà tài phiệt tổ chức những tiệc điện ảnh trên du thuyền hạng sang, chiếu những bộ phim chủ nghĩa hiện thực xã hội từ Bucharest hoặc Timbuktu.

Bất chấp những tranh cãi và mâu thuẫn nội tại, sau cùng, giới chuyên môn khẳng định LHP Cannes vẫn là thánh đường của điện ảnh, được xây dựng trên tinh thần hòa nhập, bao dung và đồng cảm với các nền văn hóa khác. The Guardian cho rằng, đó là lý do Cannes luôn hướng tới những nghệ sĩ dám thể hiện quan điểm rõ ràng, làm sáng tỏ sự bất công và mặt trái của xã hội. Năm nay, nếu như bộ phim “Donbass” của Sergei Loznitsa là hồi chuông cảnh báo về một cuộc khủng hoảng bùng phát ở miền Đông Ukraine; thì “Loveless” của Andrey Zvyagintsev cảnh báo về khủng hoảng đạo đức đang lan tràn trong tầng lớp trung lưu ở Moscow.

Mà nói như lời của nhà văn Pháp Agnès Poirier: “Ở Anh, Cannes có thể được coi là một thứ gì đó phù phiếm, nhưng với người Pháp thì không. Đó là tầng lớp chính trị, là trường đại học địa chính trị và cũng là nơi để tìm hiểu kiến thức về những nơi chúng tôi chưa từng đến thăm trên thế giới”.

Ngày đăng: 16:27 | 30/05/2022

Thảo Dung / CAND