Từng có nhiều chuyện truyền miệng xoay quanh tình cảm của nhạc sĩ Lam Phương dành cho danh ca Bạch Yến cũng như sự ra đời một loạt tình ca bất hủ trong giai đoạn ấy.

Trước đây, Lam Phương từng yêu Bạch Yến đắm say. Mối tình đầu hoa mộng đã không thành vì Bạch Yến từ chối, mặc cho Lam Phương đã bắt đầu thành danh và trở thành thần tượng của nhiều cô gái Sài Gòn. Túy Hồng (người vợ kết hôn với Lam Phương từ năm 1959) có ghen, nhưng không thể hiện điều đó ra ngoài. Có lẽ bà hiểu rằng, mất đi những tình yêu trong trái tim đa cảm của chồng, thì Lam Phương khó viết được nhạc tình nữa. Bà tôn trọng không gian riêng trong tâm hồn nghệ sĩ lãng mạn của chồng mình.

Trở lại với Bạch Yến, sau thành công của Đêm đông, con chim yến trắng quyết định bay cao, không cam phận hát mãi ở sân khấu Sài Gòn.

Năm 1961, Bạch Yến mới 19 tuổi, có chút vốn liếng kinh nghiệm và cả tài chính từ những năm tháng hát trong ban nhạc Philippine của ông bầu Ely Javier, đã quyết định qua Pháp du học về thanh nhạc. Bạch Yến ra đi, bỏ lại sau lưng quá khứ chán chường, nghèo khó với tuổi thơ gia đình tan vỡ. Cả trận hỏa hoạn thiêu rụi ngôi nhà duy nhất mà cô nương náu vào năm 1954 cũng đáng để xóa nhòa trong cô. Cô cũng cố quên chuỗi ngày mới mười hai tuổi đã cùng đứa em trai chín tuổi biểu diễn mô-tô trong cái lồng được mô tả “như ống cống” bay kiếm tiền mà hậu quả là vụ tai nạn suýt lấy đi mạng sống của cả hai chị em!

lam phuong co vo van om tinh bo vo voi danh ca bach yen
Nhạc sĩ Lam Phương thời trẻ.

Bạch Yến rũ bỏ được tất cả quá khứ tủi khổ của mình thì Lam Phương ôm khung trời hoài niệm người tình thuở xưa. Cảm tác biệt ly nhuốm đầy các trang nhạc của Lam Phương giai đoạn này. Cuộc chia ly dẫu chỉ dành cho Bạch Yến cũng đã mở ra rất nhiều cuộc chia ly về sau trong cuộc đời người nghệ sĩ đa đoan. Thời kỳ này ông viết: Tình bơ vơ, Thu sầu, Phút cuối, Chờ người, Xin thời gian qua mau...

Lam Phương chưa từng nói các ca khúc này sáng tác cho Bạch Yến. Bạch Yến cũng phủ nhận mình là hình ảnh, là nguồn cảm hứng của các bản nhạc ở giai đoạn này của Lam Phương. Tuy vậy, từ năm 1961, mốc thời gian Bạch Yến ra nước ngoài tu nghiệp, Lam Phương đã viết các ca khúc trên. Trả lời phỏng vấn nhà báo Hoàng Nguyên Vũ trong cuốn Thân phận và Hào quang, nữ danh ca Bạch Yến cho biết, Túy Hồng nhiều lần nói rằng, hàng trăm sáng tác của Lam Phương là dành cho Bạch Yến. Người bàn bà đầu ấp tay gối luôn có những nhạy cảm trước sự khác thường từ nơi chồng…

Bạch Yến cũng thổ lộ thêm, bà đã từng từ chối lời cầu hôn của Lam Phương và nhận lời kết hôn với nhạc sĩ Trần Quang Hải (con trai Giáo sư Trần Văn Khê) chỉ sau 24 giờ quen nhau. Lam Phương đã có những tình cảm rất thân tình trong gia đình của Bạch Yến và nhạc sĩ Trần Quang Hải cũng dành cho Lam Phương sự quý mến đặc biệt.

