108 anh hùng hảo hán, nhân tài lại gặp nơi đất hiểm, gặp thời loạn thế rối ren, những tưởng oanh liệt một phen, phất cờ khởi nghĩa thành đại nghiệp. Nhưng muôn sự tại Trời, “mưu sự tại nhân, thành sự tại Thiên”, họ diễn các vai diễn cá nhân của mình cho vở kịch chung, đó là “Anh hùng tụ nghĩa”, “Vì nghĩa xả thân, vì nghĩa trừ hung tàn”. Tuy nhiên vận mệnh mỗi anh hùng đều có thể nhìn ra từ tên và hiệu của họ...
Lâm Xung hiệu Báo Tử Đầu, ứng với sao chiếu mệnh Thiên Hùng Tinh. Ông ngồi ghế thứ 6 trong hàng ngũ các tướng Lương Sơn. Tên hiệu Báo Tử Đầu nghĩa là đầu báo, đúng như tướng mạo oai phong của giáo đầu 80 vạn cấm quân: “Đầu báo, mắt tròn, râu hùm, hàm én, thân cao tám thước (khoảng 1,9 – 2 mét), trạc 34, 35 tuổi”.
Báo Tử Đầu Lâm Xung thành thạo rất nhiều loại binh khí nhưng tài nghệ tuyệt luân nhất của ông là kỹ thuật đánh Bát Xà Mâu. Thương pháp của Lâm Xung cũng thuộc loại xuất quỷ nhập thần, ông từng chiếm ưu thế khi so tài với Đại đao Quan Thắng (hậu duệ của Quan Vân Trường). Lâm Xung cũng từng đánh ngang với với Lỗ Trí Thâm khi ông chỉ có hai tay không và chân mang xiềng xích, trong khi Trí Thâm mang vũ khí sở trường.
Lâm Xung cả đời chỉ vì một chữ Nghĩa, mọi hành động đều suy nghĩ cho người khác, chưa bao giờ nghĩ về mình, luôn hết lòng vì huynh đệ. (Ảnh: youtube.com).
Sao Thiên Hùng Tinh đã mang ý nghĩa của một anh hùng thiên tướng. Ông được mọi người ca ngợi bởi tài năng đức độ và thừa nhận là người có võ công cao nhất trong Thủy Hử truyện.
Tên ông Lâm Xung đã nói lên sự khiêm nhường. “Xung” có nghĩa là “khiêm xung”, nhún nhường, lặng lẽ. Có lẽ vì thế mà tài năng võ công bậc nhất Lương Sơn, nhưng ông chưa bao giờ chủ động ra tay trước, chỉ xuất chiêu sau khi đối thủ đã tấn công trước. Ông là một Nho tướng, trung hậu, trượng nghĩa, khiêm nhu, nhẫn nhịn, có tài năng và ôm chí lớn kinh bang tế thế.
Cuộc đời Lâm Xung trước khi lên Lương Sơn rất éo le: Bị bạn thân (Lục Khiêm) phản bội và bị bọn gian thần hãm hại đến thân bại danh liệt mất hết nhà cửa, vợ bị giết. Lâm Xung vốn có thù sâu với Cao Cầu, nhưng lần nào cũng không giết được Cao Cầu. Triều đình liên tục phát binh chinh phạt, Lâm Xung lập nhiều chiến công. Một lần nghĩa quân Lương Sơn bắt được Cao Cầu, được tin Lỗ Trí Thâm báo, Lâm Xung rất lấy làm vui mừng mang đao định giết chết hắn nhưng bị Tống Giang cản lại không cho giết, Lâm Xung lấy làm uất hận thổ huyết!
Báo Tử Đầu (Đầu báo) Lâm Xung (Xung còn có nghĩa là xông lên) nên ông luôn là người gánh chịu gian nan, đúng là: “Gian nan là nợ anh hùng phải vay”. Cả đời chỉ vì một chữ Nghĩa, mọi hành động đều suy nghĩ cho người khác, chưa bao giờ nghĩ về mình, luôn hết lòng vì huynh đệ. Vậy mà lần duy nhất muốn giết Cao Cầu trả thù cho huynh đệ, trả thù nhà, thì lại bị chính người ông kính trọng Tống Giang ngăn cản. Đây chính là nguyên nhân chính dẫn đến cái chết của ông.
Khi quy hàng triều đình cũng chính là cắt nanh vuốt của Báo Tử Đầu vậy. Và khi đánh thắng Phương Lạp, bằng hữu tri kỷ của ông Lỗ Trí Thâm nghe tiếng sóng tín triều sông Tiền Đường ngộ Đạo, viên tịch, thì ông không còn lý do sống tiếp nữa. Lâm nghĩa là khu rừng, khi con báo xông ra khỏi rừng rồi thì không còn là chúa tể rừng xanh nữa: “Hổ lạc Bình Dương bị khuyển khi” (Hổ xuống đồng bằng bị chó khinh).
