Gần 20 triệu lao động không chính thức ở Việt Nam phần đông không có bảo hiểm, không có giấy tờ giao kết lao động đang phải sống vất vả bấp bênh với gần 50% số nghề dễ bị tổn thương. Phóng viên Lao Động đã đến khu chợ Long Biên (Hà Nội), nơi những phụ nữ gắn cuộc đời mình với những bánh xe thồ hàng từng đêm để nhìn rõ thực trạng, từ đó bàn tới những giải pháp để lực lượng lao động phi chính thức này có cuộc sống ổn định hơn…
Gần 20 triệu lao động không chính thức ở Việt Nam phần đông không có bảo hiểm, không có giấy tờ giao kết lao động đang phải sống vất vả bấp bênh với gần 50% số nghề dễ bị tổn thương. Phóng viên Lao Động đã đến khu chợ Long Biên (Hà Nội), nơi những phụ nữ gắn cuộc đời mình với những bánh xe thồ hàng từng đêm để nhìn rõ thực trạng, từ đó bàn tới những giải pháp để lực lượng lao động phi chính thức này có cuộc sống ổn định hơn…
“Hồi các con còn nhỏ, chồng mắng tôi là đồ vô dụng, chỉ biết quanh quẩn 3 sào ruộng, tôi đành để chúng nó lại cho bố, lên đây làm việc”. Đó là lời chia sẻ của chị Lan - một nông dân ngoài 60 tuổi từ Hưng Yên lên Hà Nội gia nhập vào dòng lao động phi chính thức, hàng đêm gồng mình kéo những chiếc xe thồ với hy vọng thay đổi cuộc sống. Thế nhưng, giấc mơ đeo đẳng cả mấy chục năm trời ấy, cho đến giờ vẫn chưa thành hiện thực.
Khắc nghiệt
Chợ Long Biên (Hà Nội) nằm ngay phía sau con đường gốm sứ Yên Phụ, là một trong những chợ đầu mối lớn, tập trung cả vạn lao động như chị Lan đến kiếm sống. Khác với những khu chợ tương tự, tại đây, người làm nghề bốc vác, phu xe chủ yếu là phụ nữ.
Theo những người con Hưng Yên lên Hà Nội, chị Lan đã bán đôi vai cho những vòng xe một cách “thành công”. Chẳng ai nhớ được người phụ nữ lưng còng với khóe mắt đầy vết chân chim này đã từng là 1 phụ nữ có nhan sắc. Người trong chợ gọi chị là Lan Hưng Yên, cái tên gắn với quê quán cho dễ gọi, cũng như Bình Yên Bái, Hương Hải Dương…
“Hồi các con còn nhỏ, chồng tôi mắng tôi là đồ vô dụng, chỉ biết quanh quẩn 3 sào ruộng, tôi đành để chúng nó lại cho bố, lên đây làm việc. Trước đây tôi là thanh niên xung phong của Quân khu 7 tại Đồng Nai, nhưng sau này không có công ty nào tuyển dụng vì tôi thuộc tầng lớp “lỗi thời” - chị nói.
Từ 10h tối, khu chợ đã tấp nập kẻ mua người bán, chủ yếu là những xe buôn từ tỉnh lẻ. Phải đến khoảng 2h sáng nơi đây mới thực sự nhộn nhịp với những dòng xe kéo hoạt động hết công năng. Một ngày làm việc của người phụ nữ có thâm niên 20 năm bắt đầu từ 0h cho đến khi không còn ai thuê nữa.
Chị kể rằng, nghề phu xe trông đơn giản nhưng cần sức lực dẻo dai. “Tôi lên đây đã thấy nhiều người bầm dập rồi bỏ nghề. Kể cả người trẻ tuổi cũng khó mà trụ được vì công việc rất nặng nhọc. Ở đây gần 20 năm, bỏ dở ngay đêm đầu tiên là điều không hiếm. Mới ở quê ra, chỉ quen cày dăm ba sào ruộng, vác vài ba bao tải thì không thể chịu được”.
