Trung Quốc lợi dụng thị trường tiêu dùng khổng lồ đông dân nhất thế giới của mình để không từ một thủ đoạn, chiêu trò nào nhằm gây sức ép lên các thương hiệu nước ngoài, buộc họ phải lùi bước, chấp nhận đưa bản đồ có hình “đường lưỡi bò” phi pháp vào các website cũng như sản phẩm bán ở Trung Quốc cũng như trên thế giới.
Hình ảnh đường lưỡi bò được Trung Quốc lồng ghép trong phim Everest - Người tuyết bé nhỏ |
Dùng đủ mọi cách để gây sức ép dùng bản đồ phi pháp
Theo các hãng thông tấn lớn của thế giới, một nhãn hiệu thời trang của Thụy Điển đã đồng ý thay đổi bản đồ Trung Quốc trên trang mạng của hãng sau khi bị Trung Quốc chỉ trích. Theo hãng tin Mỹ AP, giới chức Trung Quốc cho rằng người dùng mạng internet đã báo cáo về điều gọi là “bản đồ có vấn đề” trên website của nhãn hàng thời trang Thụy Điển và yêu cầu công ty này nhanh chóng sửa chữa. Thông báo trên mạng xã hội sau đó, nhãn hàng thời trang cho biết, công ty đã “sửa đổi sớm nhất có thể sau yêu cầu từ phía cơ quan chức năng Trung Quốc”.
Các thông báo của Trung Quốc lẫn phản hồi từ nhãn hàng thời trang Thụy Điển đều không nêu cụ thể “bản đồ có vấn đề” ở điểm nào. Tuy nhiên, truyền thông quốc tế cho biết, các nhãn hàng nước ngoài thường xuyên bị yêu cầu đăng bản đồ bao gồm các khu vực mà nền kinh tế thứ hai thế giới, đồng thời là thị trường lớn nhất thế giới với số dân gần 1,4 tỷ người này đơn phương tuyên bố chủ quyền, như các khu vực tranh chấp biên giới giữa Trung Quốc với Ấn Độ, “đường lưỡi bò” phi pháp trên Biển Đông…
Cùng với nhãn hàng thời trang của Thụy Điển, nhiều thương hiệu đình đám khác của các “ông lớn” trong ngành thời trang nổi tiếng thế giới của Đức, Mỹ, Nhật Bản… cũng bị giới chức cùng truyền thông Trung Quốc cho “dính đòn” tương tự. Thậm chí, xuất hiện những lời lẽ kích động, cổ súy cho việc kêu gọi “tẩy chay” sản phẩm của các nhãn hàng nổi tiếng thế giới bán tại Trung Quốc.
Rất nhiều nhãn hàng, công ty lớn của thế giới trên website phiên bản tiếng Trung Quốc đều đã bị gây sức ép để sử dụng bản đồ online Trung Quốc có “đường lưỡi bò”. Theo đó, trên website phiên bản tiếng Trung của các thương hiệu lớn thế giới, phần bản đồ hiển thị định vị cửa hàng được để ngay đầu trang là bản đồ Trung Quốc có hình “đường lưỡi bò”. Thậm chí, phần bản đồ khu vực Đông Á và Đông Nam Á cũng thấy xuất hiện của “đường lưỡi bò” phi pháp.
Và không chỉ các nhãn hàng thời trang nổi tiếng thế giới mang tính bình dân, trên website phiên bản tiếng Trung Quốc của các hãng thời trang hạng sang, cao cấp cũng xuất hiện tình trạng tương tự. Hơn thế, một loạt thương hiệu ô tô nổi tiếng thế giới cũng phải sử dụng các bản đồ có “đường lưỡi bò” phi pháp trên website phục vụ thị trường Trung Quốc. Trước đó, hãng thời trang Christian Dior nổi tiếng vào năm 2019 từng lên bị buộc phải xin lỗi sau khi sử dụng bản đồ Trung Quốc không bao gồm vùng lãnh thổ Đài Loan.
Điểm chung trong website của các thương hiệu danh tiếng toàn cầu phải sử dụng bản đồ có hình “đường lưỡi bò” phi pháp là đều sử dụng bản đồ Baidu Maps, một sản phẩm do doanh nghiệp Trung Quốc phát triển dành riêng cho thị trường Trung Quốc. Trong khi đó, hầu hết website các quốc gia còn lại trên thế giới đều dùng bản đồ của Google Maps. Nhưng Google Maps bị chặn tại Trung Quốc nên nhiều thương hiệu toàn cầu có mặt tại Trung Quốc đều bị gây áp lực để buộc phải sử dụng Baidu Maps có bản đồ hình “đường lưỡi bò” phi pháp.
