Thời gian gần đây, dư luận "nóng" lên với câu chuyện một doanh nghiệp xe buýt ở Hà Nội xin trả lại tuyến. Trong nhiều năm qua, dù các địa phương đã có nhiều hình thức hỗ trợ, ưu tiên, nhưng xe buýt vẫn chưa trở thành một phương tiện vận tải văn minh và tiện lợi được xã hội lựa chọn.

Những trăn trở về phương tiện vận tải công cộng này một lần nữa đã được đưa ra bàn thảo tại buổi toạ đàm “Để xe buýt thực sự là một lựa chọn văn minh" do Cổng thông tin Chính phủ tổ chức chiều 25/7.

Làm gì để xe buýt thực sự là lựa chọn của người dân? -0
Theo các chuyên gia, giao thông công cộng bằng xe buýt cần được cải thiện, thay đổi.

Tham dự toạ đàm, ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Ôtô Việt Nam thẳng thắn nói: Thực tế hiện nay, chúng ta đang kêu gào, ép buộc việc dùng phương tiện công cộng, hạn chế các phương tiện cá nhân nhưng cũng phải có những biện pháp phù hợp để xe buýt phát triển. Câu chuyện phát triển xe buýt ở đô thị lớn nhiều năm nay vào ngõ cụt, từ buýt nhỏ, BRT, đến đường trên cao...

“Ùn tắc giao thông, tôi cho rằng trước khi đổ cho giao thông phải nhìn nhận do lỗi quy hoạch đô thị rồi mới đến giao thông. Đừng đổ tại xe buýt to làm tắc đường. Tôi đề nghị nghiêm túc xử lý quy hoạch đô thị, thậm chí phá bỏ những nhà cao tầng làm ách tắc giao thông, sau đó mới đến tổ chức giao thông”, ông Thanh nói và gợi ý thêm: Về đầu tư hạ tầng giao thông, cần làm bài bản để doanh nghiệp nhảy vào cuộc bằng cơ chế khuyến khích, trợ giá, đấu thầu minh bạch. Đấu thầu phải rõ ràng bao nhiêu năm, xe của nước nào… Quan trọng nhất là kiểm soát nguồn thu. Nhiều chuyên gia cho rằng trợ giá cho người dùng xe buýt, nhưng đương nhiên phải thông qua xe buýt. Cách trợ giá phải rõ tổng chi thế nào thì trợ giá, thu bao nhiêu tập trung cho doanh nghiệp để thanh quyết toán. Khuyến khích đưa doanh nghiệp đổi mới dịch vụ và phương tiện, doanh thu càng cao càng phải khuyến khích, chứ không khoán.

Trước câu hỏi cần cơ chế nào quản lý phương tiện công cộng nói chung cũng như cơ chế trợ giá xe buýt hiện nay? Trợ giá mà dân không sử dụng, để xe chạy rỗng thì có lãng phí không?  Ông Nguyễn Văn Thanh nêu rõ: “Quan điểm của tôi là phải đấu thầu công khai minh bạch và khuyến khích các doanh nghiệp đưa ra các dịch vụ cao cấp, người dân sẽ được hưởng cái này và chính người dân chọn lựa, sàng lọc những doanh nghiệp làm ăn không đứng đắn. Trên cơ sở đó, các cơ quan quản lý Nhà nước sẽ có biện pháp để xử lý”.

Chốt lại buổi toạ đàm, TS. Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng, nếu chúng ta không giải quyết được vấn đề vận tải xe buýt công cộng thì quả thật ách tắc vẫn hoàn ách tắc. Hiện tại, chúng ta cố gắng để có metro, có tàu điện ngầm nhưng cái đó còn cần nhiều thời gian. Quan trọng là giao thông công cộng bằng xe buýt cần được cải thiện, người dân đa số phải sẵn sàng chọn phương tiện giao thông công cộng là xe buýt. Nếu chúng ta tiếp tục để hàng triệu người đi xe máy như thế này, rồi nếu người dân giàu có lên, đi ôtô nhiều hơn nữa thì giao thông sẽ càng bế tắc.

Cũng theo TS. Nguyễn Sĩ Dũng, không cực đoan để nói là không trợ giá cho giao thông công cộng bởi vì đây là dịch vụ công thiếu yếu của xã hội và rất nhiều người cần được hỗ trợ. Nhưng cách thức trợ giá phải rất thông minh trong việc cung cấp trợ giá. Trợ giá như thế nào để khuyến khích dịch vụ phục vụ người dân tốt hơn đó mới là trợ giá.  

https://cand.com.vn/Giao-thong/lam-gi-de-xe-buyt-thuc-su-la-lua-chon-cua-nguoi-dan--i661759/

Ngày đăng: 10:11 | 26/07/2022

Đặng Nhật / cand.com.vn