Một số bài chuyên môn của tôi và đồng nghiệp từng bị sử dụng lại với tên tác giả khác.
"Anh ơi, em thấy bài anh viết để tên bác sĩ khác", thấy đồng nghiệp nhắn, tôi đã thử liên lạc với "tác giả" đó bằng email nhưng không có hồi âm. Trước đây, tôi dễ dàng chia sẻ bài trình bày của mình cho học viên là các đồng nghiệp tại cơ sở khác. Một vài học viên sau đó sử dụng lại và trở thành tác giả của chúng, vì vậy, việc chia sẻ không còn nữa.
Nơi tôi đang học, Đại học Quốc gia Australia, mọi sinh viên trước khi thực hiện nghiên cứu đều phải tự học một khóa có tên "huấn luyện về sự chính trực trong nghiên cứu". Chỉ vượt qua bài thi, chúng tôi mới được tiếp tục thực hiện các hoạt động liên quan đến nghiên cứu. Nội dung bài thi là những tình huống thực tế được chọn ngẫu nhiên. Học viên chỉ được thi lại một lần, nếu không đạt, phải gặp riêng người hướng dẫn để thảo luận về khả năng tiếp tục được thực hiện dự án của mình.
Khóa học gồm bảy phần với rất nhiều nội dung chi tiết. Bốn phần đầu tập trung vào sự chính trực, ngay thẳng khi thực hiện nghiên cứu. Các phần còn lại hướng dẫn quy định về việc xét duyệt và giám sát của các hội đồng liên quan đến việc thực hiện nghiên cứu và quản lý dữ liệu. Những công trình có can thiệp đến con người và động thực vật thường được giám sát ở mức độ cao nhất.
Phần lớn nội dung học là về sự chính trực trong nghiên cứu học thuật, bao gồm làm việc không đúng cách, đăng bài và lỗi đạo văn, mâu thuẫn lợi ích, cách hướng dẫn nghiên cứu - chúng đều nhất quán với Luật lệ thực hiện nghiên cứu tại Australia. Tất cả các trường, tổ chức trong mọi lĩnh vực đều phải tuân thủ bộ luật trên.
Tôi thử tra cứu trên Internet, vào trang chính thức của một số đại học tại Việt Nam, nhưng không tìm thấy nội dung hay văn bản nào đề cập đến luật lệ, quy định trong việc thực hiện nghiên cứu khoa học. Trong quá trình học và thực hiện nghiên cứu của mình trong nước, tôi cũng không có cơ hội được hướng dẫn cụ thể việc này.
Quay lại khóa huấn luyện, phần học tiếp theo về những nguyên tắc đạo đức cơ bản và việc vi phạm chúng. Trung thực, chính xác, minh bạch, chịu trách nhiệm giải trình và thúc đẩy môi trường nghiên cứu trong sạch là vài trong số quy tắc đạo đức này. Ở chiều ngược lại: đạo văn, ghi nhận sai quyền tác giả, không công bố hoặc không kiểm soát các mâu thuẫn về quyền lợi là vài hành vi vi phạm đạo đức nghiên cứu.
Thế nào là đạo văn? Chúng được chia thành hai nhóm "vô ý" và "cố ý". Nhóm lỗi cố ý đạo văn được xem là lỗi rất nặng, người phạm lỗi có thể bị đuổi học. Ví dụ, sử dụng ý tưởng của người khác mà không ghi nguồn, "mượn" ý tưởng của người khác trong lúc thảo luận nhóm trở thành ý tưởng của mình, ngụy tạo ý tưởng không có trong nguồn trích dẫn hoặc ngụy tạo nguồn trích dẫn, sử dụng lại nguyên văn một nội dung trong bài viết của mình ở bài viết khác. Một trong những cách khách quan để phát hiện lỗi đạo văn là bài nộp phải được "quét" qua một phần mềm để tìm ra những câu trong bài giống với những câu đã được viết trong sản phẩm được đăng ký trước đó. Việc thuê người viết bài, mua bài, nhờ người thi hộ là những hình thức đạo văn được xem là nghiêm trọng, người vi phạm có thể bị cho ngừng học.
