Theo RT, quân đội Mỹ đã triển khai thêm các đơn vị mới tới Djibouti nhằm sẵn sàng cho việc sơ tán các cơ quan đại diện tại Sudan.

Quân đội Mỹ đã triển khai thêm binh lính và thiết bị tới châu Phi để chuẩn bị cho kế hoạch sơ tán các cơ quan đại diện của nước này ở Sudan. Thông tin này được đưa ra trong bối cảnh giao tranh quân đội Sudan và Lực lượng bán quân sự hỗ trợ nhanh (RSF) ngày càng ác liệt.

Cũng theo RT, quân đội Mỹ đã bổ sung thêm các đơn vị mới đến căn cứ Lemonnier ở Djibouti.

Còn AP dẫn nguồn tin riêng cho biết, nhiều khả năng Đại sứ quán Mỹ tại Khartoum sẽ được sơ tán trong thời gian tới. Đại sứ quán Mỹ tại Sudan hiện có khoảng 70 nhân viên.

sudan-15070721
Lầu Năm Góc sẽ thực hiện việc sơ tán các cơ quan đại diện của Mỹ ở Sudan nếu tình hình bạo lực tiếp tục leo thang. (Ảnh: AP)

Trong một tuyên bố ngày 20/4 (theo giờ địa phương), Lầu Năm Góc cho biết họ đang tính tới các khả năng dựa trên tình hình an ninh trong khu vực, một kế hoạch đã được đưa ra nếu xảy ra tình huống bất ngờ. Tuy nhiên Lầu Năm Góc không nói rõ kế hoạch đó là gì.

Trong khi đó người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby cho biết Tổng thống Joe Biden đã “ủy quyền cho Lầu Năm Góc thực hiện các biện pháp cần thiết” để đảm bảo không bị động trong tình huống bất ngờ, dù vậy quyết định rút nhân viên ngoại giao Mỹ ở Sudan vẫn chưa được đưa ra.

Theo Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, kế hoạch sơ tán đã được tiến hành ngay từ ngày 17/4, khi một đoàn xe của Đại sứ quán Mỹ bị các tay súng phiến quân tấn công. Ông lưu ý rằng không có người Mỹ nào thương vong trong vụ tấn công.

Nhiệm vụ sơ tán sẽ tiềm ẩn rủi ro, vì sân bay ở Khartoum không hoạt động và một số con đường ra khỏi thành phố nằm dưới sự kiểm soát của RSF. Nếu không xác định được khu vực hạ cánh an toàn, những người sơ tán có thể buộc phải lái xe 12 giờ tới cảng Sudan trên biển Đỏ, cách thủ đô Khartoum hơn 800km, nguồn tin của AP cho biết.

Tình hình an ninh ở Sudan đã nhanh chóng xấu đi trong những ngày gần đây, với các cuộc giao tranh giữa quân đội chính phủ Sudan và RSF.

RSF đã đóng một vai trò quan trọng trong việc lật đổ Tổng thống Sudan Omar al-Bashir vào năm 2019, người đã nắm quyền trong suốt 30 năm ở quốc gia châu Phi này. Một thỏa thuận chia sẻ quyền lực sau đó đã được ký kết giữa quân đội Sudan và RSF, trong đó có các thỏa thuận cho phép RSF chính thức hợp nhất với các lực lượng vũ trang Sudan.

Tuy nhiên, RSF sau đó đã chống lại việc sáp nhập với quân đội Sudan khi các bên không tìm ra được ai sẽ đứng đầu các lực lượng vũ trang Sudan.

Theo Bộ Y tế Sudan, ít nhất 270 người đã thiệt mạng và hơn 2.600 người bị thương kể từ khi các cuộc giao tranh cho đến nay.

Mặc dù các bên tham chiến đã đồng ý với một thỏa thuận ngừng bắn vào ngày 18/4 nhưng bạo lực vẫn không giảm, với các cuộc đụng độ mới được báo cáo chỉ vài giờ sau khi thỏa thuận ngừng bắn được công bố.

Ngày đăng: 15:38 | 21/04/2023

Trà Khánh / VTC News