Liên tục trong những ngày đầu tháng 9 đến nay, hàng loạt người lao động Việt Nam tại Đài Loan trở thành nạn nhân của một tài khoản Facebook lừa đảo vé máy bay tết.
Cảnh báo lừa vé máy bay tết giá rẻ tại Đài Loan - Ảnh chụp màn hình
Nhiều người đã mất tiền
Theo M.Quang, một lao động làm việc tại Đài Trung, anh đã trả 1 vạn Đài tệ (khoảng 7,5 triệu đồng) để mua vé khứ hồi về Việt Nam dịp tết sau khi thấy quảng cáo bán vé máy bay giá rẻ hơn nhiều nơi khác của một Facebook có tên Huong Giang. Sau khi gửi thông tin đặt chỗ, chủ Facebook này cũng tiến hành đặt vé của hãng Vietjet cho Quang và gửi thông tin về xác nhận. Tuy nhiên, sau khi hỏi lại nhiều người, Quang mới biết đây chỉ là thông tin chuyến bay chứ chưa có mã đặt chỗ.
Hàng loạt nạn nhân khác cũng lên tiếng trên các trang Facebook của cộng đồng người Việt Nam ở Đài Loan. Vé khứ hồi Đài Loan – Việt Nam năm nay cao hơn năm ngoái, hiện tại khoảng 1,7 – 2 vạn Đài tệ (hãng Vietjet Air), 2,4 – 2,5 vạn Đài tệ (Vietnam Airline). Trong khi đó, Facebook Huong Giang chỉ bán với giá 5.000 – 1 vạn Đài tệ. Ngoài việc đăng quảng cáo trên các trang, nhóm, người này còn liên hệ trực tiếp với những người có nhu cầu mua vé để chào mời.
Theo Hương Lavender, đại diện một đại lý quen thuộc thường xuyên bán vé máy bay tuyến Đài Loan – Việt Nam, thủ đoạn của người này khá quen thuộc nhưng đa phần lao động Việt trình độ văn hóa không cao, không biết kiểm tra thông tin nên dễ dàng bị lừa. Có người còn chưa biết vé trên mạng có hình thù như thế nào vì khi đi lao động, đến sân bay mới cầm vé qua công ty môi giới. Thậm chí, dù đã mua vé có mã đặt chỗ nhưng vẫn bị lừa như bình thường.
Một nạn nhân đang kể lại chuyện bị lừa vé máy bay Tết. Ảnh chụp màn hình
Cụ thể, mỗi một tấm vé khi đặt có thời hạn giữ chỗ từ 4-12-24 tiếng tùy hãng. Sau khi đặt xong vé vẫn ra mã đặt chỗ nhưng nếu quá thời hạn thanh toán trên vé mà không thanh toán thì vé đó sẽ bị hủy. Nhiều người chỉ nhìn thấy có tên tuổi hành trình thì nghĩ rằng đó là vé máy bay. Trong khi đó, phải trải qua bước thanh toán cuối cùng thì vé máy bay mới có giá trị.
Một số nạn nhân cho biết đã đến cảnh sát sở tại để trình báo. Tuy nhiên, bên lừa đảo lấy tài khoản của các bên chuyển tiền Đài – Việt trung gian để cung cấp cho khách hàng, khi khách chuyển tiền vào thì bên trung gian trả bằng tiền Việt ngay lập tức. Vì vậy, cảnh sát hiện rất khó xử lý trường hợp này.
Làm sao để không bị lừa?
Du học sinh và người lao động Việt Nam nước ngoài thường mua vé máy bay tết từ rất sớm, khoảng tháng 9 năm trước đó, để có giá vé tốt. Tuy nhiên, tâm lý muốn mua vé giá tốt này lại thường bị những kẻ lừa đảo lợi dụng.
