"Phê bình nghiêm khắc" không phải là hình thức kỷ luật, không phù hợp với mức độ, sai phạm nghiêm trọng trong việc để các vụ tai nạn xảy ra.
Hội đồng kỷ luật Tổng công ty Đường sắt Việt Nam vừa báo cáo kết quả xử lý trách nhiệm các cá nhân, lãnh đạo đơn vị này liên quan tới tai nạn tàu hỏa nghiêm trọng xảy ra trong tháng 5/2018, làm 2 người chết và 11 người bị thương, gây thiệt hại lớn về tài sản của nhà nước…
Trong đó, ông Vũ Tá Tùng - Tổng giám đốc và ông Đoàn Duy Hoạch - Phó tổng giám đốc chịu hình thức kỷ luật "phê bình nghiêm khắc". Hình thức kỷ luật trên chưa thuyết phục được dư luận cũng như các chuyên gia trong lĩnh vực hành chính công.
Hiện trường tàu tông nhau ở ga Núi Thành, Quảng Nam ngày 26/5 - Ảnh: TTO
PGS.TS Võ Kim Sơn, nguyên Trưởng khoa Quản lý nhà nước và nhân sự, Học viện Hành chính Quốc gia còn nói thẳng, đây là một quyết định thể hiện sự bao che cho nhau.
Ông Sơn chỉ rõ: "Trong vụ việc có hai vấn đề cần xử lý. Thứ nhất, xử lý vi phạm kỷ luật đối với những cá nhân, cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp vi phạm kỷ luật, gây ra tai nạn.
Đối với những trường hợp này, các hình thức kỷ luật sẽ tùy vào từng mức độ như khiển trách, kỷ luật cảnh cáo... cho tới hình thức kỷ luật cao nhất là buộc phải thôi việc.
Thứ hai là, trách nhiệm của người đứng đầu, thủ trưởng cơ quan đơn vị trong lĩnh vực mình quản lý nhưng buông lỏng giám sát, quản lý để xảy ra tai nạn gây hậu quả nghiêm trọng.
Với trường hợp này, lãnh đạo Tổng Công ty đường sắt Việt Nam không phải là những người trực tiếp gây ra các vụ tai nạn nhưng là những người phải chịu trách nhiệm trực tiếp với vai trò là người đứng đầu, quản lý trong lĩnh vực đường sắt.
Do đó, việc xử lý trách nhiệm sẽ tùy thuộc vào từng mức độ của từng vụ việc để xem xét, cân nhắc theo đúng quy định của pháp luật".
Thế nhưng, soi vào kết quả xử lý kỷ luật của Hội đồng kỷ luật Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đối với hai lãnh đạo cấp cao của tổng công ty này là Tổng giám đốc và Phó tổng giám đốc, vị chuyên gia cho rằng, các biện pháp xử lý hoàn toàn không thuyết phục.
Các sự cố mang tính liên hoàn, xảy ra liên tiếp chỉ trong một tháng, với các mức độ nghiêm trọng khác nhau. Đáng chú ý là sự cố đã gây ra thiệt hại rất lớn về người và của.
3/5 sự cố trên đều đã được xác định là do lỗi chủ quan của ngành Đường sắt gây ra, điển hình là vụ tai nạn tàu SE19 đâm ôtô tại chắn đường ngang có gác ở Tĩnh Gia, Thanh Hóa ngày 24/5, gây đổ tàu, làm 2 lái tàu thiệt mạng, 9 người khác bị thương; và vụ hai tàu đâm nhau tại ga Núi Thành.
Đây là lỗi quản lý yếu kém, lỗi chung của toàn hệ thống ngành đường sắt. Việc buông lỏng quản lý thể hiện từ thái độ làm việc của các nhân viên gác ghi, cho tới việc buông lỏng về quy chế, quy trình, cách tiếp cận làm việc của các cấp lãnh đạo Tổng công ty đường sắt... nên mới gây ra những vụ tai nạn thương tâm nói trên.
