Mới đây, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã ban hành Thông tư mới sửa đổi, bổ sung một số điều về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ôtô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ. Điểm đáng chú ý của lần sửa đổi này, bên cạnh lệnh vận chuyển giấy, Bộ GTVT cho phép doanh nghiệp vận tải, bến xe được sử dụng thêm lệnh vận chuyển điện tử.
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, lệnh vận chuyển điện tử có thể ngăn lệnh “giả”, sự “tắc trách” của lái xe, giảm ùn tắc, song để khả thi rất cần sự vào cuộc của cả xã hội.
Theo cơ quan chức năng, lệnh vận chuyển giấy và lệnh vận chuyển điện tử khác nhau chỉ ở cách thức truyền thông tin. Có doanh nghiệp nhập dữ liệu qua phần mềm nội bộ, còn lệnh vận chuyển điện tử thì chuyển dữ liệu truyền dẫn ở tất cả phần mềm quản lý. Điều này đảm bảo khâu quản lý chặt chẽ cho doanh nghiệp và cơ quan quản lý.
Ông Nguyễn Tuyển, Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT Hà Nội cho biết, hiện đối tượng áp dụng lệnh vận chuyển đối với vận tải cố định trên địa bàn thành phố là khoảng 50 đơn vị với trên 700 đầu phương tiện, còn các đơn vị của địa phương khác đăng ký hoạt động trên địa bàn Hà Nội là khoảng 300 đơn vị vận tải với 3.500 phương tiện.
Ông Tuyển thẳng thắn nêu quan điểm: “Việc áp dụng lệnh vận chuyển điện tử là đúng đắn. Lúc đầu có thể khó khăn nhưng sau một thời gian, khi làm được, các đơn vị sẽ thấy đây là quyết định đúng để quy trình trở nên bài bản, có quy mô hơn, áp dụng khoa học công nghệ trong hoạt động vận tải, góp phần giảm ùn tắc…”.
Bên cạnh đó, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho hay: “Hiện chúng ta đang dùng giấy, nhưng theo yêu cầu của chuyển đổi số và Chính phủ điện tử, phần mềm quản lý bến xe đã được truyền dữ liệu của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, nên chúng tôi đề xuất và theo yêu cầu của nhiều doanh nghiệp, chuyển sang lệnh vận chuyển điện tử. Trước mắt, trong giai đoạn hiện tại, vẫn để tồn tại song song cả lệnh vận chuyển điện tử và lệnh vận chuyển giấy, doanh nghiệp có thể lựa chọn sử dụng 2 hình thức. Lệnh vận chuyển giấy để phục vụ những bến xe ở vùng sâu vùng xa, còn nhiều khó khăn”.
Trên cơ sở thông tin, doanh nghiệp tự khai báo trên hệ thống, từ biển số, họ tên tài xế, hành trình, tuyến đi…, doanh nghiệp bến xe sẽ nhận được các thông tin và thông tin này cũng lên hệ thống của Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Từ đó, bến xe sẽ cho xuất bến. Trong quy trình đảm bảo an toàn giao thông, có quy trình đảm bảo an toàn giao thông vận tải và đảm bảo an toàn giao thông tại bến xe, chỉ cho xe xuất bến khi đã đảm bảo đủ điều kiện an toàn. Như vậy, xe xuất bến sẽ gắn với việc giám sát hành trình, đây là một trong những yếu tố để quản lý được chặt chẽ hơn. Khi đó, những vi phạm sẽ được giải quyết một cách triệt để”, bà Hiền khẳng định.
Dưới góc nhìn của cơ quan xử phạt giao thông trên đường, Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh, Phó Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát giao thông, chia sẻ: Có bến xe gần người dân, nhưng họ vẫn không vào mà sẵn sàng đứng ngoài đường đón. Như tại bến xe Gia Lâm ra đường Nguyễn Văn Cừ, nhiều xe nối đuôi nhau đi rùa bò. Nguyên nhân do khách không chịu vào bến, cứ đứng chờ ở ngoài để lên xe. “Không biết giá vé trong và ngoài bến có khác gì nhau không, nhưng cơ quan chức năng nỗ lực đến mấy, tăng chế tài xử phạt mà nếu người tham gia giao thông không ý thức hơn thì không chỉ xe dù bến cóc mà nhiều hành vi vi phạm khác vẫn tồn tại”, Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh bày tỏ.
Đại diện cho các doanh nghiệp vận tải, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam cho biết, đã có trên 500 doanh nghiệp vận tải thực hiện chuyển đổi số. Tuy nhiên, đến nay, các đơn vị vẫn khó khăn khi thực hiện quan hệ với các cơ quan quản lý nhà nước, bến xe. Nếu có sự đồng bộ hóa thì ý kiến chung của các doanh nghiệp đồng thuận với việc đẩy nhanh thực hiện chuyển đổi số toàn bộ các lĩnh vực: Bán vé, kết nối với quan thuế, bến xe trong đó có lệnh vận chuyển bến xe. “Chúng tôi mong muốn Nhà nước có sự chỉ đạo thật đồng bộ trong việc triển khai này, để việc chuyển đổi số đi vào cuộc sống một cách toàn diện và nhanh chóng nhất”, ông Quyền nói.
Thông tin thêm về quy định xử phạt, Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh nêu rõ, khi xe xuất bến, lái xe trước đây mang lệnh vận chuyển giấy. Thông tư 17 ra đời, có thêm lệnh vận chuyển điện tử. Doanh nghiệp vận tải phải trang bị cho lái xe thiết bị truy cập được lệnh vận chuyển điện tử. Lực lượng chức năng cung cấp phần mềm để lực lượng kiểm soát qua mã QR, trích xuất thông tin và xử lý vi phạm qua thông tin từ phần mềm dữ liệu mà Tổng cục Đường bộ Việt Nam cung cấp.
Theo Nghị định 100 và Nghị định 123 sửa đổi một số điều Nghị định 100 quy định rõ: Xử phạt xe ô tô chở khách, phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: Vận chuyển hành khách theo tuyến cố định không có hoặc không mang theo lệnh vận chuyển hoặc có mang theo lệnh vận chuyển nhưng không ghi đầy đủ thông tin, không có xác nhận của bến xe khách nơi đi, bến xe khách nơi đến theo quy định.
Điều 28 xử phạt các hành vi vi phạm quy định về vận tải đường bộ, dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ quy định, phạt tiền từ 3-4 triệu đồng đối với cá nhân, từ 6-8 triệu đồng đối với tổ chức kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải thực hiện một trong các hành vi vi phạm như: Không cấp lệnh vận chuyển cho lái xe theo quy định; bến xe không xác nhận hoặc xác nhận không chính xác, đầy đủ các thông tin trong lệnh vận chuyển theo quy định hoặc xác nhận vào lệnh vận chuyển khi xe không có ở bến.
https://cand.com.vn/Giao-thong/lenh-van-chuyen-dien-tu-ngan-ben-coc-xe-du--i663412/
Ngày đăng: 09:02 | 10/08/2022
Đặng Nhật / cand.com.vn