Trước vụ máy bay Boeing 737-500 của Sriwijaya Air rơi, Indonesia từng chứng kiến tai nạn của chiếc Boeing 737 Max dẫn đến thảm họa toàn cầu của nhãn hiệu này.
Hôm 9/1, máy bay Boeing 737-500 chở 62 người của Sriwijaya Air rơi xuống vùng biển ngoài khơi Jakarta vài phút sau khi cất cánh từ thủ đô. Máy bay mang số hiệu SJ 182 của Sriwijaya Air mất liên lạc tại điểm cách sân bay Quốc tế Soekarno-Hatta của Jakarta 11 hải lý, ở độ cao 3.300 m, khi đang trên đường từ Jakarta đến Pontianak.
Trước vụ rơi máy bay Boeing 737-500, Indonesia chứng kiến nhiều vụ tai nạn máy bay thảm khốc khác, khiến hàng trăm người thiệt mạng. Nổi bật là vụ rơi chiếc Boeing 737 Max từng tạo ra thảm họa cho hãng máy bay này hồi năm 2018.
Rơi máy bay Boeing 737 MAX 8
Ngày 29/10/2018, toàn bộ 189 hành khách và thành viên phi hành đoàn thiệt mạng khi chiếc Boeing 737 MAX của Lion Air, Indonesia đâm xuống biển Java chỉ ít phút sau khi cất cánh từ sân bay Jakarta.
Máy bay Boeing 737 Max-8 của hãng Lion Air. (Ảnh: Reuters) |
Theo thông tin kết luận điều tra được các nhà điều tra thuộc Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Indonesia công bố, trục trặc trong hệ thống MCAS trên 737 MAX là yếu tố chính khiến máy bay Lion Air rơi.
Ủy ban này nói thêm rằng những vấn đề trong thiết kế và kỹ thuật của Hệ thống Tăng cường Tính năng Điều khiển bay (MCAS) trên phi cơ 737 MAX là yếu tố chủ chốt gây ra tai nạn.
Sau thảm kịch của Lion Air, dòng máy bay này đã bị cấm bay trên toàn thế giới sau tai nạn cũng diễn ra với một chiếc 737 MAX của Ethiopian Airlines, làm 157 người thiệt mạng. Điều tra sơ bộ cho thấy cả hai vụ tai nạn liên quan đến lỗi MCAS khiến phi công không thể kiểm soát máy bay.
Rơi máy bay AirAsia
Ngày 28/12/2014, máy bay mang số hiệu QZ8501 của AirAsia rơi xuống biển, làm toàn bộ 162 hành khách và thành viên tổ bay thiệt mạng. Phi cơ Airbus A320-200 rơi khi đang trong hành trình dài hai giờ từ thành phố Surabaya, Indonesia tới Singapore.
Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Indonesia tuyên bố mối hàn trên máy tính điều khiển máy bay bị nứt gãy, liên tục phát cảnh báo tới phi công. Khi họ nhận được lời cảnh báo thứ 4, các phi công kéo cầu dao ngắt mạch một trong các hệ thống máy tính của phi cơ, ngắt điện khỏi hệ thống lỗi để tái khởi động nó. Nhưng khi làm vậy, họ cũng tắt hệ thống lái tự động của phi cơ.
Cũng theo các nhà điều tra, lỗi trong hệ thống điều khiển cánh đuôi lái (rudder) là yếu tố chính trong vụ máy bay rơi. Bộ ghi dữ liệu chuyến bay không cho thấy thời tiết ảnh hưởng đến phi cơ.
Vào thời điểm đó, đội cứu hộ gặp khó khăn khi biển động ở vùng biển Java, nhưng phần thân chính của máy bay cuối cùng cũng được một tàu hải quân Singapore định vị dưới đáy biển và hai hộp đen đều được trục vớt.
Một phần xác máy bay AirAsia mang số hiệu QZ8501 được trục vớt chuẩn bị được dỡ xuống tại cảng Kumai, Indonesia. |
Rơi máy bay Boeing 737- 400
Ngày 1/1/2007, chiếc máy bay Boeing 737-400 của hãng hàng không giá rẻ Adam Air, Indonesia biến mất khỏi màn hình radar trong hành trình bay nội địa từ Surabaya đến Manado trong điều kiện thời tiết rất xấu. 10 ngày sau, các bộ phận máy bay được tìm thấy ở ngoài khơi bờ biển phía Tây của đảo Sulawesi. Tất cả 102 hành khách và phi hành đoàn đều thiệt mạng.
Chiếc Boeing 737-400 đã được sử dụng 17 năm rơi ở vùng núi cao 700m, cách thị trấn Polewali ở tây Sulawesi 20km. Adam Air là hãng hàng không tư nhân giá rẻ của Indonesia có trụ sở tại Jakarta, bắt đầu hoạt động vào năm 2003.
Rơi máy bay Boeing 737-200
Ngày 5/9/2005, chiếc Boeing 737-200 của hãng hàng không Mandala Airlines trong một chuyến bay nội địa đã rơi ngay sau khi cất cánh từ sân bay thành phố Medan xuống một khu dân cư đông đúc. Được biết chiếc máy bay Boeing 737 của hãng hàng không giá rẻ Mandala chở khách đang trên đường hướng đến Jakarta. Các nhân chứng cho biết chiếc máy bay đã phát nổ ngay sau khi đâm xuống.
Vụ tai nạn thương tâm khiến 150 người chết, gồm hành khách, tổ bay và người dưới mặt đất. Vụ việc làm tăng sự chú ý đến vấn đề an toàn hàng không và những máy bay đã cũ của Indonesia vào thời điểm đó.
Mandala Airlines là hãng hàng không nội địa có trụ sở tại Jakarta, được thành lập năm 1969 bởi một quỹ do quân đội điều hành. Hãng này có 15 chiếc máy bay, chủ yếu là loại Boeing 737-200 được sản xuất từ những năm 1970.
Rơi máy bay quân sự
Ngày 6/6/2020, 4 người thiệt mạng và 5 người khác bị thương, khi một chiếc trực thăng quân sự rơi xuống khu vực tỉnh Trung Java của Indonesia.
Tai nạn xảy ra khi chiếc trực thăng M-17 đang trong một chuyến bay huấn luyện tại huyện Kendal. Theo các nhân chứng, chiếc máy bay gặp vấn đề và bốc khói trước khi chạm đất và sau đó phát nổ. 3 người trên máy bay đã nhảy xuống một cái ao ngay trước khi trực thăng chạm đất.
Một cuộc kiểm tra sơ bộ đã được thực hiện trước khi tiến hành bay huấn luyện. Tình trạng chiếc máy bay tốt. Một cuộc điều tra đang được tiến hành để xác định nguyên nhân của vụ tai nạn.
Trước đó, vào ngày 30/6/2015, Indonesia chứng kiến vụ tai nạn máy bay quân sự thảm khốc nhất trong lịch sử nước này khi chiếc máy bay C130 Hercules của Không quân Indonesia đã đâm xuống một khu dân cư và phát nổ ngay sau khi cất cánh ở thành phố Medan. Toàn bộ 122 hành khách trên chuyến bay đã thiệt mạng gồm 39 binh sĩ và 83 hành khách dân sự, trong đó có gia đình của quân nhân.
Indonesia xác nhận máy bay Boeing 737 rơi, 65 người mất tích
Bộ trưởng Giao thông Indonesia Budi Karya Sumadi xác nhận máy bay chở khách của hãng hàng không Sriwijaya Air rơi xuống Vịnh Jakarta. |
Ngày đăng: 07:00 | 10/01/2021
/ vtc.vn