Tiền vệ Việt kiều Lee Nguyễn đến CLB TP HCM để hoàn thành thương vụ vốn thuộc về mùa trước, hay là niềm cảm hứng cho cho mùa giải sắp tới? Cả hai câu hỏi đều khó trả lời.

2032 5 2 ne nguyen 9869 1608699882
Đẳng cấp của Lee Nguyễn là không phải bàn cãi, nhưng thời điểm anh trở lại V-League và bối cảnh ở CLB TP HCM lúc này có lẽ không còn phù hợp. Ảnh: MLS.

Theo Chủ tịch CLB TP HCM, Nguyễn Hữu Thắng quyết tâm mua Lee Nguyễn để tăng cường sức mạnh cho mùa 2020 là có thật, với số tiền dự kiến bỏ ra lên đến một triệu USD cho bản hơp đồng hai năm. Điều này đã được chứng minh là nghiêm túc, bởi sau khi mua hụt Lee Nguyễn, TP HCM cũng đã chi đậm cho hai cầu thủ nước ngoài khác. Chỉ có điều, các hoạt động chuyển nhượng của TP HCM mùa trước gần như thất bại, bao gồm cả việc cho HLV Chung Hae-seung nghỉ rồi sau đó mời trở lại.

Thế nên, có thể nói sự trở về của Lee Nguyễn là kết quả của một quá trình theo đuổi lâu dài, có "chiến lược" hẳn hoi của CLB TP HCM. Nó chứng minh một chi tiết quan trọng: cái gì có thể thiếu, chứ tiền thì chắc chắn họ dư thừa. Đây là yếu tố cốt lõi để giúp đội bóng này tìm đến danh hiệu vô địch đầu tiên cho bóng đá TP HCM tính từ năm 2002. Lịch sử V-League đã chứng minh, đầu tư khủng chưa chắc vô địch, nhưng nếu muốn vô địch thì nhất định phải nhiều tiền. Nếu không dùng tiền để mua cầu thủ giỏi, thì cần có quỹ lương - thưởng cực lớn để thúc đẩy tinh thần.

Nhưng, dù TP HCM cần Lee Nguyễn thực sự, hay chỉ là chuyện "phóng lao phải theo lao", câu hỏi vẫn còn đó: Lee Nguyễn sẽ giúp được gì cho chủ sân Thống Nhất về khía cạnh chuyên môn?

Bắt đầu đá V-League từ mùa 2017, về thành tích thì TP HCM đạt yêu cầu: đứng nhì mùa 2019 và thứ năm mùa 2020. Nhưng nếu xét cả lộ trình phát triển, đội bóng vẫn có cái gì đó thiếu ổn định. Lúc mới thăng hạng, họ mời cựu tiền đạo Lê Công Vinh làm Chủ tịch rồi thuê HLV Toshiya Miura, mục đích rất rõ ràng là xây dựng một CLB chuyên nghiệp đúng tiêu chuẩn, từ hình ảnh cho đến cơ cấu bộ máy thuần chất bóng đá. Nhưng chỉ mùa thứ hai, khi thành tích không như ý, họ bộc lộ vẻ nóng ruột. Sau khi mời ông Nguyễn Hữu Thắng ngồi ghế Chủ tịch Điều hành, họ thay đổi quan điểm, tăng cường mua cầu thủ ngôi sao, thuê HLV nổi tiếng là Chung Hae-seong. Con đường "chạy đua vũ trang" này không có gì khác lạ, và kết quả của nó cũng chẳng mới mẻ lắm: từ chỗ đua vô địch với Hà Nội ở mùa 2019 với tỷ lệ thắng trận lên đến 60%, TP HCM chỉ thắng tám trận sau 20 vòng ở mùa 2020, tức là chỉ đạt 40%.