“Vạch mặt chỉ tên” đòn gây áp lực thâm hiểm
“Đường lưỡi bò” (hay còn gọi là “đường lưỡi bò chín đoạn”, “đường chữ U”…) dùng để chỉ yêu sách đòi chủ quyền phi pháp và phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông. Khái niệm này xuất hiện trước đó nhưng chính thức được dùng sau khi Trung Quốc công bố yêu sách “đường lưỡi bò” để đòi chủ quyền đối với khoảng 80% diện tích Biển Đông. Yêu sách chủ quyền của Trung Quốc sau này với Biển Đông còn lớn trong cái gọi là thuyết “Tứ Sa” đưa ra sau đó.
Theo yêu cách “đường lưỡi bò” hay thuyết “Tứ Sa”, Trung Quốc đòi chủ quyền đối với phần lớn diện tích Biển Đông, bao gồm bốn nhóm quần đảo (trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam), nhiều bãi ngầm có diện tích rộng lớn và phong phú nguồn tài nguyên thiên nhiên, hải sản khác. Diện tích mà Trung Quốc đòi chủ quyền ở Biển Đông nằm trong các vùng biển đảo thuộc chủ quyền của các quốc gia khác nằm quanh Biển Đông như Brunei, Philippines, Malaysia, Indonesia và Việt Nam, trong đó Việt Nam có chủ quyền hợp pháp và không thể tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như vùng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế có những bãi ngầm ở Biển Đông.
Ngay từ khi Trung Quốc chính thức công bố yêu sách “đường lưỡi bò” và thuyết “Tứ Sa” đòi chủ quyền với khoảng 80% diện tích Biển Đông đã bị các quốc gia khu vực, cộng đồng quốc tế lên án, chỉ trích mạnh mẽ. Việt Nam đã chứng minh và khẳng định chủ quyền hợp pháp, không thể bác bỏ và tranh cãi của mình ở Biển Đông.
Tòa Trọng tài thường trực quốc tế (PCA) trong phán quyết đưa ra ngày 12-7-2016 đối với vụ kiện Trung Quốc của Philippines đã tuyên bố bác bỏ việc đòi chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông theo yêu sách “đường lưỡi bò”. PCA dựa trên luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), khẳng định, khái niệm Trung Quốc - một thành viên của UNCLOS - tự đưa ra để tuyên bố quyền lịch sử đối với gần như toàn bộ Biển Đông là trái ngược hoàn toàn với luật quốc tế hiện hành.
Cộng đồng quốc tế, trong đó có những cường quốc khác đã chính thức lên tiếng bác bỏ yêu sách đòi chủ quyền ở Biển Đông theo yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trong tuyên bố đưa ra ngày 14-7-2020 đã lần đầu tiên khẳng định lập trường chính thức của Mỹ là “các tuyên bố của Bắc Kinh đối với tài nguyên ngoài khơi trên hầu hết Biển Đông là hoàn toàn bất hợp pháp”. Dưới chính quyền Joe Biden, Ngoại trưởng Antony Blinken cũng đã tuyên bố bác bỏ các yêu sách phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông, khẳng định sẽ sát cánh cùng với các nước Đông Nam Á chống lại sức ép của Bắc Kinh.
Bất hợp pháp và bị cộng đồng quốc tế bác bỏ, song Trung Quốc vẫn dùng mọi thủ đoạn để áp đặt yêu sách “đường lưỡi bò”. Bên cạnh việc quân sự hóa, dùng sức mạnh hung hăng, gây hấn để hiện thực hóa yêu cách đòi chủ quyền phi pháp ở Biển Đông, Trung Quốc đã tìm mọi cách để hợp thức hóa yêu sách đòi chủ quyền ở Biển Đông đã bị bác bỏ theo luật pháp quốc tế, trong đó đã lợi dụng là thị trường đông dân nhất thế giới để ép buộc các công ty, tập đoàn, nhãn hàng thế giới phải lùi bước nếu còn muốn tiếp tục làm ăn tại thị trường nước này. Đòn gây áp lực thâm hiểm này của Trung Quốc vì thế cần phải “vạch mặt chỉ tên” và lên án mạnh mẽ.
4 doanh nghiệp treo bản đồ đường lưỡi bò: Vô tình hay hữu ý?
Hiện nay, người Việt rất có ý thức về chủ quyền biển đảo, đặc biệt là với hai quần đào Hoàng Sa- Trường Sa và ... |
Phát tán tài liệu in "đường lưỡi bò", CEO Bayer Việt Nam bị mời làm việc
Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM vừa gửi giấy mời CEO Bayer Việt Nam đến làm việc liên quan đến việc phát tán tài ... |
Việt Nam phản ứng việc Trung Quốc đăng ‘đường 9 đoạn’ trên Facebook Đại sứ quán
Việt Nam không công nhận bất kỳ yêu sách biển nào của Trung Quốc dựa trên cái gọi là “đường 9 đoạn” tại Biển Đông. |
Mạng xã hội Trung Quốc Wechat lại đưa "đường lưỡi bò" phi pháp vào Việt Nam
Wechat - ứng dụng nhắn tin, truyền thông xã hội và thanh toán di động đa năng của Trung Quốc tiếp tục đưa hình ảnh ... |
Ngày đăng: 11:09 | 06/04/2021
/ anninhthudo.vn