Nghệ sĩ Anh Tú, Bùi Cường, nhạc sĩ Hoàng Vân... qua đời, để lại nhiều tiếc thương trong lòng người hâm mộ.
Năm 2018, nhiều tên tuổi lớn trong làng văn hóa - nghệ thuật nước nhà, ở lĩnh vực âm nhạc, phim ảnh, sân khấu ra đi. Trong âm nhạc, khán giả tiễn biệt nhạc sĩ Hoàng Vân, Nguyễn Văn Đông. Với phim ảnh, NSND Đoàn Dũng, Thanh Hoàng không qua khỏi bệnh tật. Bên cạnh đó, một số nghệ sĩ đang ở tuổi cống hiến như NSND Anh Tú, NSƯT Bùi Cường, đạo diễn Phạm Đông Hồng cũng đột ngột mất, để lại khoảng trống lớn cho bạn bè, đồng nghiệp và khán giả.
Nghệ sĩ gạo cội qua đời vì tuổi cao, sức yếu
Đầu năm, nhạc sĩ Hoàng Vân mất hôm 4/2 ở nhà riêng ở Hà Nội, hưởng dương 88 tuổi. Trước đó, năm 2015, nhạc sĩ Hoàng Vân bệnh nặng. Ông bị viêm phổi cộng với một số bệnh tuổi già. Ông từng điều trị gần một tháng tại bệnh viện Hữu Nghị Việt Xô, Hà Nội, vẫn không thuyên giảm. Lúc đó, con trai ông là nhạc trưởng Lê Phi Phi ở bên cạnh chăm sóc bố. Sau khi ốm nặng, ông bình phục trở lại và khỏe mạnh cho đến lúc mất.
Sinh thời, Hoàng Vân sáng tác nhiều nhạc phẩm thấm đẫm tình yêu quê hương, đất nước như Tôi là người thợ lò, Hà Nội - Huế - Sài Gòn, Quảng Bình quê ta ơi, Bài ca giao thông vận tải, Chào anh giải phóng quân - Chào mùa xuân đại thắng. Bài ca xây dựng...
Nhac sĩ ca khúc Chiều mưa biên giới - ông Nguyễn Văn Đông - mất không lâu sau đó. Ông ra đi hôm 26/2 tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM). Ông là tác giả nhiều ca khúc như Về mái nhà xưa, Niềm đau dĩ vãng, Hải ngoại thương ca... Ngoài ra, ông viết nhạc nền và đạo diễn cho trên 50 vở tuồng, cải lương nổi tiếng ở miền Nam trước năm 1975 như: Nửa đời hương phấn, Đoạn tuyệt, Tiếng hạc trong trăng, Mưa rừng...
Nghệ sĩ Nhân dân Đoàn Dũng mất hôm 17/9 ở tuổi 79. Trước đó vài tháng, ông vẫn đi chấm Liên hoan sân khấu kịch nói toàn quốc. Ông là sinh viên khóa đầu tiên của trường Nghệ thuật sân khấu I (nay là Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội), chung lớp với NSND Thế Anh, NSND Trà Giang... Ra trường, ông được điều về hoạt động tại Nhà hát kịch Việt Nam, sau đó trở thành Phó giám đốc nhà hát.
Ông từng tham gia một số phim nổi tiếng như: Rừng O Thắm, Thủ lĩnh áo nâu, Biển lửa, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Dòng sông thơ ấu, Ngõ hẹp... Ông giữ chức vụ hiệu trưởng Đại học Sân khấu Điện ảnh TP HCM từ năm 1996, đến 2000 thì về hưu.
Nhiều nghệ sĩ ra đì vì bệnh hiểm nghèo
Diễn viên Đất phương Nam - Nguyễn Hậu - qua đời hôm 14/2 ở nhà riêng tại TP HCM sau nhiều năm bị ung thư gan, thọ 65 tuổi. Trước đó, sức khỏe ông suy giảm trầm trọng, chỉ có thể nói chuyện thều thào. Nhiều năm nay, ông sống cùng vợ và con gái ở chung cư do một người cháu mua tặng.
Cố nghệ sĩ Nguyễn Hậu sinh năm 1953 tại Sa Đéc, Đồng Tháp. Qua 40 năm đóng phim, ông đã đảm nhận khoảng 240 vai phụ, từ người nông dân hiền lành, chất phác đến tay giang hồ, anh chị trong nhiều bộ phim gây tiếng vang như Ông cố vấn, Đất phương Nam, Người đẹp Tây Đô, Xóm nước đen, Người đàn bà yếu đuối...