Cuộc đời đã đáp lại chút hoài vọng thành công của Bạch Yến khi tại châu Âu, cô liên tục có đất diễn và thu nhập ổn định. Nhưng rồi ở trời Tây, việc một nữ ca sĩ gốc Á hát hay thì cũng chỉ là một gương mặt xa lạ trong nền âm nhạc khắt khe, kinh viện. Hai năm sau, cô trở lại Việt Nam và “trụ lại ở phòng trà Tự Do của ông Ngô Văn Cường, một người từng sống lâu năm ở Pháp. Bấy giờ Bạch Yến đã bước sang tuổi 21, và đã trải qua bảy năm sống đời ca hát với những thành công rực rỡ. Cô được nhiều phòng trà, vũ trường mời gọi”.

Và vẫn với lời kể của Bạch Yến qua cuộc phỏng vấn trong cuốn Thân phận và Hào quang, cô cho biết: Năm 1965, Ed Sullivan mời Bạch Yến sang Mỹ. Các chương trình trình diễn của Ed Sullivan lúc ấy cực kỳ ăn khách, giới thiệu tất cả những ban nhạc và ca sĩ hàng đầu của Mỹ, Anh và thế giới, có show thu hút đến 35 triệu người xem. Bạch Yến lên hát show này và rồi được mời nán lại đi lưu diễn khắp Mỹ châu thêm 12 năm nữa, bên cạnh những nghệ sĩ lừng danh của Hoa Kỳ như Bob Hope, Bing Crosby, Pat Boone... Có thể nói, Bạch Yến là ca sĩ Việt Nam duy nhất hiện diện bên cạnh những nghệ sĩ quốc tế trong hơn một thập niên.

lam phuong co vo van om tinh bo vo voi danh ca bach yen
Danh ca Bạch Yến nổi tiếng bởi thanh lẫn sắc.

Hai năm ngắn ngủi ở Việt Nam với ra đi - trở về - lại ra đi, Bạch Yến đã treo lên khuông nhạc Lam Phương những nốt sầu diệu vợi. Lần cuối cùng ấy, Lam Phương gọi là Tình bơ vơ.

"Ngày mình yêu

Anh đâu hay tình ta gian dối

Để bước phong trần tha hương

Em khóc cho đời viễn xứ

Về làm chi rồi em lặng lẽ ra đi

Gom góp yêu thương quê nhà

Dâng hết cho người tình xa."

Đúng như nhà văn Nguyễn Đình Toàn nhận xét về ca từ của Lam Phương trong cuốn Bông hồng tạ ơn: Lam Phương không phải là người có ưu thế khi viết lời ca, nhưng ông giữ sự trung thực, không cố viết những lời làm ra mới mẻ, nhưng tựu trung chẳng có ý nghĩa gì như một số người khác đã làm.

Công chúng yêu nhạc Lam Phương đã rất có lý khi yêu Tình bơ vơ và còn hát mãi cho tới ngày nay, bất kể trong nước hay hải ngoại. Bản nhạc có lời giản dị, kể chuyện nhưng vẫn mang tính dự cảm về một định số “viễn xứ” mở ra kết cục “cuối cùng là tình bơ vơ”...

Tình bơ vơ thuần túy là một bản tình ca, nhưng hiếm có bài hát nào có số phận trớ trêu và lận đận như ca khúc này.

LTS: Lam Phương, "cha đẻ" của gần 160 nhạc phẩm mà phần nhiều trong số đó được khán giả Việt Nam thuộc nằm lòng như: Một mình, Biển tình, Ngày buồn, Cỏ úa, Thu sầu, Tình như mây khói...

Cuốn sách "Lam Phương - Trăm nhớ nghìn thương" (Công ty Phan Book, NXB Phụ Nữ) do tác giả Nguyễn Thanh Nhã chấp bút kể nhiều hơn chuyện "bếp núc" xoay quanh cuộc đời đào hoa nhưng không thiếu trắc trở, bẽ bàng của vị nhạc sĩ tài danh này. Thông qua tình sử với các bóng hồng đi qua đời ông, khán giả sẽ hiểu hơn vì sao những tình khúc bất hủ được ra đời.

Ở kỳ đầu tiên, VietNamNet xin đăng trích lục bài viết "Dự cảm chia lìa" trong cuốn sách này đến độc giả.

Nguyễn Thanh Nhã

lam phuong co vo van om tinh bo vo voi danh ca bach yen Nhạc sĩ Lam Phương và mối tình bi thương với cô học trò xinh đẹp

Trước khi đến với Túy Hồng, nhạc sĩ Lam Phương đã trải qua vài mối tình và không ít lần ông phải ôm nỗi đau ...

Ngày đăng: 00:12 | 13/11/2019

/ vietnamnet.vn