Ngay sau khi phát sóng, phần biểu diễn “Trống cơm” đã nhanh chóng lọt top 1 trong số các video âm nhạc thịnh hành trên YouTube và cùng tiết mục “Áo mùa đông” trở thành hiện tượng của chương trình “Anh trai vượt ngàn chông gai”. Việc kết hợp văn hóa truyền thống và yếu tố hiện đại trên sân khấu ca nhạc đang tạo được hiệu ứng đặc biệt với khán giả.

“Anh trai vượt ngàn chông gai” là gameshow được mua bản quyền và Việt hóa từ chương trình “Call Me By Fire” của Trung Quốc, được xem là phiên bản “Đạp gió” cho nam giới ở đất nước sở tại. Dựa trên tinh thần format gốc, chương trình quy tụ 33 nhân vật nam nổi tiếng đã và đang thành công ở các lĩnh vực nghệ thuật và ngành nghề khác nhau như ca sĩ, diễn viên, vũ công, MC, vận động viên... cùng các đại diện như NSND Tự Long, cựu cầu thủ Hồng Sơn, ca sĩ Bằng Kiều, Tuấn Hưng, diễn viên Tiến Luật, rapper Binz, võ sĩ Duy Nhất...

Lan tỏa văn hóa truyền thống qua âm nhạc -0
Tiết mục "Trống cơm" của nhóm “Nhà Sao sáng” được khán giả yêu thích trong chương trình "Anh trai vượt ngàn chông gai".

Tại đêm diễn thứ 4, bài hát “Trống cơm” qua phần trình diễn của 3 anh tài “Nhà Sao sáng” là NSND Tự Long, Soobin và Cường Seven ngay sau khi phát sóng và tạo thành cơn sốt trong đời sống âm nhạc. Nhiều ý kiến cho rằng, nhóm đã thực sự mang đến một không khí mới, bùng cháy cho một tác phẩm quen thuộc trong dân gian. Ở phần dàn dựng, trong không gian đẫm màu sắc truyền thống thì những động tác vũ đạo mạnh mẽ, dứt khoát hiện đại thực sự cuốn hút khán giả trẻ. Những đại diện của âm nhạc dân gian với tiếng trống cơm, tiếng đàn bầu kết hợp với chất hiện đại của R&B, rap... đã khiến cho “Trống cơm” của dân ca quan họ Bắc Ninh như được lột xác. Một tác phẩm vừa mang đậm văn hóa vùng miền, vừa hiện đại đầy sức sống thì tất sẽ thu hút được đông đảo khán giả.

Sự sáng tạo, đột phá của nhóm bắt nguồn từ mong muốn như chia sẻ của NSND Tự Long: “Lời bài “Trống cơm” chúng tôi không sửa. Nhưng, có điều đặc biệt là chương trình cho chúng tôi sáng tác mới đến 49%. Tận dụng điều đó, chúng tôi đã sáng tác thêm một đoạn để làm mới thêm giai điệu nhưng không mất đi bản sắc của ca khúc, bản sắc của dân tộc ta. Khán giả của chúng tôi có thể là 6x, 7x, 8x hay 9x nhưng cũng có thể là các bạn nhỏ sinh năm 2000 về sau. Nhưng, họ vẫn sẽ thích nghe “Trống cơm” và chúng tôi làm giàu thêm kho tàng văn hóa Việt Nam. Từ biết trống cơm, hiểu trống cơm và yêu trống cơm, các bạn trẻ biết gìn giữ và tự hào văn hóa truyền thống”.

Không chỉ có “Trống cơm”, trong chương trình “Anh trai vượt ngàn chông gai” thì tiết mục “Áo mùa đông - Trở về” của nhóm Xương Rồng (bao gồm các nghệ sĩ Thanh Duy, Thiên Minh, Duy Khánh và Bùi Công Nam) cũng đã tạo dấu ấn đặc biệt trong lòng khán giả. Từ nhiệm vụ của nhóm là phải xử lý một ca khúc có tuổi đời tương đương tuổi của cha ông, nhóm đã biến thử thách thành cơ hội để rồi mang đến hình ảnh chiếc áo gắn liền với thời điểm quan trọng của lịch sử dân tộc.