Nghệ sĩ Thanh Hoàng qua đời ở tuổi 55 sau thời gian điều trị bệnh ung thư. Anh là "cha đẻ" của kịch bản Dạ cổ hoài lang - ra đời năm 1993. Nội dung vở kịch xoay quanh cuộc sống Việt kiều nơi đất khách quê người, kết hợp những cảm xúc của bản cổ nhạc Dạ cổ hoài lang (cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu) cùng các câu chuyện do anh đọc trên báo và qua lời kể bạn bè.
Ngoài sân khấu, anh được khán giả chú ý đến qua vai diễn trong các phim như Anh hai mắt mèo, Sợi dây đai, Ngôi nhà quê... Bên cạnh diễn xuất, Thanh Hoàng còn là đạo diễn, biên kịch và từng giữ vị trí giám đốc của sân khấu 5B Võ Văn Tần.
NSND Anh Tú (trái) và NSƯT Thanh Hoàng.
Cuối năm, giới sân khấu cả nước bàng hoàng khi hay tin NSND Anh Tú qua đời ở tuổi 56. Anh mất tại Hà Nội, sau thời gian điều trị biến chứng tiểu đường, suy thận. Trước đó, anh nằm viện dài ngày, phải truyền máu, kháng sinh, đạm. Những ngày cuối đời, nghệ sĩ hôn mê sâu.
Nghệ sĩ Nhân dân Anh Tú là gương mặt gạo cội ở vai trò diễn viên lẫn đạo diễn. Anh từng tham gia nhiều phim truyền hình như Của để dành, Đàn trời, Chiều ngang qua phố cũ... Trên sân khấu, anh ghi đậm dấu ấn diễn xuất qua hàng loạt vai như Trần Cảnh trong Rừng trúc của Nguyễn Đình Thi, Macbeth trong vở kịch cùng tên của đại thi hào Shakespeare, Tể tướng trong Âm mưu và tình yêu của Schiller, Vũ Như Tô trong vở kịch cùng tên của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng... Anh từng đạo diễn một số vở kịch Lâu đài trên cát, Cạm bẫy, Chuyện chàng dũng sĩ, Truyện Kiều, Romeo và Juliet...
Một số nghệ sĩ mất vì đột quỵ
"Chí Phèo" Bùi Cường ra đi hôm 3/8 ở Hà Nội, sau cơn tai biến mạch máu não. Trước đó, ở tuổi 73, ông vẫn thường xuyên xa nhà, vào miền Nam làm đạo diễn phim. Lúc qua đời, ông vẫn ấp ủ dự án phim điện ảnh về Lão Hạc để tri ân cố nhà văn Nam Cao. Ông mới đây có tên trong danh sách được Hội đồng Nhà nước đề xuất trao danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân.
Diễn viên Bùi Cường (trái) và đạo diễn Phạm Đông Hồng.
Đạo diễn Phạm Đông Hồng - cha đẻ nhiều tiểu phẩm hài dân gian ở miền Bắc - cũng ra đi ở tuổi 63 vì đột quỵ. Ông là người đứng sau nhiều tác phẩm ăn khách như Lên voi, Người ngựa, ngựa người, Trẻ con không ăn thịt chó, Kẻ cắp gặp bà già... Phim của ông gắn với nhiều tên tuổi nổi tiếng của làng hài như Xuân Hinh, Quang Thắng, Quốc Anh, Minh Hằng, Hiệp Gà, Vân Dung...
Hà Thu
NSND Lê Khanh: \'Tôi vẫn không tin Anh Tú đã mất\'
Các nghệ sĩ nhiều lần khóc nghẹn bên linh cữu đồng nghiệp ở tang lễ sáng 24/12. |
Xuân Bắc, Tự Long và đông đảo nghệ sĩ khóc lặng tiễn đưa NSND Anh Tú
Sáng 24/12, đông đảo các nghệ sĩ sân khấu, diễn viên đã có mặt tại nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông để tiễn ... |
Xuân Bắc và các nghệ sĩ lặng người khóc thương NSND Anh Tú về với đất
Tang lễ cố nghệ sĩ Anh Tú diễn ra lúc 9h30 sáng nay, 24.12, trong sự tiếc thương của bạn bè đồng nghiệp. |
Ngày đăng: 19:02 | 31/12/2018
/