Đối với Lỗ Trí Tâm, bằng hữu tri kỷ của Lâm Xung, cũng có cuộc đời ứng nghiệm với cái tên của mình. Lỗ Trí Thâm tên thật là Lỗ Đạt, biệt hiệu là Hoa Hòa Thượng, ứng với sao chiếu mệnh Thiên Cô Tinh. Sao Thiên Cô nghĩa là ngôi sao cô độc trên trời, nói rõ ông là hiệp khách độc hành, như ra tay dạy Trịnh Đồ, lỡ tay hơi mạnh khiến hắn mất mạng, nhổ cây dương liễu thu phục nhóm lưu manh, đi theo ngầm bảo vệ Lâm Xung trên đường đi đày, bắt sống Hạ Hầu Thành, bắt sống Phương Lạp…
Cái tên Lỗ Đạt nói rõ ông là người thoáng đạt, không câu nệ tiểu tiết, xuất gia mà vẫn uống rượu, ăn thịt, không ngồi thiền, nhưng ông luôn giữ được cái tâm ngay thẳng, trong sạch, thuần thiện, vì nghĩa. Trong Phật gia luôn có câu rằng “Trực tâm thị Đạo trường” (Trực tâm chính là Đạo trường), hay “Trực chỉ nhân tâm, kiến tính thành Phật”, rất đúng với Lỗ Đạt.
Tên Lỗ Trí Thâm do sư phụ ông Trí Chân trưởng lão đặt cho, nó chứa đựng nhiều bí ẩn đến lai lịch nguồn gốc thâm sâu của ông. (Ảnh: IT).
Còn cái biệt hiệu Hoa Hòa Thượng nghĩa là vị hòa thượng ăn chơi như công tử, ám chỉ ông vẫn rượu thịt, không giữ giới, gần giống như từ “Sư hổ mang” trong tiếng Việt.
Tên Lỗ Trí Thâm do sư phụ ông Trí Chân trưởng lão đặt cho, nó chứa đựng nhiều bí ẩn đến lai lịch nguồn gốc thâm sâu của ông. Trí Thâm nghĩa là ‘Trí huệ sâu xa’. Vị sư phụ cao tăng này đã nhìn ra chân diện mục ẩn chứa trong cái xác phàm của kẻ vũ dũng thô kệch kia là một bậc Giác giả, có sứ mệnh xuống trần diễn chữ Nghĩa, và cảnh tỉnh con người đi sai đường tu luyện, không nhắm vào cái tâm mà tu, trái lại lại đi theo hình thức như tập trung vào ngồi thiền, không ăn thịt…
Lỗ Trí Thâm đến Đại Tướng Quốc Tự, Trí Chân trưởng giả đã tiên đoán rằng: “Ngộ lâm nhi khởi, ngộ sơn nhi phú, ngộ thủy nhi hưng, ngộ giang nhi chỉ”. Lâm tức chỉ Lâm Xung. Sơn là nói đến Nhị Long sơn, nơi Lỗ Trí Thâm làm đầu lĩnh. Thủy ám chỉ vùng đầm lầy Lương Sơn. Giang ắt nói đến Tống Giang. Vậy câu này có nghĩa là gặp Lâm Xung thì bắt đầu, đến Nhị Long sơn thì giàu có. Bước vào vùng Lương Sơn thì hưng thịnh, đến khi gặp Tống Giang là kết thúc.
Lần thứ hai khi gặp lại sư phụ, Trí Chân trưởng lão lại bật mí cho đệ tử một thiên cơ nữa: “Phùng hạ nhi cầm, ngộ lạp nhi chấp, thính triều nhi viên, kiến tín nhi tịch”.
Thực tế, gặp Hạ thì bắt, ông đã bắt sống tướng Hạ Hầu Thành của Phương Lạp; gặp Lạp thì trói – ông đã bắt trói Phương Lạp; khi nghe tiếng sóng triều cũng là lúc viên tịch. Nghe tiếng sóng “Tín triều” sông Tiền Đường, ông đại ngộ, ngồi đả tọa rồi ra đi.
Kính Sơn Đại Huệ thiền sư cuối cùng chỉ vào quan tài của Lỗ Trí Thâm mà rằng: “Lỗ Trí Thâm, Lỗ Trí Thâm! Khởi thán tự rừng xanh. Hai con mắt phóng hỏa, một mảnh tâm sát nhân. Bỗng đi theo thủy triều, quả nhiên tìm không ra. Ồ! Thân được giải thoát khắp trời đều là bạch ngọc, khiến cho mặt đất thành hoàng kim”. Hai câu sau “thân được giải thoát khắp trời đều là bạch ngọc, khiến cho mặt đất thành hoàng kim” là thần tích xuất hiện khi một người đã giác ngộ, là Phật mới có được vinh diệu này. Vì vậy Lỗ Trí Thâm sau khi chết đã được giải thoát, trở thành Đấng Giác Ngộ.
Thủy Hử: Hé lộ kẻ hưởng lợi nhất khi Tống Giang chết Sự thực là cái chết của Tống Giang không đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho bè lũ gian thần như Thái Kinh, Cao ... |
Ẩn ý sâu xa của Thi Nại Am khi đặt tên tác phẩm là "Thủy Hử" Hàng thế kỷ qua đi, hậu thế kỳ thực vẫn chưa có mấy người thực sự hiểu hết ẩn ý của Thi Nại Am sau ... |
Ngày đăng: 22:16 | 20/01/2019
/ http://danviet.vn