Ca khúc “Áo mùa đông” ra đời năm 1946, khi Bác Hồ phát động may áo trấn thủ cho các chiến sĩ để chống chọi với mùa đông khắc nghiệt. Chiếc áo còn thể hiện tình cảm của người dân hậu phương gửi tới các chiến sĩ nơi tiền tuyến. Ca khúc “Áo mùa đông” được các nghệ sĩ trẻ tái hiện một cách đầy hào hùng, giàu cảm xúc và ý nghĩa trên sân khấu. Ngoài ra, không thể thiếu sự kết hợp đặc biệt như Thanh Duy trổ tài hát vọng cổ, Bùi Công Nam chơi guitar điện... khiến khán giả thích thú, reo hò.

Thêm một yếu tố nữa để “Áo mùa đông” ghi điểm trong lòng công chúng khi tiết mục phát sóng dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7. Tác phẩm đã trở thành cầu nối giữa lịch sử với hiện tại, như tiếng lòng tri ân của thế hệ trẻ với cha ông. Chính vì thế, tiết mục đã có mức điểm dẫn đầu tối phát sóng với 1.750 điểm.

Trước đó không lâu, tại chương trình “Chị Đẹp đạp gió rẽ sóng”, bên cạnh những tiết mục mang màu sắc hiện đại thì những màn biểu diễn kết hợp truyền thống và hiện đại đều đã để lại một ấn tượng đặc biệt với khán giả. Tại tập 14 của chương trình, màn kết hợp 2 ca khúc “Lý kéo chài” và “Mái đình làng biển” qua sự thể hiện của ca sĩ Mỹ Linh, Trang Pháp, Nguyên Hà, Uyên Linh và Lynk Lee nhận được nhiều lời khen ngợi vì cách xử lý ca khúc mới lạ.

Đặc biệt, tại đêm chung kết, cả 2 tiết mục của 2 nhóm đều tập trung vào những ca khúc ca ngợi tình yêu quê hương đất nước. Một nhóm chọn sự kết hợp của ca khúc “Nam quốc sơn hà” và “Đất nước trọn lời ru”. Nhóm còn lại, ngoài 2 ca khúc “Tiếng Việt” và “Thư pháp” thì đã bổ sung thêm “Máu đỏ da vàng” và “Tôi yêu”. Tiết mục này gây xúc động khi truyền tải thông điệp về vẻ đẹp của tiếng Việt, ngôn ngữ gắn kết 54 dân tộc anh em trên mọi miền Tổ quốc. Các nữ nghệ sĩ lần lượt bước ra sân khấu với trang phục và nét đẹp đặc trưng của các dân tộc khác nhau. Chương trình chung kết được nhận định là đậm chất Việt Nam, bừng lên cảm xúc tự hào với tình yêu quê hương đất nước...

Lan tỏa văn hóa truyền thống qua âm nhạc -1
Tiết mục "Nam quốc sơn hà" và "Đất nước trọn lời ru" biểu diễn trong chương trình "Chị Đẹp đạp gió rẽ sóng".

Việc ca khúc “Trống cơm”, “Áo mùa đông” được khán giả trẻ đón nhận hào hứng là những tín hiệu đáng mừng. Có thể nói, văn hóa truyền thống đã trở thành xu hướng mà các ca sĩ trẻ lựa chọn vào tác phẩm của mình. Chúng ta có thể thấy rất rõ điều này trong các sản phẩm âm nhạc cá nhân như “Tứ phủ”, “Bánh trôi nước”, “Để Mị nói cho mà nghe” của Hoàng Thùy Linh, hay Hòa Minzy với “Thị Mầu”, Chi Pu với “Cung đàn vỡ đôi”...

