Washington đang tìm những nguồn cung đất hiếm mới, đề phòng nguy cơ thiếu hụt nguyên liệu sản xuất vũ khí quan trọng do căng thẳng với Bắc Kinh.
Một nhà máy chế biến đất hiếm ở Malaysia hồi năm 2014. Ảnh: Reuters.
Quan chức Lầu Năm Góc tuần trước cho biết quân đội Mỹ đang đàm phán với một công ty của Malawi và nhiều tập đoàn khai mỏ trên thế giới để tìm nguồn cung đất hiếm. Đây là một phần kế hoạch đa dạng hóa nguồn cung đất hiếm của Mỹ, vốn đang phụ thuộc chủ yếu vào Trung Quốc.
Theo dữ liệu của Cục Khảo sát Địa chất Mỹ, Trung Quốc đang sở hữu hai phần ba trữ lượng đất hiếm trên thế giới, kiểm soát toàn bộ quá trình khai thác và chế biến. Trung Quốc cũng là nhà cung cấp đất hiếm lớn nhất cho Mỹ, chiếm 80% tổng lượng đất hiếm nhập khẩu của Washington.
"Chúng tôi đang tìm kiếm các công ty ngoài Trung Quốc để đa dạng hoá nguồn cung đất hiếm", Jason Nie, kỹ sư thuộc Cơ quan Hậu cần Lầu Năm Góc (DLA), cho biết. Một số công ty của châu Phi được kỳ vọng vọng sẽ trở thành nhà cung cấp đất hiếm cho quân đội Mỹ trong tương lai.
Lầu Năm Góc từng nhiều lần bày tỏ quan ngại về sự phụ thuộc về đất hiếm của Washington vào Bắc Kinh và khuyến khích các tập đoàn quốc phòng Mỹ sử dụng khoáng vật khai thác trong nước, nhưng điều này được đánh giá là không khả thi.
Đất hiếm là nhóm 17 nguyên tố hóa học dùng để sản xuất các linh kiện quan trọng của nhiều sản phẩm như điện thoại thông minh, tivi, máy ảnh, bóng đèn, xe điện và các loại vũ khí công nghệ cao.
Căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc làm dấy lên lo ngại Bắc Kinh có thể sử dụng vị trí thống trị trong thị trường đất hiếm làm đòn bẩy trong cuộc chiến thương mại giữa hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới. Tuy Trung Quốc không nói rõ sẽ hạn chế bán đất hiếm cho Mỹ, truyền thông nước này ngụ ý khả năng này rất có thể xảy ra.
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang thu hút sự quan tâm lớn của dư luận toàn cầu và được coi là một phần trong cuộc cạnh tranh địa chính trị giữa hai siêu cường. Mâu thuẫn giữa hai nước tăng nhiệt kể từ khi Trump tăng thuế 25% với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc và dọa áp thuế với 300 tỷ USD hàng hóa còn lại.
Trung Quốc đáp trả bằng cách tăng thuế với 60 tỷ USD hàng hóa Mỹ, khiến cuộc chiến thương mại leo thang và lan sang các lĩnh vực khác. Chính quyền Mỹ đã liên tiếp "tung đòn" đối với Huawei do lo ngại về an ninh, khiến tập đoàn công nghệ hàng đầu Trung Quốc rơi vào cảnh bị cô lập. Nhiều chuyên gia tỏ ra lo ngại về nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu nếu cuộc chiến thương mại này kéo dài.
Lã Linh (Theo Reuters)
Cách Trung Quốc vượt Mỹ để thống trị ngành công nghiệp đất hiếm
Trung Quốc coi đất hiếm là tài nguyên chiến lược từ gần 30 năm trước và hiện chiếm 70% sản xuất toàn cầu. |
Giá đất hiếm Trung Quốc tăng kỷ lục vì chiến tranh thương mại
Do ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại, giá đất hiếm ở Trung Quốc đang tăng lên mức cao nhất trong vài năm gần đây. |
Đề phòng Trung Quốc, Mỹ tìm đất hiếm ở châu Phi
Lo ngại Trung Quốc hạn chế xuất khẩu đất hiếm, Mỹ đang tìm kiếm các nguồn cung cấp thay thế khác ở khu vực châu ... |
Ngày đăng: 16:44 | 12/06/2019
/