Khi những chính sách cho giáo viên quá tệ thì chúng ta không có quyền đòi hỏi có những con người giỏi đi theo ngành sư phạm
Mùa tuyển sinh 2017, ngành sư phạm có lẽ ngành học làm xã hội “dậy sóng” bởi điểm chuẩn đầu vào các trường quá thấp, trung bình mỗi môn 3 điểm cũng đậu, trong khi đó, nhiều ngành, nhiều trường tổng 30 điểm vẫn rớt.
Trong “làn sóng” ái ngại cho ngành sư phạm, nổi bật lên đó là nỗi lo lắng của phụ huynh khi cho rằng, những học sinh thi đại học đạt “3 điểm” kia sẽ dạy học con mình như thế nào. Tại sao chúng ta không nhìn lại, tự đặt câu hỏi cho mình, bấy lâu nay, chúng ta đã đối xử với những người theo nghề giáo như thế nào?
Hồi học phổ thông, chúng tôi học lớp chọn, tức lớp tập hợp những học sinh giỏi của trung học cơ sở chuyển lên với điểm đầu vào kỳ thi chuyển cấp đạt loại khá. Thi đại học, bạn nữ học giỏi nhất lớp tôi ngày đó đã chọn thi vào sư phạm Toán của Đại học Quy Nhơn cùng với 5 bạn khác, lần lượt ở các sư phạm Hóa, Sinh, Văn, Địa lý.
Sau 4 năm đại học, chúng tôi ra trường, lao đi tìm việc. Hầu hết chúng tôi đều có việc, trừ những bạn học sư phạm. Một vài bạn chọn học lên thạc sĩ, một bạn gia đình vốn khá giả nên đã “chạy” cho bạn được một suất dạy hợp đồng, một vài bạn Nam tiến vào TPHCM, làm đủ các nghề và chẳng liên quan gì đến ngành học.
Đến giờ, sau 6 năm ra trường, tất cả những người bạn học sư phạm của lớp tôi ngày đó, cuộc sống vẫn còn bấp bênh. Trong khi đó, các bạn là những người học giỏi nhất lớp tôi ngày ấy.
Không chỉ khó xin việc, lâu nay, chúng ta nói nhiều về tình trạng đồng lương giáo viên, sống tằn tiện suốt đời. Chúng ta nói về cấm dạy thêm, chúng ta loan báo những vụ xử lý thầy cô dạy thêm trên báo chí. Chúng ta thấy những bất hợp lý trong cách tuyển sinh, đào tạo giáo viên hiện nay… Sau tất cả những bất cập hiện hữu hàng chục năm qua không được giải quyết, chúng ta lại yêu cầu có những giáo viên xuất sắc, ngành sư phạm lấy điểm cao để chọn được học sinh giỏi đầu vào nhưng chúng ta quên rằng, hơn ai hết, người giỏi cần được trả công xứng đáng.
Vậy với cách đối xử với giáo viên bấy lâu nay, nền giáo dục của chúng ta có xứng đáng để nhận được những con người tài giỏi không? Hay chính chúng ta phải mang ơn những người còn chọn ngành sư phạm để theo học? Còn nếu sau này, con cái chúng ta có gặp những thầy cô trình độ thấp, nghiệp vụ sư phạm kém, âu đó là cái giá mà chúng ta phải trả.
Khi kết thúc bài viết này, trong đầu tôi hiện lên hình ảnh cô giáo vùng cao bị ngã xe trên con đường rừng trơn ướt để vào lớp. Tôi muốn xin lỗi cô vì chúng tôi đã nhường cho cô công việc khó khăn ấy!
Ngày đăng: 22:21 | 17/08/2017
/ Khánh Ninh/Laodong