Hoặc, trước đây, màn hóa thân thành nghệ nhân Hà Thị Cầu của Hoài Lâm trong chương trình “Gương mặt thân quen” cũng đã khiến khán giả thích thú và mang về cho ca sĩ này giải cao nhất đêm diễn đó. Hình ảnh nghệ sĩ hóa trang với răng đen, chít khăn mỏ quạ, kéo nhị, hát “Xẩm thập ân” không chỉ là một tiết mục âm nhạc độc đáo mà còn mang đến cho khán giả trẻ nhiều kiến thức về văn hóa, lịch sử.

Sở dĩ, những tiết mục âm nhạc sự kết hợp của yếu tố truyền thống và hiện đại trong một số gameshow ca nhạc thường cuốn hút vì được thực hiện bởi các nghệ sĩ tên tuổi. Bản thân mỗi nghệ sĩ ấy đã là một tài năng, một màu sắc sáng tạo và đầy ắp ý tưởng. Vì thế, khi họ hội tụ, cùng đầu tư chất xám thì sẽ cộng hưởng, tạo thành những tiết mục xuất sắc. Thêm nữa, những tiết mục ấy lại xuất phát từ gameshow có format hấp dẫn như “Chị Đẹp đạp gió rẽ sóng”, “Anh trai vượt ngàn chông gai”, “Gương mặt thân quen”...

Sự quy tụ những gương mặt nghệ sĩ nổi tiếng, trong một chương trình với nhiều nội dung hấp dẫn, mới mẻ từ câu chuyện nhà chung đến các tiết mục sân khấu trình diễn được đầu tư tiệm cận quốc tế. Âm nhạc sẽ là cầu nối để những người tham gia thể hiện được tài năng của mình. Những nhân vật vừa cũ vừa mới, vừa có tính giải trí nhưng lại có chiều sâu nhờ sự trải nghiệm là bí kíp khiến chương trình trở nên hấp dẫn. Họ không chỉ thể hiện tài năng cá nhân mà còn là kỹ năng làm việc nhóm, sự tương tác vừa chân thật, vừa hài hước là những điểm mạnh của những chương trình này. Khán giả sẵn tâm lý tò mò, háo hức không biết những nghệ sĩ ấy sẽ làm gì với tiết mục của mình. Nên chỉ cần tiết mục hay sẽ nhanh chóng tạo thành một hiện tượng trên mạng xã hội. Chưa kể, sự đầu tư từ sân khấu, bối cảnh, trang phục... cũng góp phần mang đến sự cuốn hút cho tác phẩm.

Theo ông Chu Thơm, nguyên Phó trưởng Phòng Nghệ thuật, Cục Nghệ thuật - Biểu diễn thì đây là xu hướng cần được phát huy trong bối cảnh thị trường ca nhạc luôn sôi động, có không ít lo ngại về sự lai căng cũng như những tiết mục thảm họa. Những tiết mục có ý nghĩa truyền bá văn hóa truyền thống, lan tỏa lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc là cần thiết và cần được cổ vũ. Tìm và lan tỏa giá trị xưa theo một phương thức mới chính là giúp cho giá trị truyền thống có được đời sống riêng. Với ý thức trách nhiệm công dân thể hiện trong mỗi tác phẩm, các nghệ sĩ sẽ góp phần giúp thế hệ trẻ hiểu và yêu lịch sử, văn hóa dân tộc hơn. Đặc biệt, ở các chương trình thu hút sự quan tâm lớn của dư luận thì điều này lại càng thuận lợi. Cơn sốt từ những tiết mục ấy đã cho thấy khán giả trẻ vẫn yêu văn hóa truyền thống vô cùng.

Rõ ràng, nếu nghệ sĩ nào cũng có khát khao “Muốn cho những người trẻ hiểu và tiếp cận nhiều hơn nữa, để thêm yêu vốn cổ của dân tộc” như NSND Tự Long từng chia sẻ thì đời sống ca nhạc nói riêng và văn hóa nghệ thuật nói chung sẽ có nhiều tác phẩm hiện đại nhưng vẫn mang đậm văn hóa dân tộc.

https://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/lan-toa-van-hoa-truyen-thong-qua-am-nhac-i739983/

Ngày đăng: 15:41 | 10/08/2024

Khánh Thảo / CAND