Theo Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Việt Nam hiện có hơn 18 triệu lao động phi chính thức. Trong số này, không ít người phải sống bám vỉa hè, lề đường. Công việc của những lao động này không ổn định nên đa số thu nhập bấp bênh, chưa kể lúc ốm đau lại không có bảo hiểm y tế.
Những lao động làm nghề đánh giày đối mặt với nhiều rủi ro, thu nhập bấp bênh và không được tham gia bảo hiểm xã hội. Ảnh: HẢI NGUYỄN |
Kỳ 1: Sống bám vỉa hè
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tỉ lệ lao động phi chính thức trong tổng số lao động cao nhất là lao động ở nhóm tuổi 15 - 24 (chiếm tới 60,2%) và nhóm từ 55 tuổi trở lên (chiếm 74,4%). Dù còn trẻ hay đã quá tuổi lao động, họ phải chịu muôn vàn khó khăn khi rời những vùng quê quen thuộc lên thành phố với nhiều lạ lẫm, cạm bẫy, hiểm nguy.
Một phụ nữ đang bán hàng rong trên địa bàn quận Cầu Giấy, Hà Nội. Ảnh: QUẾ CHI |
Không biết trụ được ở thành phố đến bao giờ?
Cũng như hàng triệu lao động khác, anh Nguyễn Xuân Định quê ở Hoà Bình rời làng quê và quyết định vào Nam kiếm sống, học việc. Xa nhà được vài năm, anh trở lại Hà Nội làm thợ cho một cửa hàng khung nhôm cửa sắt. Thu nhập quá thấp, nay lại thêm vợ con, nên anh phải xoay xở, vay mượn ít tiền mở cửa hàng riêng.
Anh Định tâm sự: “Làm cho nhà dân thì có tiền ngay, nhưng nay việc ít đi rồi, còn công trình thì phải vốn lớn hay bị nợ đọng. Thứ nữa, nghề nhôm kính cũng hết mốt, nên tôi xoay sang bán hoa quả vỉa hè”. Con gái lớn của anh nay đến tuổi đi học. Xa con mãi không đành, anh chị xoay xở cho cháu nhập học tại một trường tiểu học ở Xuân Phương. Thế nhưng với thu nhập của cả hai vợ chồng chỉ khoảng 10 triệu đồng/tháng, anh Định cũng không biết trụ được ở thành phố tới bao giờ. “Lo nhất là việc học của con cái nếu phải di chuyển chỗ ở mới, còn về quê thì lấy đâu ra việc?” - anh Định nói.
Hoàn cảnh của anh Trần Văn Thắng (sinh năm 1989, quê Thái Nguyên) cũng không kém phần khó khăn. Anh Thắng cho biết, ở quê nghèo đói quá, chỉ trông chờ vào ruộng đồng, nên anh phải lên Hà Nội chạy xe ôm được 5 năm. Anh Thắng cho biết: Do học không đến đầu đến đũa, nên anh đành phải chấp nhận làm những công việc tay chân.
“Trước tôi còn bốc vác ở chợ Long Biên. Tích cóp mãi mới mua được cái xe để đi lại và chạy xe ôm luôn thể. Khi chưa có Uber, Grab, tôi cũng kiếm được vài trăm nghìn mỗi ngày nhưng giờ thì khó khăn quá. Một ngày may mắn được hơn trăm nghìn, mà phải nài nỉ, tươi cười họ mới chịu đi” - anh Thắng cho biết.
Bấp bênh cuộc sống
Không chỉ những người trẻ, còn rất nhiều người đã quá tuổi lao động nhưng vẫn phải quăng mình nơi hè phố Hà Nội để kiếm sống trong bấp bênh, không biết đến ngày mai sẽ như thế nào.
Mãi đến gần 22h, bên quán nước được bày biện đơn sơ, lọt thỏm tại một góc ngõ của đường Dương Quảng Hàm (Cầu Giấy, Hà Nội), bà H mới trệu trạo ăn bữa cơm tối. Bà làm thuê cho một cửa hàng cơm ở gần đó. Ngày nào cũng như ngày nào, bà phải đi làm từ 5h sáng để chuẩn bị đồ ăn và làm tất cả các công việc lặt vặt khác. Đến tận 13-14h, sau khi rửa tất cả bát đũa, dọn dẹp quán, bà mới xong việc.
