Đầu tháng 7-2022, Ruja Ignatova - người đồng sáng lập tiền điện tử Onecoin (vốn được mệnh danh là “Nữ hoàng tiền ảo”) - đã bị ghi tên vào danh sách 10 tội phạm truy nã gắt gao nhất của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI). Đây là tác giả của một trong những vụ lừa đảo tiền ảo tàn khốc nhất trong lịch sử.

tien-ao-1311
“Nữ hoàng tiền ảo” Ruja Ignatova đã bỏ trốn trước khi bị nhà chức trách “sờ gáy”

Phất lên nhanh chóng

Được tờ New York Times đánh giá là “một trong những vụ lừa đảo lớn nhất trong lịch sử”, OneCoin về cơ bản là một âm mưu lừa đảo kiểu Ponzi - nghĩa là vay tiền của người sau để trả cho nhà đầu tư trước theo mô hình kim tự tháp. Ra mắt vào năm 2014, các tài liệu quảng cáo cho rằng, đây là loại tiền điện tử lớn tiếp theo và “tốt hơn Bitcoin”. Ở thời kỳ đỉnh cao, nó đã có hơn 3 triệu thành viên ở 175 quốc gia, mang lại từ 4 tỷ đến 19 tỷ USD cho “Nữ hoàng tiền ảo” cùng các đồng phạm khác trong vòng 2 đến 3 năm.

Chủ mưu của vụ lừa đảo là Ruja Ignatova, một công dân Đức sinh tháng 5-1980 tại Bulgaria, tốt nghiệp Tiến sĩ Luật Quốc tế tại Đại học Konstanz năm 2006. Cô ta đã ra mắt OneCoin cùng với 2 nhân vật chủ chốt khác là anh trai Konstantin Ignatov và Sebastian Greenwood. Trong đó, Ruja Ignatov biết Greenwood từ “BigCoin” - một phiên bản giai đoạn đầu của dự án OneCoin.

OneCoin từng là loại tiền điện tử lớn thứ hai tính theo vốn hóa thị trường, sau Bitcoin. Công việc kinh doanh của Ruja thành công bởi đánh trúng điểm yếu của mọi người, đó là tham vọng làm giàu nhanh và thiếu hiểu biết về bản chất của tiền ảo. Thời điểm đó, Bitcoin được giao dịch ở mức 500 USD. Vì vậy, tin đồn về OneCoin với cơ hội làm giàu nhanh dành cho những người đã bỏ lỡ sự bùng nổ của Bitcoin (từ 0 đến hơn 500 USD) trở nên quá hấp dẫn để bỏ qua.

Vào tháng 10-2017, Ruja Ignatova đã không xuất hiện trong một hội nghị quảng bá OneCoin ở Lisbon (Bồ Đào Nha). Lúc đó, có lo ngại rằng cô ta đã bị địch thủ giết hại hoặc bắt cóc. Các tài liệu của tòa án tiết lộ rằng, 2 tuần sau sự kiện ở Lisbon, Ruja đã lên chuyến bay từ Sofia (Bulgaria) đến Athens (Hy Lạp). Và từ đó, “Nữ hoàng tiền ảo” biến mất, đến lượt anh trai cô ta tiếp quản. Vào tháng 1-2018, các nhà chức trách Bulgaria đã đột kích trụ sở của OneCoin ở Sofia theo yêu cầu của các công tố viên Đức, nhưng trang web lừa đảo vẫn tiếp tục hoạt động. Mọi chuyện chỉ dừng lại sau khi Konstantin Ignatov bị bắt vào tháng 3-2019 tại Los Angeles (Mỹ). Trang web OneCoin đã bị đóng cửa vào tháng 12-2019.