Hương Lavender cho biết, lao động Việt tại Đài Loan để không bị lừa thì cần hiểu được vài điều. Trước tiên là không ham rẻ. Vé tết là mùa cao điểm nên hầu như không có vé quá rẻ, Nên tham khảo vài nơi khác nhau, các đại lý khác nhau. Nếu có người bán giá rẻ hơn rất nhiều thì nên cẩn trọng. Các đại lý thường hơn nhau 1 – 200 Đài tệ không đáng kể. Trước khi mua cần phải tìm hiểu rõ thông tin. Một là đến phòng vé hoặc gặp trực tiếp người bán, hai là nếu mua qua mạng phải xem độ tương tác uy tín của người bán như thế nào, hoặc nên qua người quen giới thiệu.
Vào mùa tết năm ngoái, Cục Hàng không Việt Nam từng khuyến cáo hành khách cần cẩn trọng khi đặt vé giá rẻ, đặc biệt trong dịp tết, để không mắc bẫy, mua phải vé giả. Với vé hãng Vietnam Airlines, lợi dụng chính sách hoàn vé, khi có khách "sập bẫy", các đối tượng vẫn đặt vé cho khách theo đúng hành trình. Tuy nhiên, sau khi khách thanh toán, chúng sẽ gửi yêu cầu tới Vietnam Airlines để xin hoàn vé. Khách hàng sẽ chỉ biết vé của mình không có hiệu lực khi làm thủ tục tại sân bay. Với các hãng hàng không VietJet Air và Jetstar Pacific Airlines, đối tượng lừa đảo lợi dụng chính sách đổi tên. Sau khi bán vé cho khách, chúng tiếp tục rao bán chính vé máy bay này. Khi có khách mua, các đối tượng sẽ gửi yêu cầu lên hãng để tiến hành đổi tên. Do đó, với một chiếc vé, đối tượng có thể bán cho cả chục người.
Các du học sinh Việt trình báo bị lừa vé máy bay tết tại Úc năm 2016. Ảnh: Hội du học sinh VN tại Sydney
Nhiều vụ lừa đảo
Năm 2014, hàng trăm người Việt ở Toronto (Canada) về Việt Nam ăn Tết cũng bị lừa vì mua trúng vé của một đại lý bán vé máy bay có tên Sky Asia Travel (1635 Lawrence Avenue W., Suite 205B, Toronto). Khách hàng trả tiền đầy đủ, song khi khăn gói ra tới phi trường mới hay mình không có tên trong danh sách chuyến bay. Lý do là đại lý này chỉ cung cấp cho khách hàng một tờ giấy giữ chỗ chứ chưa phải là vé máy bay. Sau thời gian giữ chỗ, đại lý này không thanh toán và vé lập tức bị hủy. Đây là thủ đoạn lừa đảo rất quen thuộc.
Năm 2016, My Truc Le (Lê Mỹ Trúc), người lập Facebook có tên Vi Tran đã bị Tòa án bang Sydney (Úc) kết án vì liên quan tới các hành vi lừa đảo thông qua việc bán vé máy bay tại Úc. Lê Mỹ Trúc bị kết án vì đã lừa đảo hơn 300 nạn nhân là du học sinh Việt Nam tại Úc, chủ yếu ở hai bang Sydney và Melbourne.
Tháng 2.2016, Vietnam Airlines tại Nhật Bản cũng đã tiếp nhận 65 trường hợp bị lừa đảo mua vé máy bay trên mạng xã hội. Tất cả các trường hợp này đều giao dịch qua Facebook "Dịch vụ hàng không - Airserco".
Israel phá hủy máy bay chở vũ khí của Iran ở Syria
Không quân Israel tấn công vào các kho vũ khí của Iran tại sân bay Damascus khiến một máy bay của Tehran bị hư hại ... |
Bên trong máy bay nửa tỷ USD Quốc vương Qatar tặng Thổ Nhĩ Kỳ
Nội thất bên trong máy báy giống khách sạn hạng sang với 7 phòng ngủ, 2 phòng họp. |
Tiếp viên hàng không để ý điều gì đầu tiên khi hành khách lên máy bay?
Tiếp viên hàng không luôn mỉm cười chào đón khi bạn bước lên máy bay. Song họ thực sự đang chú ý quan sát bạn ... |
Ngày đăng: 10:28 | 17/09/2018
/ https://thanhnien.vn