Ghi nhận quyền tác giả là một vấn đề nhạy cảm trong nghiên cứu khoa học. Chính vì vậy, các tổ chức thường hướng dẫn rõ ràng việc này để hạn chế tranh chấp. Như tại trường tôi, chỉ những người tham gia vào việc thiết kế, phân tích và diễn giải kết quả, phác thảo ý hay có những chỉnh sửa quan trọng đóng góp vào nghiên cứu mới được công nhận quyền tác giả. Những người chỉ tài trợ, giám sát chung, lãnh đạo nơi thực hiện nghiên cứu, hỗ trợ kỹ thuật, ít đóng góp trí tuệ vào công trình không được ghi nhận quyền này. Song vẫn có đồng nghiệp tâm sự với tôi "dù sếp không làm gì nhưng nghiên cứu của em phải điền tên sếp vào mới được duyệt cho làm đó anh".
"Anh sử dụng thuốc này của công ty em đi", một trình dược viên giới thiệu loại thực phẩm chức năng được cho là có tác dụng tốt cho rối loạn phổ tự kỷ, "thuốc này đã được công ty em tài trợ làm nghiên cứu tại bệnh viện X rồi, hiệu quả lắm". Nói xong em đưa cho tôi một bài báo đăng trên tạp chí chuyên ngành trong nước. Tôi đã không sử dụng "thuốc" đó để điều trị. Ở góc độ chuyên môn, không có phác đồ điều trị chuyên ngành nào hướng dẫn sử dụng "thuốc" này. Ở góc độ khoa học, cách thực hiện nghiên cứu kia có nhiều vấn đề khiến tôi e ngại. Tôi khá băn khoăn bởi tác giả nghiên cứu nhận tài trợ từ chính công ty đang bán thuốc, trong bài báo lại không có phần tuyên bố về mâu thuẫn lợi ích.
Mâu thuẫn lợi ích trong nghiên cứu là tình huống mà lợi ích cá nhân của nghiên cứu viên có thể ảnh hưởng đến công việc họ làm, và sự ảnh hưởng này được ghi nhận khách quan từ người quan sát độc lập. Trở lại tình huống trên, câu hỏi tôi đặt ra là "liệu việc nhận tài trợ từ chính công ty đang bán thuốc có khiến tác giả nghiên cứu công bố một cách trung thực về hiệu quả của thuốc không?". Trong các bài báo nghiên cứu quốc tế tiêu chuẩn, việc tuyên bố công trình không bị ảnh hưởng bởi nhà tài trợ là bắt buộc.
Bên cạnh vi phạm cố ý là những lỗi do thiếu kiến thức phù hợp. Bản thân tôi cũng phải làm lần hai mới vượt qua bài thi về sự chính trực trong nghiên cứu, bởi phần lớn các tình huống trong bài đều khá xa lạ với hiểu biết tôi được học tại Việt Nam. Khá nhiều bài báo khoa học đăng trên tạp chí trong nước tôi đọc được cũng cho thấy khiếm khuyết kiến thức này.
Nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học trước tiên nhờ nâng cao chất lượng người thực hiện chúng về cả kiến thức lẫn đạo đức. Tôi cho rằng một văn bản chính thống quy định về luật lệ và sự chính trực trong thực hiện nghiên cứu cần được ban hành, và nó bám sát quy định chung của quốc tế. Dựa trên văn bản này, các đơn vị áp dụng, điều chỉnh cho phù hợp với mình. Bên cạnh đó, việc huấn luyện và thực thi văn hóa liêm chính trong khoa học không bao giờ thừa để cải thiện chất lượng nghiên cứu của Việt Nam.
Phạm Minh Triết
Nhiều ứng viên GS, PGS ngành Y, Dược bị tố gian dối các bài báo quốc tế
GS Nguyễn Ngọc Châu vừa gửi đơn kiến nghị lên Hội đồng Giáo sư nhà nước, Thanh tra Bộ GD&ĐT thể hiện nghi ngờ của ... |
Ngày đăng: 08:51 | 27/10/2020
/ vnexpress.net