Một tháng sau khi chính quyền thành phố London cấm Uber hoạt động, tới lượt Australia có thể đưa ra lệnh cấm đối với mô hình hoạt động vận tải này. Liệu các tài xế Uber có phải là đối tác hay thực sự là nhân viên của Uber? Trả lời câu hỏi này có thể làm thay đổi đáng kể mô hình kinh doanh chia sẻ này.

Uber bị cấm ở London và sắp bị cấm ỏ Australia. Ảnh: TL

An toàn là trên hết

Trong khi chính quyền thành phố London cấm hãng xe công nghệ Uber hoạt động trên địa bàn vì “cách tiếp cận và hành xử của Uber thể hiện sự thiếu trách nhiệm đối với vấn đề an toàn của công chúng”, quan điểm của Nghiệp đoàn Vận tải Australia (TWU) khi trình bày kiến nghị lên Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải nước này là Uber - Australia đang “hạ thấp các tiêu chuẩn cộng đồng”.

Uber - Austrlaia hiện đang bị tổ chức Công bằng lao động (Australia) điều tra, xem xét việc hợp đồng giữa hãng với các lái xe có vi phạm luật quốc gia này.

“Chúng tôi muốn Uber tiếp tục hoạt động tại Australia, nhưng chỉ khi hãng này đáp ứng kỳ vọng của cộng đồng về khía cạnh an toàn và công bằng, dành cho cả lái xe và người sử dụng dịch vụ” - Tony Sheldon - Chủ tịch TWU - tuyên bố - “Chúng tôi đều ủng hộ các nền tảng chia sẻ dịch vụ vận tải, nhưng sẽ mạnh mẽ phản đối những dịch vụ được xây dựng trên cơ sở thiếu an toàn, thiếu tầm nhìn và bóc lột các lái xe”.

Giám đốc điều hành Hiệp hội Taxi Australia, Blair Davies, đầu tuần qua, khẳng định “quyết định của London là một hành động dũng cảm và quan tâm tới mong muốn của công luận”.

“Uber đã đùa giỡn với luật pháp ở khắp nơi trên toàn cầu và chúng tôi muốn chính quyền các nước giám sát họ chặt chẽ hơn, đặc biệt là tại Australia và Mỹ” - ông Davies nói - “Chúng tôi ngày càng ghi nhận nhiều tình huống khách hàng bị tấn công trên các phương tiện vận chuyển của Uber, gần đây nhất là một vụ tài xế Uber hiếp dâm tại Sydney. Chúng tôi cũng nhận được báo cáo về một vài tình huống tương tự ở Brisbane”.

Nhân viên hay đối tác?

Trong tất cả những rắc rối pháp lý của Uber thời gian qua, vấn đề cơ bản đe dọa mô hình kinh doanh này không phải là cuộc chiến pháp lý với chính quyền một thành phố hay một quốc gia, thay vào đó là tình trạng việc làm của các tài xế Uber. Họ có phải là bên B đích thực trong các hợp đồng với Uber, với tư cách là người đang sở hữu và kinh doanh chiếc xe của mình, như Uber hay khẳng định, hay họ thực sự là nhân viên của Uber, có quyền lợi, trả lương làm thêm giờ và các khoản thưởng khác? Trả lời câu hỏi này có thể làm thay đổi đáng kể mô hình kinh doanh chia sẻ này.

Nhưng trong một số vụ kiện, người lái xe đang tranh cãi rằng bất chấp những tuyên bố công khai, Uber thực tế cư xử với lái xe như một ông chủ. Do đó, các lái xe đòi hỏi những quyền lợi mà luật pháp bảo đảm cho người làm công - điều mà Uber hiện từ chối cung cấp.

Trước đó, các tòa án cấp thấp ở California và New York, và đầu tuần này là một tòa án tại Anh, xác nhận rằng câu trả lời là “Có”. Theo đó, Uber là một chủ nhân vì có quyền kiểm soát đáng kể về cách các tài xế thực hiện công việc của họ. Tuy nhiên, các tòa án liên bang khác lại phản đối quan điểm này. Và vì vậy, vấn đề còn lâu mới được giải quyết dứt điểm.

Thoạt nhìn, dường như Uber có lập luận chặt chẽ, rằng họ không kiểm soát hoặc chỉ đạo các tài xế. Nhưng khi xem xét vấn đề kỹ càng hơn, một số tòa án đã phát hiện ra rằng Uber thực sự có kiểm soát các lái xe. Giá vé không được thỏa thuận với khách hàng, thay vào đó do Uber quy định. Người lái xe phải tuân theo quy tắc hiệu suất của Uber. Chúng không được thấp hơn mức đánh giá trung bình tối thiểu mà Uber đặt ra. Họ buộc phải chấp nhận các chuyến đi được giao cho họ và lái xe theo tuyến đường được chỉ dẫn trong ứng dụng.

