Rất đông người dân, cựu chiến binh, cán bộ, học sinh ở Quảng Trị có mặt ở di tích Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải để tham gia lễ thượng cờ "Thống nhất non sông".

Sáng 30/4, dòng người tìm về di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải rất sớm để kịp tham dự lễ thượng cờ "Thống nhất non sông" kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; 52 năm Ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị và hướng đến kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Người dân tìm về di tích Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải để tham gia lễ thượng cờ. (Ảnh: Nguyễn Luân)

Người dân tìm về di tích Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải để tham gia lễ thượng cờ. (Ảnh: Nguyễn Luân)

Trong không khí trang nghiêm, lá cờ đỏ sao vàng được kéo lên trên đỉnh kỳ đài lịch sử giữa tiếng nhạc Quốc ca hào hùng. Những người tham dự buổi lễ cũng dành một phút mặc niệm tưởng nhớ những người đã ngã xuống, hy sinh xương máu để giành lấy độc lập cho dân tộc.

Trong bài diễn văn, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị ôn lại lịch sử hào hùng của dân tộc. Ngày 21/7/1954, Hiệp định Geneve được ký kết, sông Bến Hải trở thành giới tuyến quân sự tạm thời chia cắt hai miền Nam - Bắc.

Cờ Tổ quốc được kéo lên trên đỉnh kỳ đại ở di tích đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải. (Ảnh: Nguyễn Luân)

Cờ Tổ quốc được kéo lên trên đỉnh kỳ đại ở di tích đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải. (Ảnh: Nguyễn Luân)

Cầu Hiền Lương trở thành biểu tượng của nỗi đau chia cắt và khát vọng thống nhất của dân tộc. Tỉnh Quảng Trị trở thành tuyến đầu của miền Bắc xã hội chủ nghĩa và hậu phương trực tiếp của tiền tuyến lớn miền Nam, cũng là chiến trường nóng bỏng, khốc liệt nhất.

Trong những năm tháng chiến tranh, đế quốc Mỹ và các thế lực tay sai thực hiện cuộc chiến tranh hủy diệt nhằm đưa Quảng Trị trở thành “Vành đai trắng”.

Bằng ý chí kiên cường và lòng quả cảm, niềm tin sắt son với Đảng, với cách mạng, vượt lên mọi đau thương mất mát, tàn khốc của cuộc chiến tranh, Nhân dân Quảng Trị kiên cường, bất khuất, anh dũng bám trụ đánh địch với quyết tâm “Một tấc không đi, một ly không rời”, chiến đấu và bảo vệ quê hương đến ngày đất nước thống nhất.

Suốt những năm tháng ấy, lá cờ trên kỳ đài Hiền Lương nơi đầu cầu giới tuyến vẫn kiêu hãnh tung bay, trở thành niềm tin và ý chí thống nhất của đồng bào hai miền Nam - Bắc.

Các đại biểu, người dân làm lễ chào cờ và cùng ôn lại lịch sử hào hùng của dân tộc. (Ảnh: Nguyễn Luân).

Các đại biểu, người dân làm lễ chào cờ và cùng ôn lại lịch sử hào hùng của dân tộc. (Ảnh: Nguyễn Luân).

Sau Lễ Thượng cờ Thống nhất non sông, các đại biểu cũng đến đặt vòng hoa, dâng hương tại Nghĩa trang Liệt sỹ quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang Liệt sỹ quốc gia Đường 9 và Di tích quốc gia đặc biệt Thành Cổ Quảng Trị tưởng nhớ và tri ân các anh hùng liệt sỹ.

Sáng cùng ngày, Giải Đua thuyền truyền thống “Thống nhất non sông” cũng diễn ra trên dòng sông Bến Hải với sự tham gia của đội tuyển của các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Quảng Trị và các đội đua đến từ tỉnh Quảng Nam, Quảng Bình, Nghệ An và Bình Thuận.

Ngày đăng: 13:33 | 30/04/2024

Nguyễn Vương / VTC News