Về xã Khánh Trung, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình, hỏi ông Sản ‘xây cầu’ ai cũng biết.
Tính từ cây cầu đầu tiên vào năm 2015, đến nay ông Sản đã bỏ tiền túi hơn 300 triệu đồng để xây mới, sửa lại 8 cây cầu trên địa bàn xã, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, buôn bán của người dân.
Sinh năm 1954, năm 22 tuổi, chàng thanh niên Đỗ Quang Sản (xã Khánh Trung, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình) nhập ngũ. Sau 8 năm chiến đấu ở chiến trường Campuchia, năm 1984, ông xuất ngũ về quê mang theo mình những mảnh đạn còn găm trong người.
Ở tuổi 31, ông lấy vợ và sinh liền 3 người con trai. Chuyện cơm áo khiến người cựu chiến binh tất bật với cuộc sống mưu sinh, nghĩ cách làm giàu. Đã có thời điểm ông trắng tay, vào tận miền nam để tạm quên đi những thất bại.
Nhiều năm sau nhận thấy quê mình đang phát triển với nhu cầu xây dựng ngày một nhiều, ông Sản mạnh dạn mở một cửa hàng cho thuê cốp pha.
Làm ăn thuận lợi, kinh tế gia đình khấm khá dần, ông bắt đầu nghĩ tới việc đóng góp cho cộng đồng.
Ông Đỗ Quang Sản (xã Khánh Trung, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình) |
Đặc điểm của địa phương ông là có nhiều con sông chảy qua nên trên địa bàn xã có tới chục cây cầu. ‘Cầu chợ Cát là cây cầu nối 2 xã Khánh Trung và Khánh Mậu, lại ngay sát chợ nên lượng người đi lại qua đây rất đông. Thế nhưng, suốt 60 năm từ khi tôi sinh ra, cây cầu vẫn thế. Trước khi xây cầu, người ta chỉ lấy 2 cây cột điện bắc qua sông. Ở đây đã từng xảy ra 4 vụ tai nạn, trong đó có 2 người chết khi đi qua cầu’ - ông kể.
Vì lý do ấy mà ý định xây cầu chợ Cát đã nung nấu trong thâm tâm ông từ rất lâu. Năm 2015, trước khi đề xuất với chính quyền, ông hỏi ý kiến vợ con cho ông sử dụng số tiền tiết kiệm suốt nhiều năm làm ăn để xây cầu. Đồng lòng với chồng, vợ ông và các con đồng ý ngay. Ông nói: ‘Số tiền không nhỏ, bao nhiêu mồ hôi nước mắt của gia đình, nếu vợ con không đồng ý thì không làm được’.
Được vợ con ủng hộ, chính quyền khuyến khích, ông bắt tay vào thuê người thiết kế, thi công. Trong vòng 1 tháng, cây cầu rộng 3,5m được dựng lên chắc chắn, kiên cố cho đến bây giờ. Đầu bên này là chợ Cát nằm trên trục đường chính của xã Khánh Trung, đầu bên kia là địa phận xã Khánh Mậu.
Tổng chi phí cho toàn bộ công trình là 147 triệu đồng được ông bỏ tiền túi ra làm. Ở cây cầu đầu tiên, chi phí không phải là vấn đề lớn nhất ông Sản cần giải quyết, mà là ở cách thức thi công. ‘Lần đầu tiên xây cầu, tôi còn nhiều bỡ ngỡ, vừa làm vừa xử lý các vấn đề phát sinh. Còn bây giờ đến cây cầu thứ 8 thì tôi nắm rõ như lòng bàn tay rồi’.
Cây cầu chợ Cát được ông Sản xây dựng vào năm 2015 |
Sau cây cầu chợ Cát xây dựng vào năm 2015, những năm sau đó, năm nào ông cũng xây lại, làm mới 1-2 cây cầu. Trong đó, có một cây cầu dẫn vào trường mầm non xã rộng hơn 5m, trải bê tông phẳng lỳ, thay thế cho cây cầu nhỏ 2m trước đây đã bị xuống cấp. ‘Cây cầu mới nhất là vào tháng 10/2019’ - ông Sản chia sẻ.
Những cây cầu sau đó, có cây ông đóng góp toàn bộ chi phí, có những cây ông phải huy động sự góp sức của người dân trong xã. Đến nay, với việc xây dựng, sửa sang lại 8 cây cầu, ông Sản đã chi ra hơn 300 triệu đồng - số tiền không nhỏ với một ông lão ở vùng quê.
‘Tôi làm những việc ấy chỉ với mong muốn duy nhất là đóng góp chút ít sức lực của mình cho người dân quê hương, nhưng cũng có người khen, kẻ chê. Có người bảo tôi thừa tiền nên mới làm thế. Nghe vậy, tôi cũng chỉ bỏ ngoài tai\', người cựu chiến binh tâm sự.
Bức ảnh ông Sản chụp cùng đại diện chính quyền địa phương ngày khánh thành cầu chợ Cát. |
Hiện đã 65 tuổi nhưng ông Sản và vợ vẫn hăng say lao động. Bà vẫn nhận cấy 8 sào ruộng, còn ông quản lý cửa hàng cốp pha mỗi tháng mang về thu nhập khoảng 30 triệu đồng. Ông bảo, mấy năm nay thu nhập đã thấp hơn vì nhiều cửa hàng mọc lên.
Các con ông cũng đã trưởng thành và ra ở riêng hết. Ước mơ của ông bây giờ là mở rộng cây cầu chợ Cát thêm một làn 3,5m nữa để việc đi lại của bà con 2 xã thuận tiện hơn. Hiện tại với chiều rộng 3,5m, chỉ 1 xe ô tô đi lại được trên cầu.
‘Chi phí dự tính lên đến 250-300 triệu. Một mình tôi không thể làm được hết, nên trong thời gian tới, nếu làm, tôi rất cần sự ủng hộ, đóng góp của người dân trong xã’.
Ông bảo, làm từ thiện thì có rất nhiều hình thức, nhưng riêng ông muốn đóng góp cho những công trình mang lại lợi ích cho cả cộng đồng, thay vì chỉ cho từng cá nhân riêng lẻ.
Với những đóng góp thiết thực của mình, năm 2018, ông được nhận bằng khen của UBND tỉnh Ninh Bình vì có thành tích xuất sắc trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Nguyễn Thảo - Ngọc Trang
Cựu binh mua hơn 50 xe đạp tặng học sinh nghèo
71 tuổi, ông Nguyễn Hữu Nhật có tiếng ở xã Lập Lễ, huyện Thuỷ Nguyên, TP. Hải Phòng là một cựu chiến binh tích cực ... |
Cựu binh tình nguyện Việt Nam ôn kỷ niệm chiến đấu tại Lào
Năm 1968, sau trận thắng ở Luang Phrabang, ông Hà Văn Đức và đồng đội được người dân mang hai con trâu đến biếu để ... |
Cựu binh Mỹ bất ngờ biết có con gái Việt
Một xét nghiệm ADN đã giúp ông Salvador Martinez biết có con rơi người Việt, sau 47 năm. |
Ngày đăng: 07:09 | 15/01/2020
/ vietnamnet.vn