Uber “khuyến cáo” về các quy tắc hành vi của lái xe, ví như ngôn ngữ thảo luận với hành khách, và cấm tiếp xúc với hành khách sau khi dùng xong dịch vụ. Khi tài xế vi phạm quy tắc, Uber gửi “lời khuyên” để sửa đổi hành vi của họ - một đặc điểm điển hình cho mối quan hệ ông chủ và nhân viên. Và Uber cũng loại trừ những người lái xe liên tục vi phạm các quy tắc của hãng. Trên thực tế, nhiều lái xe phụ thuộc về kinh tế đối với Uber để duy trì công việc.

Ngay cả khi hiệu quả ròng trên thu nhập của lái xe là tích cực, tác động tổng thể vẫn có thể tiêu cực bởi vì nhiều lái xe tiềm năng sẽ bị loại ra. Địa vị nhân viên của người lái xe cũng chắc chắn làm thay đổi thành phần của lực lượng lao động của Uber. Là chủ nhân, Uber sẽ phải chịu trách nhiệm lớn hơn về những thiệt hại gây ra bởi người lái xe, và sẽ phải kiểm tra chặt chẽ hơn.

Thay vì một đội ngũ nhân viên được phân quyền rộng lớn, Uber sẽ thu nhỏ số lượng lái xe làm việc toàn thời gian. Tình trạng nhân viên sẽ làm chậm lại việc tuyển dụng, phân loại ra nhiều người làm việc bán thời gian - chính là những người cần thu nhập bổ sung từ việc khai thác thời gian nghỉ ngơi trong ngày của mình.

Thay đổi cơ bản nhất mà địa vị nhân viên mang lại là quỹ đạo của ngành kinh doanh độc quyền này. Giống như Uber, nhiều nền tảng chia sẻ tạo ra các cơ hội để điều phối việc trao đổi ngang hàng, cho phép mọi người tự do làm mọi thứ - xe hơi, nhà cửa, hàng hoá và kỹ năng. Nếu Uber là một công ty vận tải sử dụng các lái xe, câu hỏi đặt ra là hàng loạt ứng dụng tương tự như vậy có thể tồn tại trước sự chuyển đổi địa vị làm việc này?

Thế giới chia sẻ mới đã làm được rất nhiều điều bằng cách loại bỏ rào cản thương mại. Nó loại bỏ chủ nghĩa bảo hộ và tăng tính cạnh tranh, thúc đẩy nhanh chóng việc gia nhập vào các ngành nghề trước đây, giảm chi phí cho người tiêu dùng và giúp khai thác các tài sản hiệu quả hơn.

Nhưng, không thể phủ nhận, nó cũng phá vỡ sự bảo vệ phúc lợi lâu dài mà các thế hệ trước đã chiến đấu rất mạnh mẽ để đảm bảo cho người lao động. Vụ kiện của Uber có thể thành công trong việc khôi phục lại các biện pháp bảo vệ này. Nhưng nó sẽ trả cái giá (không mong đợi) to lớn, lãng phí nhiều lợi ích của nền kinh tế chia sẻ.

Người dân HN và TP.HCM lãng phí 1 tiếng mỗi ngày vì kẹt xe

Theo khảo sát từ Uber cùng công ty Audience Project trên 2.000 người, ùn tắc giao thông và thiếu bãi đậu xe đang gây nhiều ...

Uber sắp bán 10 tỷ USD cổ phần cho Softbank

Uber vừa đạt thỏa thuận mở đường cho một khoản đầu tư khổng lồ từ nhóm công ty dẫn đầu bởi Softbank và Dragoneer.

Ông chủ Mai Linh: ‘Uber, Grab nhiều cái hay nhưng nhà nước cần phải kiểm soát chặt\'

Ông Hồ Huy, Chủ tịch HĐQT Mai Linh, cho biết rất nhiều cái hay của Uber, Grab đáng học hỏi nhưng về phương diện an ...

(https://laodong.vn/kinh-te/lai-xe-uber-co-phai-la-nguoi-lam-cong-cua-uber-576815.ldo)

Ngày đăng: 16:32 | 18/11/2017

/ Theo Lê Thành Lương/Lao động