Người Trung Quốc cho rằng nếu đem táo đỏ ra làm món ăn ngay thì sẽ bỏ phí rất nhiều dưỡng chất quý giá, do đó khi chế biến táo đỏ, họ thường hấp 3 lần.
Táo đỏ khô, hay táo tàu khô, là một trong những loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao và lợi ích sức khỏe vượt trội, thường được dùng để pha trà, chế biến món ăn thực dưỡng.
Cách chế biến thông dụng trước đây là hấp hoặc đun sôi táo đỏ trong vòng 5-7 phút để dưỡng chất trong táo được giải phóng là có thể sử dụng. Tuy nhiên, thời gian gần đây, người Trung Quốc có xu hướng quay lại với chuẩn chế biến táo đỏ cầu kỳ của người xưa, đó là “ba hấp, ba nguội” trước khi dùng chế biến món ăn hoặc ăn trực tiếp.
Các công đoạn này đòi hỏi việc canh thời gian hợp lý để đảm bảo dưỡng chất quý trong táo đỏ không bị mất đi.

Khác với người Việt thường đun táo đỏ với nước, người Trung Quốc thường hấp táo đỏ. (Ảnh: Sohu)
Sau đây là các bước chế biến táo đỏ chuẩn của người Trung Quốc xưa mà bạn có thể tham khảo.
Lần hấp đầu tiên: Đánh thức hương vị ngọt ngào
Khác với cách đun táo đỏ trong nước mà chúng ta thường áp dụng, người Trung Quốc chọn cách chế biến táo đỏ với vỉ hấp. Lần hấp đầu tiên quan trọng nhất vì quả táo đỏ phải được đánh thức toàn bộ hương vị. Sau khi nước sôi, họ cho táo vào vỉ và hấp ở lửa lớn trong 20 phút.
Người Trung Quốc xưa thường nói: "Lần đầu hấp táo đỏ, vỏ quả phải hơi mở ra, giống như cô gái đang mỉm cười thì đó là quả táo đủ ngon". Lúc này, mở nắp nồi ra, mùi thơm của táo đỏ sẽ xông vào mũi rất hấp dẫn.
Đừng vội chuyển ngay sang lần hấp tiếp theo. Hãy để táo nguội hoàn toàn, ít nhất là 2 giờ. Quá trình chờ đợi này giống như việc để những quả táo đỏ "hít thở" và từ từ phun ra hơi nước mà chúng vừa hấp thụ. Nếu bạn mất kiên nhẫn, hiệu quả của lần nấu thứ hai sẽ bị ảnh hưởng.
Lần hấp thứ 2: Tăng độ đậm đà
Hấp trong 15 phút là đủ cho lần thứ hai. Lúc này, quả táo đã “mở” và có thể hấp thụ hơi nước dễ dàng hơn. Bạn có thể cho thêm một ít vỏ quýt khô hoặc nhãn lồng vào nồi để hương thơm táo đỏ thêm đậm đà.
Thời gian làm mát sau lần hấp này có thể ngắn hơn một chút, 1,5 giờ là đủ. Lúc này, táo đỏ đã bắt đầu "tiết đường" và hơi se lại, nhưng cần tránh để táo khô - đây là bước quan trọng quyết định hương vị cuối cùng.
Lần hấp thứ ba: Trọn vị thơm ngon
Quá trình hấp cuối cùng chỉ mất 10 phút và để lửa nhỏ hơn. Lúc này, táo đỏ giống như đã được thuần vị, vị ngọt trở nên dịu nhẹ, không còn gây ngán. Các lương y Trung Quốc xưa viết: "Táo đỏ hấp ba lần có rất nhiều dưỡng chất, ăn vào mềm mại, thích hợp nhất để làm thuốc bổ mùa thu đông".
Khi để nguội, tốt nhất nên đặt táo đỏ trên rây tre để thông gió và thoáng khí, và để chúng hoàn toàn "yên ổn" trong 4-5 giờ.

Táo đỏ sau 3 lần hấp sẽ mọng căng, mềm ngọt. (Ảnh: Sohu)
Táo đỏ sau khi hấp 3 lần có thể cho vào hộp kín, bảo quản trong tủ lạnh để dùng dần. Vì vậy bạn nên hấp số lượng lớn mỗi lần để đỡ mất thời gian. Món táo đỏ có thể sử dụng để ăn nhẹ mỗi ngày vào bữa sáng. Khi ăn táo đỏ hấp 3 lần, bạn sẽ cảm nhận được độ mềm mại, ngọt ngào hơn hẳn so với táo đỏ chỉ hấp một lần.
Vì sao người Trung Quốc hấp táo đỏ 3 lần?
Theo các lương y Trung Quốc, lần hấp đầu tiên giúp giảm khô, lần hấp thứ hai giúp tăng vị ngọt, lần hấp thứ ba giúp bổ tỳ. Mỗi lần làm mát thực chất là để cho quả táo đỏ hoàn thành một "sự chuyển đổi" nhất định. Theo Sohu, khoa học dinh dưỡng hiện đại của Trung Quốc đã phát hiện ra rằng hàm lượng chất xơ hòa tan trong táo đỏ được chế biến theo cách này có thể tăng gần 30%, giúp cơ thể con người dễ hấp thụ hơn.
Các lưu ý khi hấp táo đỏ:
- Nên chọn những quả táo đỏ khô có kích thước đồng đều. Nếu chúng quá to hoặc quá nhỏ, thời gian hấp cần phải được điều chỉnh một chút.
- Đảm bảo nồi hấp có đủ nước và không mở nắp để kiểm tra trong quá trình hấp.
-Tránh ánh nắng trực tiếp khi hong khô, để nơi thoáng mát là tốt nhất.
- Sau khi táo khô, cho vào hộp, bảo quản trong tủ lạnh tối đa 3 tháng
- Liều dùng hàng ngày: Người bình thường dùng 5-8 quả, người thể trạng yếu không quá 10 quả.

Táo đỏ sau khi hấp có thể trữ trong tủ lạnh dùng dần. (Ảnh: Sohu)
Những cách kết hợp để tăng hiệu quả táo đỏ
- Món ăn bổ khí huyết: Cháo táo đỏ hấp + long nhãn + kỷ tử.
- Món ăn bồi bổ gan, cải thiện thị lực: Trà táo đỏ hấp + hoa cúc + hạt quế.
- Món ăn bổ tỳ, trừ bệnh: Canh táo đỏ hấp + khoai mỡ + phục linh.
Những người không nên ăn táo đỏ
- Thể thấp nhiệt (dễ tăng thêm mụn trứng cá). Biểu hiện chủ yếu của thấp nhiệt là người nóng bứt rứt, đầu và mình nặng nề, ngực bụng trướng đầy, không thiết ãn uống, da hay bị ngứa, tiểu tiện đỏ và khó đi, rêu lưỡi nhớt, phụ nữ ra khí hư vàng...
- Người bị tiểu đường (hàm lượng đường táo đỏ sau khi hấp lên tới 65%).
- Người đang cảm lạnh và sốt (dễ làm tăng nhiệt bên trong).
https://vtcnews.vn/lam-mon-an-tu-tao-do-vi-sao-nguoi-trung-quoc-phai-hap-tao-3-lan-ar941801.html
Ngày đăng: 10:38 | 08/05/2025
MAI MAI / VTC News