Tham nhũng, quan liêu, lãng phí là những căn bệnh phổ biến trong xã hội, liên quan chặt chẽ với nhau. Tham nhũng được coi là tội ác thì tương tự như thế, quan liêu, lãng phí cũng phải được coi là tội ác.

Xin được nói ngay tới chuyện “dựng chữ” trên dồi Ông Tượng ở tỉnh Hòa Bình. Câu chuyện đang đốt nóng dư luận mấy ngày hôm nay. Báo chí đã tốn nhiều giấy mực. Chúng tôi xin không nhắc lại tình tiết, chỉ xin vắn tắt thế này. Đồi Ông Tượng đã dựng Tượng Bác Hồ từ mấy năm trước. Có lẽ chỉ thế là đủ rồi. Chỉ cần Tượng Bác Hồ kính yêu đặt ở nơi núi sông kỳ vĩ nơi của ngõ Tây Bắc đã nói lên lên tất cả. Chỉ cần chiêm ngưỡng Tượng Bác là đủ thấy “ta bỗng lớn ở bên Người một chút” (thơ Tố Hữu). Vậy thì cần chi những khẩu hiệu này kia gây tốn kém bạc tỉ. Vâng, chỉ 11 chữ kèm theo mà tiêu tốn tới 10,99 tỉ đồng. Thật là một con số khủng khiếp. Ai biết thông tin này cũng nhảy dựng lên là phải. Tính ra mỗi chữ phải làm mất 1 tỉ đồng (!). Vì sao lại đắt đến thế? Được giải thích: Khẩu hiệu 11 chữ, chiều cao chữ cái 10m, rộng nét 1,4m, độ dày chữ 0,6m. Vật liệu để dựng gồm khung kết cấu thép tráng kẽm, vật liệu bọc thành chữ là tấm aluminium, mặt chính diện bằng thép tấm sơn tĩnh điện, trên mặt đục lỗ bố trí các bóng đèn led, hệ thống đèn LED điều khiển tự động, hẹn giờ.

Thì ra thế, đỏ môi thì tốn tiền. Vấn đề là có cần “đỏ môi” đến thế hay không. Một tỉnh còn nghèo, bà con các dân tộc vùng cao, vùng sâu còn nghèo lắm, ngân sách tỉnh còn èo uột, chủ yếu trông vào Trung ương, vậy có nên “ném” vào đấy khoản kinh phí khổng lồ thế không? Không nên chút nào. Đó là tiền thuế của dân. Tiền thuế ấy cần hơn khi dùng nó vào những việc khác như xây trường học, bệnh viện, trạm y tế phục vụ đồng bào miền núi.

1701 1 1601260947547
Công trình xây lắp khẩu hiệu 11 từ trên đồi Ông Tượng do Sở VH-TT&DL Hòa Bình làm chủ đầu tư

Nhân đây xin nói một điều thật là đau xót. Rằng cái việc đầu tư lớn để xây dựng tượng đài ở các địa phương đã diễn ra mấy chục năm nay. Con gà tức nhau tiếng gáy. Nơi nọ học nơi kia thi nhau dựng tượng đài. Cả nước hiện có khoảng 400 tượng đài, với quy mô từ chục tỉ đến vài trăm tỉ đồng, thậm chí có những tượng đài đầu tư xây dựng lên đến hàng nghìn tỉ đồng.

Tượng đài xấu, hư hỏng, xuống cấp do bị ăn bớt ăn xén vật liệu, do làm dối, làm ẩu đã nhỡn tiền. Đã có một số cán bộ phải vào tù vì bỏ túi khoản tiền kếch xù trong những vụ này. Chẳng hạn tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ đã bị rút ruột 100 tấn đồng, gây thất thoát 2,7 tỉ đồng. Tổng cộng chỉ có 220 tấn mà rút ruột tới 100 tấn thử hỏi các quan tham đã “ăn bạo” và “ăn bẩn” đến thế nào?