Vấn đề của TP HCM không hoàn toàn nằm ở con người. Mùa trước, lực lượng của họ không thua kém bất kỳ đội bóng nào, thậm chí, đồng đều cả ba tuyến. Số lượng tuyển thủ quốc gia là bảy người. Các cầu thủ ngoại không đáp ứng được kỳ vọng, nhưng đó chưa hẳn là vấn đề quá lớn bởi các đội bóng như Viettel hay Quảng Ninh cũng không dựa quá nhiều vào các ngoại binh nhưng vẫn chơi tốt đấy thôi. Bài toán mà TP HCM cần giải quyết, đó là vì sao HLV Chung Hae-seung cầm quân hai mùa nhưng chỉ thành công mùa đầu tiên, đến khi bổ sung lực lượng mạnh hơn thì không làm được điều tương tự. Năng lực của ông Chung thì đến HLV Park Hang-seo cũng phải thừa nhận.

Cho nên, chuyện Lee Nguyễn đến TP HCM lúc này chỉ thấy hiệu quả ở khâu hình ảnh. Năm nay đã 34 tuổi, trở lại một môi trường bóng đá vốn không phù hợp ngay từ lúc còn ở đỉnh cao, thì cơ hội thành công của Lee Nguyễn quá ít. Bản hợp đồng ngắn hạn một năm phần nào cho thấy TP HCM mua Lee Nguyễn nhưng không quá chắc chắn về chuyên môn. Ưu thế lớn nhất của tiền vệ này là anh sẽ đá theo suất nội binh, tức là TP HCM vẫn có thể ra sân với thêm ba cầu thủ ngoại nữa, sức mạnh của họ về lý thuyết sẽ tăng lên. Ngoài ra, với bản lý lịch ở đẳng cấp cao cộng với sự am hiểu môi trường bóng đá V-League, Lee Nguyễn sẽ là một thủ lĩnh trên sân lẫn phòng thay đồ của CLB TP HCM.

Nhưng, vì có Lee Nguyễn nên chắc chắn mục tiêu của TP HCM mùa tới phải là vô địch, chứ không nhẹ nhàng như chuyện Kiatisuk Senamuang hay Công Phượng về HAGL. Áp lực đó rất lớn. Hà Nội FC chưa có dấu hiệu yếu đi, thì bây giờ có thêm Viettel đạt đến mức độ hoàn thiện, cộng với những "ngựa ô" như Sài Gòn FC, Bình Dương... thì cuộc cạnh tranh vô địch tại V-League thậm chí còn khốc liệt hơn hai mùa gần nhất. Có Lee Nguyễn là một chuyện, nhưng TP HCM cần một nhà cầm quân thực sự có bản lĩnh cũng như nắm rõ đường đi nước bước của V-League, thì mới hy vọng đổi đời. Bài học của HLV Chung Hae-seong còn đó: Ít áp lực thì dễ làm, kỳ vọng cao thì hỏng việc. Bản thân TP HCM đã bế tắc hồi mùa trước, khi giữa mùa cho ông Chung nghỉ huấn luyện, rồi chẳng có ai nên phải đưa ông thầy Hàn Quốc quay lại.

Mua cầu thủ thì dễ, tìm người để khai thác tiềm năng của họ mới là vấn đề. Đấy là chưa nói đến chuyện Lee Nguyễn là một cá tính mạnh, từng công khai đối đầu với một nhân vật nổi tiếng như Kiatisuk, thì "quản" được anh ở TP HCM là chuyện không đơn giản.

Xem ra, cựu HLV đội tuyển Việt Nam, người từng cùng SLNA tạo bất ngờ ở mùa 2011, Nguyễn Hữu Thắng sẽ vất vả nhiều hơn.

Song Việt

Lee Nguyễn từ biệt nước Mỹ Lee Nguyễn từ biệt nước Mỹ
Rộ tin Lee Nguyễn và Đặng Văn Lâm sắp tái xuất ở V-League Rộ tin Lee Nguyễn và Đặng Văn Lâm sắp tái xuất ở V-League
CLB TP HCM không thể tuyển mộ Lee Nguyễn CLB TP HCM không thể tuyển mộ Lee Nguyễn

Ngày đăng: 15:22 | 23/12/2020

/ vnexpress.net