Dường như chọi trâu Đồ Sơn đang trở thành lễ hội mổ trâu, chẳng ai còn quan tâm đến chủ trâu nào thắng trận mà họ chỉ mong mua được thịt trâu chọi giá rẻ.

le hoi choi trau hay mo trau Khán giả, bảo vệ la hét, bỏ chạy tán loạn ở hội chọi trâu Đồ Sơn
le hoi choi trau hay mo trau Lễ hội chọi trâu không có tội, chỉ vì quản lí chưa tốt thôi

Xảy ra sự cố trâu húc chết người tại vòng loại và bị dư luận phản đối, yêu cầu ngừng tổ chức lễ hội nhưng vòng chung kết chọi trâu Đồ Sơn 2017 vẫn diễn ra bình thường với sự góp mặt của 18 “ông trâu”. Đây là lễ hội thu hút khá đông khán giả, theo như Ban tổ chức có tới 20.000 đến khán đài chứng kiến trận chung kết.

Những màn đối đầu nảy lửa của vòng chung kết chọi trâu Đồ Sơn khiến khán giả phần nào thỏa mãn sự hiếu kỳ. Các ông trâu sau khi được mở cờ che mắt, rút dây mũi đã lao vào nhau thi triển những ngón đòn dũng mãnh, cực hiểm như hổ lao, cáng hầu... Kết quả cuối cùng, trâu số 20 của ông Lưu Đình Tới chiến thắng và giành ngôi vô địch lễ hội chọi trâu Đồ Sơn 2017. Không ít khán giả đã xúc động trước những hình ảnh đầy âu yếm của chủ, của nài với trâu trên sân đấu.

le hoi choi trau hay mo trau

Không ít khán giả đã xúc động trước những hình ảnh đầy âu yếm của chủ với "ông trâu" trên sân đấu (Ảnh Zing.vn).

Nhưng thật bất ngờ, khi bước ra khỏi sân vận động, đập vào mặt khán giả là những quầy sạp bán thịt của các "ông trâu" thua trận. Đó chính là những con trâu được chủ nâng niu yêu quý trước khi thi đấu. Trâu số 7 về nhì có giá bán thịt tại sân là 3 triệu đồng/kg. Riêng trâu số 20 sẽ được sống thêm một ngày để đưa đi làm lễ tế, báo công ở đình làng và cuối cùng cũng bị giết thịt với mức giá dự kiến khoảng 5 đến 6 triệu đồng/kg. Ít có một dịp nào mà thịt trâu lại đắt hàng và đắt giá đến vậy!

Tính ra, dù thua, không đoạt được giải thưởng nhưng chủ trâu bị thua cũng kiếm bộn tiền nhờ bán thịt trâu giá cao. Thế nên mới có chuyện chủ trâu chọi bị thua ở lễ hội vẫn rất hào hứng khi trâu của ông thuộc diện được đăng ký giết mổ. Khi đó, chỉ riêng tiền bán thịt trâu, đầu trâu, da trâu… cũng đã lãi to rồi.

le hoi choi trau hay mo trau

Ngay sau trận chung kết, lễ hội biến thành "chợ" bán thịt trâu (Ảnh Zing.vn).

Bất kỳ ai tham dự lễ hội chọi trâu Đồ Sơn đều dễ dàng nhận ra, nét đẹp truyền thống đang bị thương mại hóa, bóp méo. Nói như GS.Trần Lâm Biền, chọi trâu Hải Phòng chỉ còn là một thứ trò chơi núp bóng lễ hội cũ, mượn danh thượng võ để nhằm mục đích khác - đó là cách ứng xử vô văn hóa với một hoạt động văn hóa. Phần chọi trâu chỉ thúc đẩy tính hiếu kỳ nhưng lại có hiện tượng lợi dụng, bóp méo văn hóa truyền thống, văn hóa lễ hội để kiếm tiền.

Người viết không tán thành chuyện giết trâu ngay tại lễ hội. Phải chăng, đó là một biểu hiện rõ nét nhất của sự tàn ác? Vì sao tàn ác ư? Mới ngày hôm trước thôi, chủ trâu còn chăm sóc “ông trâu” chu đáo, cưng nựng nhưng rồi sau trận đấu, họ đem những thứ mình yêu, mình cưng ra giết thịt và bán lấy tiền. Hậu trường lễ hội biến thành “chợ” bán thịt trâu với những cuộc ngã giá đắt rẻ, mua may mắn.

Sự biến tướng lễ hội do đâu mà ra? Phải chăng do lãnh đạo địa phương không hiểu được bản chất của lễ hội, vì thế mà họ đã dễ dãi cho tổ chức các hoạt động trá hình lễ hội chọi trâu truyền thống nhằm lôi kéo đám đông, thu hút khách du lịch?

Thực tế, sự biến tướng của chọi trâu Đồ Sơn đã được các nhà nghiên cứu văn hóa cảnh báo hơn chục năm nay. Những tiêu cực, tai họa, hệ lụy như một điều tất yếu, trước sau sẽ xảy ra.

Một lễ hội chọi trâu truyền thống phải có sinh hoạt tâm linh, phải tái hiện được ý nghĩa sự tích chứ không phải chỉ là đem trâu ra chọi để kích thích tính hiếu kỳ. Theo thiển ý của người viết, nếu lễ hội chỉ còn sự kinh doanh và hiếu kỳ thì nên bỏ, đừng biến lễ hội chọi trâu thành…mổ trâu!

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả!

http://www.nguoiduatin.vn/le-hoi-choi-trau-hay-mo-trau--a340643.html

Ngày đăng: 14:55 | 29/09/2017

/ Ngân Giang/nguoiduatin.vn