Vì sao nhiều nơi thi nhau dựng tượng đài và các công trình liên quan? Ở đâu cũng giải thích rằng: để giáo dục truyền thống yêu nước, thể hiện sự tôn kính đối với các bậc tiền nhân có công lao với dân tộc, với cách mạng; để quảng bá hình ảnh địa phương, để đầu tư cho du lịch, cho “nền công nghiệp không khói” phát triển. Nói thì đúng quá nhưng làm thì muôn kiểu biến tướng, biến hình. Ở một đất nước chậm phát triển, diện tích không lớn, mật độ tượng đài liệu đã đến vạch đỏ hay chưa? Theo chúng tôi, đã đến lúc phải ra một quyết định dừng xây tượng đài có quy mô lớn, nếu quy mô đầu tư khoảng một tỷ đồng thì phải cân nhắc rất thận trọng. Làm được như thế chính là một trong những cách tiết kiệm đầu tư cho ngân sách, chống thất thoát, lãng phí. Bởi ai cũng thừa hiểu rằng phía sau sự đầu tư ấy có biết bao khoản phí “bôi trơn”, “lại quả”. Đầu tư càng lớn, cái “quả” kia càng to, và chỉ rơi vào túi những người có chức, có quyền, những người ký ra…tiền. Chuyện này đã nói từ lâu, tưởng ai cũng biết mà khi nói đến vẫn tai lành tai điếc, có người tặc lưỡi: Thôi mà, bác có miếng cơm thì cho em xin miếng cháo. Không. Không “cơm, cháo” gì ở đây cả. Cái việc “xây chữ” ăn theo Tượng Bác Hồ mà không bàn tới bàn lui, không nhớ tới lời Bác dặn: “Hãy bớt lòng ham muốn về vật chất” thì thật đáng xấu hổ!

Nhân bàn về sự lãng phí cũng cần nói thêm về tình trạng “té nước theo mưa”, “lấy của làng đãi quan” đang nhan nhản khắp nơi. Không ít ngành, địa phương nhân dịp đại hội Đảng các cấp, đại hội các đoàn thể, rồi hội họp, hội thảo, kỷ niệm ngày truyền thống, khai trương, khánh thành… đã chi vô tội vạ các khoản quà tặng, lưu niệm. Nào là cặp đựng tài liệu, nào là ấm chén, nào là quần áo đồng phục… Khoản nào cũng đội lên tiền tỉ. Người dân xót tiền không ngớt lời ta thán. Báo chí, mạng xã hội lên tiếng rần rần. Thế là một số “dự án cặp”, “dự án ấm chén” đành phải ném vào… kho, chờ cơ hội khác. Thế là nội bộ lủng củng, nhìn nhau mặt nặng như chì, lúc duyệt dự án thì “chén chú chén anh”, đến lúc tanh bành “ghét nhau như…mõ”.

Hãy diệt trừ tận gốc căn bệnh lãng phí, nhất là lãng phí của công, đừng cho nó một cơ hội nào nữa.

Lãng phí gây hậu quả, thiệt hại không kém gì tham nhũng. Lãng phí suy đến cùng cũng chính là tội ác!

Trần Quang

Chuồng bò giá 236 triệu ở Nghệ An, thẩm định nói giá chuẩn không lãng phí Chuồng bò giá 236 triệu ở Nghệ An, thẩm định nói giá chuẩn không lãng phí
Để hơn 115.000 tỉ đồng “nhàn rỗi”, EVN có đang lãng phí nguồn lực tài chính? Để hơn 115.000 tỉ đồng “nhàn rỗi”, EVN có đang lãng phí nguồn lực tài chính?
Thêm cầu vượt cho người đi bộ: Lãng phí nếu không thay đổi ý thức người dân Thêm cầu vượt cho người đi bộ: Lãng phí nếu không thay đổi ý thức người dân

Ngày đăng: 08:18 | 29/09/2020

/ Nghề nghiệp và cuộc sống