Tuy nhiên, đây lại là một cách đổi sức khỏe để lấy tiền trong điều kiện không có bất kì hình thức bảo hộ nào. Công việc phu xe và bốc vác là công việc theo ngày, rất bấp bênh, tức là “ngày nào hay ngày ấy”. Đến giờ làm việc, các chị mới bắt đầu nhận các cuộc điện thoại của chủ buôn, mọi giao dịch thỏa thuận đều được trao đổi qua điện thoại mà không hề có hóa đơn hay giấy tờ đảm bảo. Chính vì vậy, có rất nhiều nữ phu xe bị quỵt tiền. Cầm trên tay một vài danh thiếp của chủ buôn, chị Lan nói: “Đến giờ thì người ta gọi, ai gọi trước mình đi trước. Mới đầu đi làm cô cũng bị lừa tiền, cả 1 đêm đứt hơi mà không nhận được đồng nào chỉ vì mình sơ ý làm đổ hàng của họ. Nếu mình mà làm ầm ĩ thì sẽ bị “xử lý” ngay, không còn đất mà dung thân, không còn chỗ mà làm việc”.
Dễ tổn thương với thu nhập rẻ mạt
Điều kiện sống của những người nữ phu xe rất giản tiện. Nơi chị Lan ở là 1 căn phòng rộng 10m2 với giá thuê khoảng 400.000đ/người/tháng, có hơn chục người phụ nữ từ khắp các làng quê nghèo. Mỗi người chỉ có hành trang đôi ba bộ quần áo để trong những chiếc làn chắp vá. Không có giường, chỉ với những manh chiếu sờn cũ, các chị đã cùng nhau trải qua cả ¼ cuộc đời. Trong phòng cũng không có gì nhiều, vài ba chiếc quạt cây cho mùa hè, mấy cái làn đựng quần áo. “Ở đây nhà chủ không cho thổi cơm, tôi phải đi ăn cơm đường cơm chợ, mỗi suất 15 nghìn cũng đủ cơm rau, thịt, cá”.
Cùng làm thuê với chị Lan có 1 đôi vợ chồng trẻ. Chồng lái xe, vợ vừa kéo vừa bốc vác, cứ thế 1 đêm cả 2 vợ chồng cũng kiếm được nửa triệu bạc. Một đôi vợ chồng thu được khoảng 15 triệu mỗi tháng, chi tiêu tằn tiện để lo cho các con ăn học.
Tại chợ Long Biên, hầu hết người phu kéo xe đều là phụ nữ, hiếm lắm mới thấy đàn ông làm công việc này. Theo lời chị Lan, những người đàn ông này bị cho là “kém tài” vì không có phương tiện, không có tiếng nói nên mới phải vác đòn gánh lên vai. Những người đàn ông khác có thể lái xe, đặc biệt là họ sẽ “bốc phỏm”. “Bốc phỏm” là việc san hàng từ các xe container ở khu vực Đền Lừ sang các xe nhỏ rồi mang về chợ này. Bà con muốn lấy hàng thì phải giả tiền phỏm cho các anh em, như vậy tiền phỏm coi như là tiền vận chuyển trung gian.
Thu nhập mỗi đêm của 1 nữ phu xe tùy thuộc vào lượng hàng họ vận chuyển được. Một thùng hàng trung bình được trả với giá 4 nghìn đồng, 1 người cùng lắm kéo được khoảng 20 thùng hàng mỗi chuyến. Với cơ chế đào thải khắc nghiệt hơn cả ở khu vực chính thức, bức tranh lao động ở đây nhuốm chung 1 màu khắc khổ với rủi ro tai nạn lao động rất cao.
Tại khu vực chợ Long Biên, để thu được 15 triệu mỗi tháng, mỗi cặp vợ chồng ở đây chỉ được ngủ khoảng 3 đến 4 giờ. Ngoài thời gian bốc vác, phu xe tại chợ, họ còn tìm đến những công việc khác vào ban ngày như: Xe ôm, rửa bát, dọn nhà theo giờ,… Điều này đồng nghĩa rằng, thế hệ mầm non của đất nước ít nhận được sự quan tâm, dạy dỗ từ bố mẹ, tầng lớp lao động nghèo sẽ còn tiếp tục “phát triển” ở những thế hệ sau này.
Chị Lan Hưng Yên là điển hình trong số 18 triệu lao động phi chính thức hiện nay. “Nếu để chuyển nghề thì tôi chẳng biết phải làm gì. Công việc ở đây nặng nhọc thật nhưng thoải mái thời gian và được nhận tiền ngay. Tôi không có lương hưu, nếu không đi làm thì sẽ là gánh nặng cho con cháu”- Chị Lan chia sẻ.
