Giá xăng dầu là một trong những nguyên nhân chính đẩy lạm phát tăng, cùng với đó là hàng loạt thách thức đẩy lạm phát tăng cao trong năm 2022. Theo dự báo của nhiều chuyên gia và các tổ chức kinh tế tài chính thì chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2022 khó giữ được ở mức dưới 4%.

Xăng dầu tăng phi mã tác động mạnh tới lạm phát

Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), lạm phát năm 2022 của Việt Nam tăng 3,9%, sát ngưỡng mục tiêu kiểm soát 4% đặt ra. Ngân hàng Standard Chartered dự báo lạm phát năm 2022 của Việt Nam vượt mục tiêu 4% Quốc hội đề ra và có thể lên 5,5% trong năm 2023. Trong khi đó, dựa trên yếu tố giá dầu thô tăng cao, Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) dự báo nếu giá dầu bình quân năm 2022 ở mức 80 USD/thùng, lạm phát năm 2022 của Việt Nam có thể ở mức 4,5%; còn nếu giá dầu duy trì trên ngưỡng 100 USD/thùng, lạm phát có thể tăng lên mức 5,1%.

LAM_PHAT-1652752487319 (1)
Cần rà soát và tính toán lại các mức chi phí trong cơ cấu tính giá cơ sở mặt hàng xăng dầu và các loại thuế, phí.

TS Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp (Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, lạm phát đã và đang đe dọa rất nhiều nền kinh tế thế giới, đặc biệt là các nền kinh tế lớn có liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine như: EU, Mỹ, Anh..., khi mà lạm phát đã đạt mức cao nhất trong vòng 40 năm nay và chưa có dấu hiệu dừng lại. Nếu so sánh với các nước này, thì lạm phát ở Việt Nam hiện nay vẫn "rất ổn". Cụ thể, CPI 4 tháng đầu năm nay tăng 2,1%, cao hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm 2021 (4 tháng đầu năm 2021, CPI tăng 0,89%), nhưng vẫn là mức tăng thấp so với giai đoạn 2017 - 2020 (CPI 4 tháng đầu năm 2017 tăng 4,8% và 4 tháng đầu năm 2020 tăng 4,9%). Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm, nền kinh tế còn nhiều biến động, nên CPI khó giữ được ở mức tăng dưới 4%.

TS Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, xăng dầu là mặt hàng chiến lược, quan trọng, chiếm 3,52% trong tổng chi phí sản xuất của toàn bộ nền kinh tế, chiếm 1,5% trong tổng chi tiêu dùng của hộ gia đình, sử dụng tại hầu hết các ngành, lĩnh vực nên biến động giá xăng dầu sẽ tác động mạnh đến giá sản xuất và giá tiêu dùng. Khi giá xăng dầu trong nước tăng 10% sẽ làm cho lạm phát tăng 0,36%.

Đa dạng nguồn cung hàng hóa cho nền kinh tế

Để kiềm chế đà tăng giá của giá xăng dầu, TS. Trần Toàn Thắng cho rằng, hiện có 4 sắc thuế đánh vào mặt hàng xăng dầu, Việt Nam mới chỉ giảm 50% thuế suất thuế bảo vệ môi trường. Do đó, Chính phủ cần nghiên cứu giảm các sắc thuế còn lại như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng như nhiều nước đã thực hiện. Còn việc trợ giá cho người tiêu dùng là khó, vì chưa có tiền lệ. Giải pháp tối ưu là giảm thuế nhập khẩu và xem xét giảm phí giao thông đường bộ bằng việc kéo dài thời gian hoàn vốn đối với các dự án BOT. Chi phí giao thông giảm sẽ tạo điều kiện cho các hoạt động khác giảm được chi phí, kéo lùi tốc độ tăng CPI.

TS Nguyễn Bích Lâm dự báo lạm phát của Việt Nam năm 2022 nằm trong khoảng 4-4,5%. Với độ trễ của gói phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và dự báo năm 2023 lạm phát vẫn ở mức cao so với lạm phát mục tiêu của các nền kinh tế là đối tác quan trọng của kinh tế Việt Nam, dự báo lạm phát năm 2023 của Việt Nam khoảng 5-5,5%. Nhìn chung, dự báo lạm phát cả giai đoạn 2021-2025 khoảng 4% - đạt mục tiêu kế hoạch đề ra trong kiểm soát lạm phát cả thời kỳ kế hoạch 5 năm.

Để lạm phát Việt Nam cả giai đoạn 2021-2025 khoảng 4% - đạt mục tiêu kế hoạch đề ra trong kiểm soát lạm phát cả thời kỳ kế hoạch 5 năm, TS Nguyễn Bích Lâm cho rằng, Chính phủ cần kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng thúc đẩy tổng cung, giảm áp lực lạm phát. Cần đa dạng hóa nguồn cung. Đảm bảo nguồn cung của từng nhóm nguyên vật liệu của mỗi ngành không phụ thuộc vào một thị trường, một khu vực. Bộ Công Thương chủ trì, cùng với các bộ, ngành liên quan đẩy mạnh hoạt động tìm kiếm nguồn cung và thị trường tiêu thụ sản phẩm. Cần có dự báo, dự trữ xăng dầu, trong đó phải dự trữ bằng hàng, chứ không phải bằng tiền, nhằm đảm bảo an ninh năng lượng.

Đối với xăng dầu, Bộ Công Thương cần kiến nghị với Chính phủ mở rộng, nâng cao năng lực kho dự trữ xăng dầu đáp ứng dài hơn nhu cầu của nền kinh tế, giảm bớt lệ thuộc và tác hại của giá xăng dầu thế giới tăng cao đến sự ổn định và phát triển kinh tế. Bộ Tài chính cần rà soát và tính toán lại các mức chi phí trong cơ cấu tính giá cơ sở mặt hàng xăng dầu và các loại thuế, phí...

 

Ngày đăng: 09:26 | 17/05/2022

/