Nếu được cơ quan chức năng thẩm vấn, nhà nghỉ nên thẳng thắn cung cấp thông tin, tránh hàm oan người vô tội chỉ vì sự lập lờ từ cái tên gọi của chính mình.
Gửi “Nhà nghỉ” bình dân,
Nhiều đồng nghiệp của tôi từng tranh luận “nổ đĩa” xung quanh tên gọi hết sức dịu dàng “Nhà nghỉ”. Cánh trẻ nhất mực cho rằng, chả có gì phải căng, tốn nơ-ron thần kinh. Đó là nơi nghỉ trưa lý tưởng của dân công sở sau 4 tiếng làm việc cật lực buổi sáng. Vô đó, xả hơi, chia sẻ với tri kỷ, nạp năng lượng để làm việc xuất sắc 4 tiếng buổi chiều. Phải hoan nghênh mới đúng!
Một số người khác gân cổ bảo: Vào nhà nghỉ, ai trong số các anh chị được nghỉ thực sự theo đúng nghĩa, giơ tay tôi xem. Mọi con mắt nhìn nhau, không cánh tay nào giơ lên, cứ như “nó hỏi cả làng, trừ mình”. Sau hồi lặng im, tất cả “uồi, đúng, nhưng… quá khó để phân định”.
Một “cụ”, dân ngôn ngữ chính hiệu, lắc đầu: Từ ngữ phong phú, đa dạng lắm. Nhất là khi nó được “thị trường hóa”. Hơn 30 năm miệt mài với con chữ, nhưng nói thật, tranh cãi kiểu này, tôi cũng chào thua. Nhất là khi nó được “thị trường hóa”. Nơi đó, đáng ra là chỗ nghỉ ngơi, giải phóng năng lượng, nhưng người ta (ý nói một số khách đến nghỉ), đã làm méo mó, sai lệch công năng của nó. Ở góc độ nào đó, đôi khi, biến nơi “nghỉ” thành địa chỉ mang ý nghĩa tiêu cực, thiếu trong sáng.
Hình minh họa.
Tôi thì khác. Tôi cho rằng, nói vậy có phần oan cho nhà nghỉ. Mục đích cho mọi người đến mà “nghỉ mệt”, hoặc tá túc khi lỡ độ đường. Chỉ tại mấy anh chị vô đó mà chẳng chịu nghỉ nên mới thành đàm tiếu.
Chưa kể, gần đây, nhà nghỉ còn là nơi “tâm sự” của lãnh đạo với nhân viên; Thành “bệnh xá” bất đắc dĩ khi ông sếp nọ bất ngờ đau bụng táp vào rồi kêu nữ đồng nghiệp mang thuốc đến chữa trị.
Gần đây nhất, địa chỉ ấy còn mang tính nhân văn, kiểu “lá lành đùm lá rách”, nghe “xúc động” thấu tâm can, cô giáo mầm non ở Cà Mau vào nhà nghỉ cùng Trưởng phòng giáo dục để… “mượn tiền”! Khi bị phát hiện, ông Trưởng phòng bảo, tranh thủ ngày Chủ nhật, ông đi khám bệnh và thuê phòng nghỉ trưa để chờ nhận thuốc.
Cô giáo cũng nói, cô đi khám bệnh nhưng bác sĩ ra toa thuốc đắt tiền nên thiếu tiền trả. Biết cấp trên đang ở gần, cô vào nhà nghỉ mượn tiền (mà lạ nhỉ, sao cả hai lại cùng đi khám bệnh 1 ngày để rồi nhỡ nhàng, vay mượn, gây nghi ngờ trong dư luận?). Đến nỗi, địa phương lại phải thành lập tổ kiểm tra để làm rõ thông tin sự việc.
Cũng ở Cà Mau, vì quá sốt sắng với công việc, 1 vị Chủ tịch UBND xã vừa bị đề nghị cảnh cáo vì tiếp công dân không đúng nơi quy định là... nhà nghỉ. Giải trình về vụ việc, ông Chủ tịch xã cho biết, do nhậu nhiều rượu bia, đau bụng nên tấp vào nhà nghỉ “giải quyết”.
Sau đó, có một phụ nữ cùng xã gọi điện thoại nhờ ông giải quyết việc thuê mướn đất. Cô này sau đó đã tới nhà nghỉ gặp ông. Câu chuyện chỉ có thế hay đi xa hơn, vị lãnh đạo xử lý công việc sai chỗ hay có gì mờ ám sau đó, cơ quan chức năng địa phương vẫn đang tìm hiểu. Tuy nhiên, trong chuyện này và những vụ “tâm sự”, “chữa bệnh” “làm việc”… không đúng chỗ, có lẽ, nhân chứng quan trọng nhất lại chỉ là nhà nghỉ.
Đã đến lúc, để “trả lại sự trong sạch cho cán bộ”, cần dùng mọi biện pháp nghiệp vụ, tìm hiểu cặn kẽ, chuẩn xác, quyết tìm ra sự thật đằng sau 4 bức tường nhà nghỉ là gì.
Vậy nên, nếu được cơ quan chức năng thẩm vấn, nhà nghỉ nên thẳng thắn cung cấp thông tin, tránh hàm oan người vô tội chỉ vì sự lập lờ từ cái tên gọi của chính mình.
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả
1001 lý do vào nhà nghỉ của cán bộ, chết cười
Mới đây nhất, nữ phó phòng ở Quảng Trị bị bắt quả tang trong nhà nghỉ, nhưng người này nêu lý do: vào gặp bạn ... |
Bí thư huyện và nữ cán bộ vào nhà nghỉ cần \'rút kinh nghiệm, không tái phạm\'
- Thông cáo báo chí của UBKT Tỉnh ủy Đắk Lắk cho biết, chưa đủ cơ sở kết luận Bí thư Huyện ủy vào nhà ... |
Ngày đăng: 11:02 | 09/08/2018
/ http://www.nguoiduatin.vn