"Tôi không thể hiểu, tại sao lại có chuyện hai nhân viên làm nhiệm vụ gác chắn đường ngang của Công ty đường sắt Thanh Hóa lại quên không đóng rào chắn trước khi tàu chạy qua?.
Nếu những nhân viên này thường xuyên đánh giá, kiểm tra, xem xét nghiêm túc các nhân tố có thể gây nguy hiểm cho chuyến tàu thì có lẽ sự cố đã không xảy ra.
Rồi lại có câu chuyện hai người bẻ ghi mà lại để cả hai tàu đi ngược chiều nhau cùng đi vào một đường ray... Ở đây chính là trách nhiệm thực thi công vụ của những cán bộ, công nhân viên chức ngành đường sắt. Không thể chối cãi điều này" - ông Sơn chỉ rõ.
Tuy nhiên, theo vị chuyên gia, cao hơn nữa chính là trách nhiệm của người đứng đầu, thủ trưởng cơ quan đường sắt đã buông lỏng quản lý, không thường xuyên kiểm tra, đôn đốc nhắc nhở, giám sát chặt chẽ nên mới để nhân viên tùy tiện, thiếu trách nhiệm trong thực thi công vụ.
Vì thế, không thể không xử lý nghiêm trách nhiệm của cả cán bộ lãnh đạo cấp cao của ngành đường sắt cũng như trách nhiệm trực tiếp của những cán bộ, nhân viên ngành đường sắt trong các vụ việc nói trên.
4 ngày 4 vụ tai nạn, đường sắt vắt tay suy nghĩ?
"Cụ thể, đối với người trực tiếp quản lý tại các phân đoạn đường sắt để xảy ra tai nạn phải chịu trách nhiệm trực tiếp tùy thuộc vào từng mức độ nghiêm trọng của vụ việc.
Trong trường hợp xác định những sai phạm trên có lỗi từ buông lỏng quản lý, để nhân viên gây ra tai nạn thì phải buộc thôi việc, hoặc cách chức người đứng đầu chịu trách nhiệm quản lý phân đoạn đường sắt đó, không thể lơ mơ.
Riêng với Tổng giám đốc, Phó tổng giám đốc Công ty đường sắt Việt Nam, họ cũng phải là những chịu trách nhiệm về việc quản lý không chặt chẽ, để cho cấp dưới của mình là những lãnh đạo các phân đoạn đường sắt địa phương mắc sai phạm, gây tai nạn nghiêm trọng về người và của" - vị chuyên gia phân tích.
Về hình thức xử lý, theo ông Sơn, các hình thức kỷ luật cũng tùy thuộc từng mức độ nghiêm trọng của từng vụ việc.
"Tuy nhiên, trong quy định xử lý hành chính, tôi chưa từng thấy có văn bản hay chỉ nghị định nào quy định việc xử lý vi phạm kỷ luật là "phê bình nghiêm khắc" cả.
Đối với những trường hợp này, hình thức kỷ luật khiển trách đã là biện pháp xử lý nhẹ nhàng nhất rồi. Ngành đường sắt cần nghiêm túc nhìn nhận trách nhiệm và có thái độ xử lý nghiêm khắc. Cách xử lý trách nhiệm như vừa qua dư luận không đồng tình đâu", PGS Võ Kim Sơn thẳng thắn.
Nhiều giám đốc, nhân viên ngành đường sắt bị cách chức, kỷ luật
Ngành đường sắt vừa có báo cáo Bộ GTVT việc xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân liên quan đến hàng loạt vụ ... |
Ngành đường sắt cần một cuộc “đại phẫu”
Trong khi thế giới, ngành đường sắt đóng vai trò quan trọng, đảm bảo 30% thị phần vận tải, còn đường sắt Việt Nam chỉ ... |
Ngày đăng: 08:46 | 13/06/2018
/ Đất Việt