1/3 số quả phạt đền tại World Cup 2022 tính tới thời điểm này đã bị cản phá, đặt ra một câu hỏi lớn cho các đội bóng cuối cùng còn sót lại ở Qatar: Làm thế nào để chiến thắng trên loạt sút luân lưu, khi xác suất phân định trận đấu bằng penalty ngày một tăng cao?

Các cú sút từ chấm 11m đang trở thành nỗi ám ảnh với các đội bóng. 2/8 trận tại vòng knock-out ghi nhận trận đấu bước sang loạt sút luân lưu và cả hai đều diễn ra theo cùng một kịch bản: Một đội sút rất tốt, còn một đội sút… quá tệ. Trong 7 quả đá của Nhật Bản và Tây Ban Nha, chỉ 1 người thực hiện thành công, là tiền đạo Asano. Chuyện gì đang xảy ra với các cầu thủ ở đẳng cấp bóng đá cao nhất?

Tại World Cup 1966, có 8 quả phạt đền được thực hiện và tất cả đều được chuyển hoá thành bàn thắng. Sau hơn nửa thập kỷ, xu hướng ấy thay đổi hoàn toàn. Trong 24 nỗ lực dứt điểm từ chấm phạt đền, có 8 lần thủ môn đẩy được và 1 lần bóng tìm tới cột dọc. Nghĩa là cứ sau 3 cú sút vào sẽ là 1 cú sút trượt.

Sút phạt đền thực sự đã trở thành nỗi ám ảnh với các nền bóng đá, từ nhỏ tới lớn, buộc những người trong cuộc phải đặt ra câu hỏi: Là vì khả năng sút phạt đền của cầu thủ kém đi, hay trình độ của thủ môn đã được nâng cấp lên đẳng cấp hoàn toàn khác?

Khi câu hỏi ấy khó có thể được giải đáp trong ngày một ngày hai, có một sự thật khác đã được thừa nhận rộng rãi: Các HLV cấp ĐTQG không còn coi nhẹ bài tập sút penalty. Luis Enrique cho các cầu thủ Tây Ban Nha tập sút pen tới… 1.000 lần trong cả năm qua. Gareth Southgate thậm chí đã tìm tới đội khúc côn cầu của Anh để học hỏi phương pháp giành chiến thắng trong loạt đấu súng. Ông nghiên cứu từ dáng chạy đà, tới xác suất một cầu thủ thường sút thành công penalty ở loạt sút thứ mấy và sử dụng chế độ tư vấn tâm lý 1-1 cho các cầu thủ. Tất nhiên, kể cả khi đã áp dụng công nghệ, khoa học thì không HLV nào trên thế giới có thể loại bỏ hoàn toàn tính chất của trò quay xổ số tồn tại trong bản chất quả sút phạt đền.

1.jpg -0
Dominik Livakovic là người hùng của Croatia trong loạt luân lưu tại vòng 1/8 gặp Nhật Bản.

Nhưng công cuộc đi tìm câu trả lời cho loạt luân lưu không thể dừng lại, vì bản chất của con người là luôn vận động để chiến thắng được may mắn, vượt qua những rào cản mà tự nhiên và tạo hoá ấn định.

Geir Jordet, Giáo sư của Trường Đại học Khoa học Thể Thao Na Uy đưa ra các báo cáo dưới đây để tăng cơ sở dữ liệu cho những đội bóng muốn giải mã penalty. Trong nhiều năm liền, luôn tồn tại một định kiến rằng đội được sút penalty trước sẽ là đội nắm lợi thế bởi lẽ trong trường hợp đẹp nhất, khi cả hai đội đều sút thành công ở 4 lượt đầu và đội sút trước thực hiện tốt loạt đá thứ 5, đội đá sau sẽ gặp áp lực tâm lý. Khoa học thống kê, mặt khác, chỉ ra điều ngược lại.

Trong 660 loạt sút luân lưu được Giáo sư Jordet nghiên cứu từ năm 1970 tới giờ tại các giải đấu chính thức của FIFA, phối hợp cùng Đại học Trinity ở Texas, chỉ 50,8% số đội thực hiện lượt đá đầu tiên giành chiến thắng chung cuộc. Với bóng đá nữ, thống kê thậm chí còn chống lại các đội sút trước, với tỷ lệ thắng vỏn vẹn là 37,5%. Dữ liệu dưới đây thậm chí còn ủng hộ các đội sút sau: 6 đội gần nhất thắng luân lưu ở World Cup đều là những đội sút sau!