Cuối năm 2017, Tổng cục Thống kê đưa ra con số: khoảng 60% lao động phi chính thức tập trung ở khu vực nông thôn, nơi có nhiều làng nghề truyền thống và các hộ kinh doanh cá thể phi nông nghiệp, tổ hợp tác.
Đại diện Tổng cục thống kê cho biết: Đối tượng lao động này làm việc chủ yếu trong 3 nhóm ngành: Công nghiệp chế biến, chế tạo; xây dựng; bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ôtô, mô tô, xe máy. Đặc biệt, có tới 76,7% lao động phi chính thức làm việc nhưng không có bất cứ 1 loại hợp đồng bằng văn bản liên quan đến công việc đang làm; tỉ lệ lao động phi chính thức không có BHXH lên tới 97,9% và chỉ có 0,2% được đóng BHXH bắt buộc, còn lại 1,9% đóng BHXH tự nguyện.
Đi về đâu?
Tháng 5.2018, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) khẳng định, quyền lợi người lao động khu vực phi chính thức còn nhiều bỏ ngỏ... Theo bà Rafael Diez de Medina - Giám đốc Bộ phận Thống kê của ILO- tỉ lệ quá cao lao động không chính thức dưới mọi hình thức đã và đang gây ra vô số hậu quả tai hại cho người lao động, doanh nghiệp và các xã hội, đồng thời là thách thức lớn đối với nỗ lực đem lại công việc ổn định cho tất cả mọi người. Lao động ở khu vực phi chính thức sẽ thiếu sự bảo vệ của xã hội, quyền lợi tại nơi làm việc và điều kiện lao động không thỏa đáng trong khi đối với các doanh nghiệp, điều này có nghĩa là năng suất thấp và thiếu sự tiếp cận nguồn tài chính.
Đại diện Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam cũng cho rằng, tỉ lệ lao động phi chính thức cao là thách thức chung của tất cả các nền kinh tế trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Vì vậy, cần phải thúc đẩy chuyển dịch từ lao động phi chính thức sang chính thức, mục đích là giúp bảo vệ tốt hơn quyền lợi người lao động.
Hiện, Việt Nam cũng đang nỗ lực giải quyết sự bấp bênh giữa có việc làm và thất nghiệp của lực lượng lao động phi chính thức. Ông Đào Quang Vinh- Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội) - cho rằng, nhà nước cần có những chính sách, giải pháp hỗ trợ cụ thể nhằm mở rộng sự bảo vệ đến nhóm lao động này. Cụ thể, khi chuyển đổi khu vực phi chính thức thành khu vực chính thức cần có các chương trình hành động cụ thể, khuyến khích các hộ/cơ sở sản xuất kinh doanh đăng ký thành lập dưới các hình thức doanh nghiệp; đồng thời cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tăng cường chế tài đối với những hành động cố tình vi phạm các quy định hiện hành về ký hợp đồng lao động, thực hiện các quy định về an toàn lao động, đóng BHXH cho người lao động…
Trong lúc chờ những chính sách mới “quét tới mình” thì chị Lan Hưng Yên cùng hàng trăm, hàng ngàn những lao động ở chợ đêm Long Biên vẫn hàng đêm gồng mình với chiếc xe kéo để kiếm những khoản tiền ít ỏi trang trải cuộc sống.
Những bánh xe vẫn quay đều chở theo những giấc mơ…
Thi đua yêu nước và “điểm nghẽn” năng suất lao động
Năng suất lao động của Việt Nam thuộc hàng thấp nhất khu vực Đông Nam Á. Đó là câu chuyện không còn mới nhưng chưa ... |
Thực tập sinh Việt Nam \'bị lừa\' sang Nhật Bản làm công việc khử nhiễm xạ
Một người đàn ông Việt Nam tố cáo trên truyền thông Nhật Bản rằng, bản thân bị nhà tuyển dụng lừa sang Nhật Bản làm ... |
Vì sao lĩnh vực xây dựng đứng đầu về mất an toàn lao động
Vụ sập giàn giáo tại công trình bãi gửi xe tại đường Tố Hữu rạng sáng 17.1 khiến 3 công nhân tử vong, 3 công ... |
Ngày đăng: 10:35 | 25/06/2018
/ https://laodong.vn