Bí quyết thổi phồng

OneCoin làm thế nào để tạo ra quy mô lừa đảo lớn như vậy? Bí quyết nằm ở việc triển khai các buổi ra mắt cùng thông điệp hấp dẫn. Ruja đã thuyết phục mọi người ở 175 quốc gia mua gói tài liệu và tiền mã hóa OneCoin xoay quanh thông điệp: “Đây là một cuộc cách mạng về tiền kỹ thuật số với giao dịch an toàn, dễ sử dụng, giá rẻ và tiết kiệm thời gian… Người mua có thể khai thác OneCoin, tung ra thị trường và cách mạng hóa thanh toán toàn cầu”.

Trên thực tế, OneCoin không có giá trị gì cả. Nó được tuyên bố là một loại tiền điện tử, nhưng lại không được hỗ trợ bởi công nghệ blockchain (công nghệ công khai, bảo mật và phi tập trung, tạo ra môi trường tiền điện tử chính xác và công bằng). Nó đã sử dụng cách tiếp thị đa cấp để khuyến khích mọi người bán hàng cho bạn bè và gia đình. Mặc dù đồng tiền có giá trị nội bộ danh nghĩa trên trang OneCoin, nhưng người dùng không thể rút và chỉ có thể chuyển tiền của họ với số lượng hạn chế trong hệ thống kín.

Vì thế, nó không thể giao dịch trên các sàn giao dịch tiền điện tử hay mua bán bất cứ thứ gì. Những cảnh báo về việc OneCoin là một trò lừa đảo đã phổ biến từ trước khi nó sụp đổ. Một số ngân hàng trung ương đã cảnh báo không nên đầu tư vào nó, chẳng hạn như Ngân hàng quốc gia Croatia vào năm 2017 và các ngân hàng trung ương của Latvia, Thụy Điển, Na Uy vào năm 2016. Năm 2017, Cơ quan Giám sát tài chính liên bang Đức cũng ngừng và hủy bỏ đơn đặt hàng trên OneCoin.

Tuy nhiên, không nên đổ lỗi cho những nhà đầu tư ngây thơ và vô tội. Hẳn rất khó cưỡng lại một nhà sáng lập có học vị tiến sĩ với tài hùng biện từng phát biểu trước hơn 90.000 người tại sân vận động Wembley Arena vào tháng 6-2016 khi hứa hẹn những lời đảm bảo “trên trời dưới đất”.

Tiến sĩ Ignatova thậm chí còn xuất hiện trên trang bìa của Forbes phiên bản tiếng Bulgaria. Vị nữ tiến sĩ này được nhìn thấy lần cuối ở Athens vào tháng 10-2017. Sau đó, đã có nhiều thông tin về sự xuất hiện của người phụ nữ này ở Dubai, Thái Lan và các nơi khác, nhưng khó xác minh. Vào tháng 5-2022, “Nữ hoàng tiền ảo” bị Europol đưa vào danh sách bị truy nã gắt gao.

Trước đó, năm 2019, Mỹ đã cáo buộc Ruja Ignatova tội gian lận chuyển tiền, rửa tiền và gian lận chứng khoán. Đến tháng 7-2022, cô ta nằm trong số 10 đối tượng bị FBI truy nã gắt gao nhất. FBI cũng treo thưởng 100.000 USD cho tin tức về người phụ nữ này. Có tin đồn Ruja Ignatova có thể “mai danh ẩn tích” được là nhờ phẫu thuật thẩm mỹ.

tien-ao-3-8807
Tiến sĩ Ruja Ignatova từng phát biểu trước 9.000 người trong sự kiện quảng bá hoành tráng ở London

Năm 2018, Sebastian Greenwood - người đồng sáng lập OneCoin - đã bị bắt giữ ở Thái Lan và bị dẫn độ sang Mỹ, nơi anh ta vẫn ở trong tù chờ xét xử. Năm 2021, anh ta bị phát hiện đã chuyển 20 triệu USD từ một chiếc điện thoại bị sử dụng trái phép. Còn Konstantin Ignatov - anh trai của Tiến sĩ Ruja đã nhận tội và tiết lộ rằng cô em gái lo sợ bị nhà chức trách Mỹ điều tra nên đã bỏ trốn. Anh ta hiện đang được đưa vào chương trình bảo vệ nhân chứng.

