Việc hợp nhất một số sở, ngành tương đồng về chức năng, nhiệm vụ là cần thiết để tinh gọn bộ máy nhưng cần sáp nhập ở cả cấp bộ

Bộ Nội vụ vừa công bố dự thảo tờ trình Nghị định về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, thành phố. Trong dự thảo, Bộ Nội vụ đề xuất một số sở, ngành dựa trên các đặc điểm tương đồng về chức năng nhiệm vụ, liên thông trong công tác quản lý nhà nước, tham mưu. Việc hợp nhất theo các phương án Bộ Nội vụ đề xuất sẽ giúp cả nước giảm từ 46 đến 88 sở, ngành.

Bộ Nội vụ đề xuất hợp nhất Sở Kế hoạch và Đầu tư với Sở Tài chính thành Sở Tài chính - Kế hoạch, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) với Sở Xây dựng thành Sở GTVT - Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hợp nhất với Sở Công Thương, Sở Thông tin và Truyền thông hợp nhất với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch… Ngoài ra, Bộ Nội vụ cho rằng cần thí điểm hợp nhất Sở Nội vụ với Ban Tổ chức tỉnh, Thanh tra tỉnh với Ủy ban Kiểm tra, Văn phòng UBND với Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội (QH) và Văn phòng HĐND cấp tỉnh.

lan can viec hop nhat so nganh

Sở Công Thương được đề xuất sáp nhập với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ảnh: MINH CHIẾN

Theo GS-TS Đinh Văn Tiến, nguyên Phó Giám đốc Học viện Hành chính quốc gia, đề xuất này rất hợp lý và cần thực hiện ngay bởi bộ máy đang quá cồng kềnh, trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ. Như Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Tài chính thực chất đều quản lý về kinh tế của một địa phương. "Nhiều năm qua, cũng từng đó công việc, đầu việc nhưng chúng ta "đẻ" ra chỗ nọ, chỗ kia để giải quyết, làm tăng biên chế, phình bộ máy, trong khi việc lại ách tắc" - ông Tiến nói.

Ông Đầu Thanh Tùng, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Thanh Hóa, cho biết đề xuất hợp nhất các sở là quy định khung để thực hiện nên các địa phương phải chờ Chính phủ chính thức ban hành nghị định mới tổ chức phù hợp với thực tế của tỉnh. Hiện Thanh Hóa chưa họp bàn về việc này. Khi Chính phủ thông qua thì cần có các thông tư hướng dẫn cụ thể về việc sắp xếp bộ máy, con người. Những cán bộ lãnh đạo sau khi sắp xếp bộ máy mà không còn được giữ vị trí thì phải sắp xếp như thế nào cho phù hợp và cũng cần có lộ trình để thực hiện.

"Dự thảo nói đến việc sáp nhập Sở Nội vụ với Ban Tổ chức, đến bây giờ chúng tôi chưa mường tượng được khi sáp nhập 2 hệ thống bên khối Đảng và chính quyền thì sẽ như thế nào. Việc bố trí sắp xếp, chức năng, nhiệm vụ sẽ ra sao, cần thiết còn phải sửa đổi các quy định của luật chẳng hạn" - ông Tùng nêu ý kiến.

Đại biểu QH Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách của QH, cho rằng việc hợp nhất phải dựa trên cơ sở chức năng để xác định nhiệm vụ và từ đó định ra bao nhiêu việc làm để biết số lượng biên chế. Việc tổ chức sắp xếp lại rất cấp thiết để tinh gọn bộ máy, loại những cá nhân yếu kém, lạm quyền.

Hai bộ chỉ đạo một sở

Ông Nguyễn Hồng Kỳ, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Nghệ An, cho biết việc hợp nhất giữa Sở GTVT và Sở Xây dựng không hợp lý và đã có văn bản gửi Sở Nội vụ không đồng tình với đề xuất sáp nhập.

Theo ông Kỳ, 2 sở thực hiện 2 nhiệm vụ chuyên môn khác nhau, Sở Xây dựng liên quan đến việc quản lý nhà nước về xây dựng, kiến trúc, thẩm định, quản lý chất lượng công trình còn Sở GTVT thì liên quan đến vấn đề hạ tầng, kết nối, chuyên môn về vận tải, duy tu, sửa chữa đường bộ…

Nếu hợp nhất 2 sở trong lúc 2 bộ GTVT và Xây dựng không hợp nhất dẫn đến một sở mà 2 bộ chỉ đạo, quản lý thì sẽ chồng chéo. Ông Kỳ cho rằng việc tinh giản bộ máy không nhất thiết là phải sáp nhập mà cần thực hiện tinh giản biên chế trong một sở, giảm con người trong thực thi nhiệm vụ nhờ cải cách hành chính.

lan can viec hop nhat so nganh Bộ Nội vụ đề xuất sáp nhập, giảm tối thiểu 46 - 88 sở trên cả nước

Theo các phương án mà Bộ Nội vụ đưa ra thì có thể giảm tối thiểu từ 46 đến 88 sở, chưa bao gồm các ...

lan can viec hop nhat so nganh Gần 10 năm sau sáp nhập, Hà Nội chưa sắp xếp xong số cán bộ dôi dư

Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho rằng công tác tinh giản biên chế cần phải công khai, minh bạch để cán ...

Minh Chiến - Thanh Tuấn

Ngày đăng: 08:39 | 19/04/2018

/ https://nld.com.vn