Hà Nội vừa đề xuất giải thể tới 41 ban chỉ đạo không còn phù hợp. Nhiều địa phương khác cũng lạm phát ban chỉ đạo khiến công việc chồng chéo, giẫm chân nhau gây lãng phí nhân lực, tiền của

UBND TP Hà Nội vừa hoàn thành việc rà soát các ban chỉ đạo (BCĐ) của TP. Theo đó, 10 năm qua, đã có 302 BCĐ của TP Hà Nội được thành lập trong các lĩnh vực khác nhau.

Hình thức, không hiệu quả

Tính đến cuối tháng 7-2017, TP Hà Nội tồn tại 108 BCĐ còn hiệu lực hoạt động. Trong đó, nhiều nhất là lĩnh vực kinh tế với 41 BCĐ; khoa giáo, văn xã 33 BCĐ; đô thị 19 BCĐ; nội chính, an ninh, quốc phòng và tư pháp có số BCĐ thấp nhất với 15 ban.

Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới xã Hòa Bình, TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum tổ chức lực lượng thi công đường giao thông nông thôn Ảnh: HOÀNG THANH

Theo Văn phòng UBND TP Hà Nội, việc thành lập quá nhiều BCĐ có thể làm giảm trách nhiệm tham mưu, quản lý nhà nước của các cơ quan chuyên môn. Một số BCĐ hoạt động còn hình thức, hiệu quả không cao, lãng phí nguồn lực, kinh phí, thời gian của các thành viên. Cơ chế hoạt động BCĐ gồm nhiều thành viên là lãnh đạo các sở, ngành cũng ảnh hưởng đến nguyên tắc chỉ đạo, điều hành của UBND TP.

Do đó, chủ trương của TP Hà Nội là sáp nhập các BCĐ có nội dung trùng lặp, chung cơ quan thường trực; giải thể những BCĐ không phù hợp và chỉ giữ lại những BCĐ mà trung ương quy định phải thành lập. Cụ thể, phương án là giữ nguyên 40 BCĐ, sáp nhập 27 BCĐ thành 8, giải thể 41 BCĐ (từ 108 xuống 48).

Theo báo cáo của đơn vị rà soát, đa số các cơ quan thường trực thống nhất về việc giải thể các BCĐ theo phương án đề xuất nêu trên. Tuy nhiên, một số cơ quan đề nghị được giữ nguyên, như Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị giữ nguyên, kiện toàn lại BCĐ thực hiện đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị giữ nguyên BCĐ dự án cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm đến hết năm 2018...

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng việc chấn chỉnh lại hoạt động của các BCĐ là cần thiết để giảm tải cũng như nâng cao hiệu quả công tác cho các sở, ngành. Vì sự cần thiết này, ông Chung yêu cầu Văn phòng UBND TP Hà Nội cùng các ngành rà soát chính xác lại một lần nữa để có cơ sở đề xuất sáp nhập các BCĐ, từ đó đề ra quy trình làm việc cụ thể, hiệu quả.

Không nhớ xuể!

Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện nay, mỗi tỉnh, thành có ngót nghét 100 BCĐ. Nếu tính cả 63 tỉnh, thành thì số lượng BCĐ là không đếm xuể.

Trước thực trạng chung lạm phát BCĐ, ông Võ Thành Thống, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết các ngành chức năng liên quan đang rà soát lại một số BCĐ trên địa bàn TP, trên cơ sở sẽ sáp nhập, giải thể các BCĐ giẫm chân nhau hoặc hoạt động không hiệu quả như cách mà TP Hà Nội đang làm.

Thời gian qua, TP Đà Nẵng đã giải tán khoảng 70-80 BCĐ và hiện nay chỉ còn vài chục BCĐ. Chủ trương của TP Đà Nẵng nhận được nhiều sự đồng tình của người dân.

Một số địa phương của tỉnh Đắk Lắk cũng chú trọng chấn chỉnh lại các BCĐ theo chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, trong đó có huyện Cư M’gar. Ông Nguyễn Thượng Hải, Bí thư Huyện ủy Cư M’gar, khẳng định: "Hiện nay, huyện chỉ còn một số BCĐ cần thiết như BCĐ Xây dựng nông thôn mới, BCĐ Công tác tôn giáo... Quan điểm của chúng tôi là mỗi ban, ngành đều có chức trách, nhiệm vụ, cứ làm tốt nhiệm vụ của mình thì không phải thành lập BCĐ".

Trong khi đó, Sở Nội vụ tỉnh Kon Tum cho biết có hàng trăm BCĐ từ cấp tỉnh đến cấp huyện. Nhiều nhất là các sở y tế, nông nghiệp và phát triển nông thôn, giáo dục và đào tạo. Tới đây, tỉnh cũng sẽ rà soát, chấn chỉnh để kiện toàn lại các BCĐ.

Có một thực tế là hiện nay, một giám đốc sở có thể tham gia đến vài chục BCĐ. Đặc biệt ở nhiều địa phương, giám đốc sở kế hoạch - đầu tư, sở tài chính hầu như tham gia đủ cả các BCĐ. Đến mức, khi được hỏi tham gia bao nhiêu BCĐ thì có vị không nhớ nổi. Nhiều phó chủ tịch UBND tỉnh cũng không nhớ xuể làm trưởng bao nhiêu BCĐ!

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM Sử Ngọc Anh thừa nhận ngoài áp lực về họp hành, sở còn thêm một áp lực khác là tham gia quá nhiều tổ công tác, BCĐ. Hiện sở này tham gia 329 tổ công tác, BCĐ của UBND TP và các bộ, sở, ngành liên quan. Ông Ngọc Anh kiến nghị cần rà soát, đánh giá lại các tổ công tác, BCĐ này.

Mạnh tay xóa bỏ

Từ nhiều năm nay, chúng ta quá lạm dụng thành lập BCĐ mà ít quan tâm thực sự xem các ban này hoạt động như thế nào, hiệu quả ra sao. Đáng nói là dù kém hiệu quả, lãng phí, thậm chí làm cồng kềnh thêm bộ máy nhưng việc thành lập các BCĐ lại có xu hướng tăng và ngày càng phình to.

Theo giới chuyên gia, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng lạm phát BCĐ. Đó là do phân công, phân cấp không rõ ràng, còn chồng chéo. Bên cạnh đó, chế độ tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách chưa được làm rõ; chưa thể chế hóa, chế độ hóa BCĐ các cấp, ngành từ trung ương đến địa phương.

Đáng nói nhất là xuất phát từ năng lực lãnh đạo còn hạn chế, không dám chịu trách nhiệm... nên nhiều nơi kéo tập thể vào, từ đó sinh ra các BCĐ. Nguyên lãnh đạo sở nội vụ của một tỉnh nhìn nhận chúng ta cũng chưa xóa bỏ được tư duy bao cấp trong quản lý, cái gì nhà nước cũng ôm, cũng đòi xin - cho, báo bẩm..., từ đó lập ra BCĐ để "có anh, có chị".

Do đó, các chuyên gia cho rằng muốn giảm BCĐ phải nhận diện cho rõ cái gì nhà nước cần quản lý, cái gì giao cho các thành phần khác, các tổ chức xã hội... Việc mạnh dạn xóa BCĐ không cần thiết không chỉ làm tăng trách nhiệm của các lãnh đạo mà còn nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, góp phần thực hiện tinh giản biên chế mà cả nước đang ra sức thực hiện.

Ngày đăng: 07:00 | 27/08/2017

Theo Diệp Văn Sơn - Nhóm phóng viên \Người Lao độn /