“Làm ở hàng cơm bụi vô cùng vất vả, nhất là ở cái tuổi của tôi, nhưng một ngày tôi cũng chỉ được trả 100.000 đồng. Được cái là làm ở đó thì tôi không mất tiền ăn. Tôi có thể ăn trưa ở đó, rồi gói cơm mang về, treo trên xe đạp, tối lấy ra ăn. Tiết kiệm được khoản kha khá” - bà cho biết. Bà bảo, làm ở quán cơm này, tuy chỉ được trả ít tiền, nhưng vẫn còn hơn khi bà làm ở một quán phở trước đó khi chỉ được nhận 70.000 đồng/ngày và một… bát phở.
Cách đây khoảng 6-7 năm, bà H đi bán nước chè ở đường Nguyễn Khánh Toàn. Ngồi ở mặt đường, lại bán cả ngày nên thu nhập cũng khá ổn: Một ngày trung bình bà được 200.000 - 300.000 đồng là chuyện bình thường. Nhưng 1-2 năm nay, bà bị đuổi, không cho bán ở ngoài đường nữa, nên đành phải lui vào mãi trong cái ngách của đường Dương Quảng Hàm này. Ban ngày thì bà đi làm ở quán cơm, ban tối về mới bày quán nước ra để kiếm thêm.
“Ngồi ở phòng trọ cũng buồn. Ra đây ngồi vừa có khách nói chuyện, vui hơn, lại vừa kiếm thêm được đồng ra, đồng vào. Tính ra buổi tối, tôi thu thêm được khoảng 40.000 - 70.000 đồng”.
Khi được hỏi về thu nhập hiện tại, bà H thật thà cho biết, một tháng, trung bình bà kiếm được khoảng 2,3 triệu đồng. Sống một thân một mình, chi tiêu tằn tiện, mỗi tháng bà dành dụm được khoảng 1 triệu đồng.
Hiện bà đang thuê trọ cùng 20 người khác nữa. Họ đều là những người từ tỉnh lẻ lên như bà, có cả nam, cả nữ. Có người làm xe ôm, có người buôn đồng nát, bán nước… Tối về, 2-3 người phụ nữ chiếm một chỗ, mắc màn rồi ngủ cùng nhau cho xong giấc ngủ. Phòng trọ tạm bợ như vậy, nhưng cũng tiêu tốn của bà 350.000 đồng/tháng.
Theo Tổng cục Thống kê, lao động khu vực phi chính thức có việc làm bấp bênh, thiếu ổn định, không có hợp đồng lao động hoặc hợp đồng thoả thuận miệng, thu nhập thấp, thời gian làm việc dài, cơ sở sản xuất kinh doanh khu vực này thường rất nhỏ hoặc siêu nhỏ, không đăng ký kinh doanh, không đóng bảo hiểm xã hội, y tế và phúc lợi khác cho người lao động. |
9x bỏ lương cao để tự khởi nghiệp
Từ bỏ cuộc sống nhàn nhã với thu nhập 60-70 triệu một tháng, Trần Yến Nhi khởi nghiệp với ứng dụng kết nối doanh nghiệp ... |
Công nhân nữ, bao giờ cho hết khổ?
Đội ngũ công nhân nữ ngày càng tăng trưởng, nhưng các điều kiện về hành lang pháp lý, mức thu nhập, nhà ở, hạ tầng… ... |
Vụ án Giám đốc viện Nhi bày mưu giết vợ từng chấn động Hà Nội: Khai quật tử thi thành công nhờ kế hoạch điệu hổ ly sơn (Kỳ 4)
Chỉ có duy nhất một biện pháp đó chính là khai thuật tử thi, xét nghiệm thì mới có thể có đáp án cho những ... |
http://laodong.vn/cong-doan/lao-dong-phi-chinh-thuc-18-trieu-nguoi-danh-du-voi-cuoc-song-571566.ldo
Ngày đăng: 08:28 | 23/10/2017
/ Báo Lao động