Sau kỳ nghỉ Tết kéo dài, nhiều giáo viên, phụ huynh phải vất vả dạy lại vì trẻ quên kiến thức. Để con luôn ghi nhớ các nội dung đã học, các bậc cha mẹ cần nắm giữ những bí quyết riêng để trị bệnh "quên" này.

Tết là cơ hội "vàng" để bố mẹ dạy con kỹ năng sống và những kiến thức gắn liền với thực tế. Ảnh: Thuỳ Trang

Dạy con tri ân tổ tiên, ông bà, cha mẹ

Tết Nguyên Đán Canh Tý đang tới gần, đây là dịp để mọi người trong gia đình quây quần bên nhau, để con cháu thể hiện lòng biết ơn với ông bà, cha mẹ. Qua đó, các bậc cha mẹ có thể dạy con những bài học hay trong cuộc sống, về những phong tục tập quán tốt đẹp mang đậm bản sắc riêng của dân tộc trong ngày Tết cổ truyền Việt Nam. 

Để con không quên kiến thức đã học, cha mẹ hãy tâm sự với con về những đóng góp của tổ tiên với con cháu và sự vất vả của ông bà đã nuôi cha mẹ nên người. Cha mẹ có thể khéo léo lồng ghép vào từng hoạt động của Tết các câu chuyện như: Sự tích ông táo về trời, Sự tích bánh chưng, bánh giầy, Sự tích Lạc Long Quân và Âu Cơ...

 Trẻ con học gói bánh chưng

Khi tham dự các lễ hội, đi tham quan các di tích đầu xuân cũng là dịp để cha mẹ giúp con khắc sâu các câu chuyện lịch sử qua chuyện về Thánh Gióng, Sự tích Hồ Gươm, các nhân vật lịch sử nổi tiếng được lập nhiều đền thờ khắp cả nước như Vua Hùng, Hưng đạo đại vương Trần Quốc Tuấn,  tướng Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Quang Trung, Chủ tịch Hồ Chí Minh, đại tướng Võ Nguyên Giáp... hay những nét đặc trưng của dân tộc như trầu cau, nặn tò he, hát quan họ...

Qua mỗi câu chuyện, mỗi sự kiện ngoài việc giúp trẻ khắc sâu kiến thức đã học trong nhà trường, bố mẹ còn gợi cho con có những hành động cụ thể tri ân tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Cha mẹ hãy kiên nhẫn giải thích về những mối liên hệ máu mủ, ruột rà để bé có thể hiểu được ý nghĩa huyết thống của gia đình mình.

Nhắc lại kiến thức trong mỗi câu chuyện 

Cùng con đi chợ, ngoài việc giúp con tận hưởng không khí chợ quê ngày xuân, cha mẹ còn có thể dạy con về cách phân biệt các loại cây, rau quả, con vật mà con đã học trong sách Sinh học. Không chỉ có vậy, hướng dẫn con cách tính tiền cũng là một cách để rèn luyện về các phép tính.

Trong mỗi một câu chuyện, một việc làm, phụ huynh đều có thể khéo léo lồng ghép các kiến thức trẻ đã học trên lớp.  Cha mẹ có thể tranh thủ những khi cùng bé làm việc nhà hoặc vào những giờ kể chuyện trước khi đi ngủ để dạy bé. Thậm chí, có thể giúp con hiện thực hoá việc "học đi đôi với hành".

Dạy con câu chúc

Chúc Tết là phong tục tốt đẹp trong truyền thống của người Việt. Dạy con có những lời chúc thích hợp với từng người, những bài thơ, bài hát, câu đối để con chúc Tết ông bà, các thành viên trong gia đình, thầy cô giáo... là một điều cha mẹ đừng bỏ qua.
Ngoài việc dạy con nói, cha mẹ hãy hướng dẫn con viết ra các câu chúc, câu đối ra bao lì xì, ra giấy giúp các con vừa nhớ lâu lại có thể rèn chữ đẹp.

Cơ hội "vàng" để dạy kỹ năng sống

Tết là khoảng thời gian quý giá để dạy con kỹ năng sống và tìm hiểu về những nét đẹp văn hóa của dân tộc.

Bằng cách phân công cho con những công việc nhỏ như dọn dẹp đồ chơi, gấp quần áo, lau bàn học… cha mẹ có thể vừa làm vừa dạy bé nguyên nhân tại sao các gia đình thường dọn nhà để đón Tết, hướng con cách sống ngăn nắp, gọn gàng và sẻ chia công việc với mọi người trong gia đình.

Cha mẹ hãy nhớ đừng biến trẻ trở thành những cô cậu bé “nghiện” ipad, điện thoại thông minh… để bố mẹ "rảnh tay" dịp Tết.

TUỆ NHI

Ngày đăng: 08:32 | 18/01/2020

/ laodong.vn