Bài học rút ra

Có nhiều bài học được rút ra từ sự trỗi dậy và sụp đổ của OneCoin. Thứ nhất, trước khi thực hiện bất kỳ khoản đầu tư tài chính nào hãy nghiên cứu ít nhất về đội ngũ đứng đầu của nó. Ignatova đã bị buộc tội gian lận ở Đức vào đầu năm 2015. Các nhà chức trách ở nhiều quốc gia bắt đầu nghi ngờ tính hợp pháp của dự án. Một tìm kiếm đơn giản trên internet có thể đưa ra thông tin và ngăn hàng triệu người trở thành nạn nhân. Thứ hai, tiền điện tử không thể là một hệ thống khép kín. Nhà đầu tư không tin tưởng vào các đồng tiền chỉ hoạt động trên sàn giao dịch của riêng mình và không được liệt kê trên các sàn giao dịch lớn khác. OneCoin đã che giấu sự thật về bản chất gian lận của mình bằng cách chỉ giao dịch trên sàn giao dịch riêng.

Bên cạnh đó, OneCoin giống như một “giáo phái” khiến khách hàng của nó chỉ tin vào những tin tức tốt lành về dự án. Bất kỳ thông tin hoặc tiếng nói phê bình nào từ bên ngoài các nhóm này đều bị dán nhãn là “kẻ thù” và bị loại bỏ. Có thể lấy ví dụ về trải nghiệm của một phụ nữ Scotland tên là Jen McAdam. Ngay khi tham gia một hội thảo trên web của OneCoin, bà đã bị “đổ” ngay bởi phong cách “rất nhanh, đầy đam mê” của những người thuyết trình.

Sau đó, Jen McAdam đầu tư 10.000 euro của mình và thuyết phục bạn bè, gia đình đầu tư 250.000 euro để mua đồng tiền ảo này. Tuy nhiên, một vài tháng sau, Jen nhận được tin nhắn từ Tim Curry, một người đam mê Bitcoin chỉ cho các hoạt động lừa đảo của OneCoin. Jen bắt đầu nghi ngờ và tìm hiểu thì biết rằng OneCoin không sử dụng công nghệ blockchain, tất cả đều dựa trên một máy chủ. Bà nhớ lại: “Bạn được bảo là đừng tin bất cứ điều gì từ thế giới bên ngoài. Họ gọi những người chơi Bitcoin là những kẻ “ghét bỏ”. Ngay cả Google - “Đừng nghe lời Google. Nếu bạn có bất kỳ nghi ngờ tiêu cực nào, bạn không nên ở trong nhóm này”. Với bài học này, tốt nhất là nên chú ý đến các bài điều tra, nhận xét từ những người am hiểu về lĩnh vực này.

Cuối cùng, đừng đầu tư nhiều hơn số tiền bạn có thể cân đối được. Luôn tỉnh táo nhắc nhở mình rằng, bất kỳ gợi ý nào hứa hẹn lợi nhuận bất thường trong thời gian ngắn rất có thể là lừa đảo.

OneCoin từng là loại tiền điện tử lớn thứ hai tính theo vốn hóa thị trường, sau Bitcoin. Nó đánh trúng điểm yếu của mọi người, đó là tham vọng làm giàu nhanh và thiếu hiểu biết về bản chất của tiền ảo. Thời điểm đó, Bitcoin được giao dịch ở mức 500 USD. Vì vậy, tin đồn về OneCoin với cơ hội làm giàu nhanh dành cho những người đã bỏ lỡ sự bùng nổ của Bitcoin (từ 0 đến hơn 500 USD) quá hấp dẫn để bỏ qua.

Ngày đăng: 08:59 | 24/07/2022

Yến Chi / ANTĐ