Vị trí dứt điểm là một phạm trù khác cần được quan tâm tại loạt luân lưu. Ziyech và Hakimi, hai ngôi sao lớn nhất của Morocco đều sút bóng vào giữa gôn trong chiến thắng của đại diện Bắc Phi trước Tây Ban Nha. Có điều, khoa học lại nói rằng bạn chỉ nên sút vào giữa gôn khi đang có lợi thế tâm lý, tức là dẫn điểm tại loạt luân lưu như trường hợp của Morocco.

Tính từ World Cup 1982, chỉ 57% các cú sút phạt đền hướng bóng vào giữa cầu môn được chuyển hoá thành bàn thắng. Trong khi đó, nếu sút bóng sang hai bên trái/phải, 75% pha dứt điểm đưa bóng vào lưới. Thậm chí, tỷ lệ thành bàn sẽ tăng lên 91% nếu các cú sút phạt đền hướng bóng lên góc cao.

Đây có lẽ chính là vấn đề Nhật Bản và Tây Ban Nha cần khắc phục ngay sau World Cup 2022. Tại World Cup 2018, chỉ 9/24 cú sút phạt đền được thực hiện ở góc thấp hai bên cầu môn. Sút càng thấp - điều diễn ra ở 5/6 quả đá penalty hỏng ăn của hai đội - càng giúp thủ môn đối phương dễ bắt bóng bởi xu hướng đổ người tự nhiên của thủ môn là hướng trọng tâm cơ thể xuống sát mặt đất.

Loạt tứ kết bắt đầu từ tối nay nhiều khả năng tiếp tục ghi nhận các kịch bản cần được định đoạt bởi penalty bởi trình độ tương đương giữa các nền bóng đá lớn. Tờ Telegraph xác nhận trong hai buổi tập mới nhất, Gareth Southgate đều dành thời gian cho các cầu thủ Anh tập sút luân lưu. Trong khi đó, Hà Lan còn mang theo chuyên gia cố vấn các tình huống cố định tới Qatar. Penalty, một lần nữa, sẽ là chủ đề được bàn tán trên diện rộng tại World Cup 2022.

Ai sút pen tốt nhất?

Trong 8 đội dự tứ kết World Cup 2022, Croatia đang là đội có thành tích tốt nhất. Họ đạt tỷ lệ thắng luân lưu 100% sau 3 lần trải qua các loạt đấu súng, mới nhất là chiến thắng trước Nhật Bản. Xếp sau là Argentina. Đội bóng tới từ xứ Tango đã trải qua 5 loạt đấu súng tại 4 kỳ World Cup, giành chiến thắng tới 4 lần và thất bại duy nhất họ phải chịu là trận thua trước Đức tại World Cup 2006, năm Đức là chủ nhà. Brazil, đối thủ truyền kiếp của Argentina cũng luôn thể hiện được bản lĩnh của mình. Tổng cộng, Selecao đã thắng penalty ở 3/4 trận tại World Cup.

Hà Lan không có nhiều ký ức vui vẻ với phạt đền, khi thua 2/3 trận tại World Cup phải giải quyết bằng penalty, bao gồm thất bại trước chính người Đức. Trong khi đó, Anh là một trong những đội bóng đá pen tệ nhất World Cup. 3 lần đầu tiên bước lên loạt đấu súng tại các giải đấu năm 1990, 1998 và 2006, Anh đều thua penalty. Nếu xét thêm cả EURO, chính Southgate sút hỏng phạt đền tại bán kết EURO 1996 trong trận bán kết gặp Đức. Phải tới World Cup 2018, Anh mới hoá giải lời nguyên penalty, khi vượt qua Colombia với tỷ số 4-3.

 https://cand.com.vn/worldcup2022/lam-the-nao-de-chien-thang-trong-loat-luan-luu-tai-world-cup--i677090/

Ngày đăng: 09:11 | 09/12/2022

Đơn Ca / Công an nhân dân