Trong bức thư gần đây nhất gửi Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội; Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch; Bộ Công an; LĐBĐ Việt Nam… hôm 29.1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Đội bóng đá U.23 Việt Nam vừa đạt danh hiệu Á quân Châu Á là thành tích lịch sử của thể thao nước nhà, thể hiện bản lĩnh, ý chí của con người Việt Nam, là niềm tự hào của cả nước, đặc biệt là của thế hệ trẻ”.

la m gi de nhan ro ng ban linh y chi cua u23 viet nam o mo i li nh vu c

Các cầu thủ U23 Việt Nam được chào đón trên đường phố Hà Nội ngày trở về. Ảnh: M.H

Thủ tướng cũng đưa ra lời hiệu triệu: “Tôi mong rằng, thành tích đạt được và bản lĩnh, ý chí của Đội bóng đá U.23 Việt Nam sẽ tiếp tục được phát huy, nhân rộng trên tất cả các lĩnh vực, vùng miền của đất nước, góp phần đưa sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của chúng ta vững bước trên con đường đổi mới, hội nhập và phát triển”.

Vậy phải làm gì để thực hiện lời hiệu triệu của Thủ tướng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội?

Tiếp tục xây dựng bản lĩnh Việt Nam

Các cầu thủ U.23 Việt Nam tại giải U.23 Châu Á đã thể hiện bản lĩnh tuyệt vời. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khi đón tiếp các cầu thủ và BHL ĐT U.23 Việt Nam có nói: “Bản lĩnh và tinh thần thi đấu kiên cường của các cầu thủ đã làm sống lại niềm tin của người yêu bóng đá Việt Nam cũng như kiều bào ta ở nước ngoài. Báo chí nước ngoài cũng dành nhiều lời khen ngợi các cầu thủ của chúng ta, có ý chí, tinh thần tuyệt vời, vượt qua nhiều khó khăn trong cuộc sống, làm nên điều kỳ diệu, rung động mọi trái tim của người hâm mộ Việt Nam”.

“Tinh thần Việt Nam” - từ thời HLV Calisto hay Miura, thậm chí là HLV Hữu Thắng đã đôi chút lóe sáng. Thế nhưng, thời Park Hang-seo, tinh thần ấy ngùn ngụt ngay từ vòng bảng: Bản lĩnh và đặc biệt tự tin. Cái bất khuất kiên cường nó thể hiện ở những thời khắc bị dẫn bàn nhưng lúc nào cũng gỡ được. Cái khoanh tay đầy ngạo nghễ của Văn Thanh hay hình ảnh những cầu thủ gạt tuyết trắng để Quang Hải “vẽ lên một cầu vồng trong tuyết” như cách nói của bình luận viên VTV. Chưa khi nào người ta nắm bắt, hình dung, nhìn rõ “bản lĩnh Việt Nam” đến vậy.

Phải có bản lĩnh để tiến lên và vươn xa, nhìn từ câu chuyện bóng đá sang lĩnh vực kinh tế. Cuối năm 2017, một khảo sát Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam của Vietnam Report cho thấy, có khoảng 45% doanh nghiệp “khát khao” đầu tư ra nước ngoài trong 5 năm tới. Nhưng để làm được việc đó, nếu không có bản lĩnh, doanh nghiệp, doanh nhân Việt sẽ “đuối sức” ngay khi ra biển lớn.

Và khi đó, người ta trông đợi vào những người tiên phong, mà Viettel và FPT là những doanh nghiệp điển hình.

Trong bài phát biểu kỷ niệm 10 năm thực hiện chiến lược toàn cầu hóa “go global” của Viettel, TGĐ Nguyễn Mạnh Hùng đã 9 lần nhắc đến lòng “dũng cảm”, 5 lần nhắc đến sự “hy sinh”, 6 lần nhắc đến sự “khó khăn”, 5 lần nhắc tới “sáng tạo” để rồi dẫn đến những “thành công” được nhắc tới 10 lần trong toàn văn bài phát biểu. Đây là một tinh thần tiên phong, quả cảm của những người lính. Hay tinh thần, bản lĩnh FPT từng được thể hiện rất rõ qua một bài hát gan ruột của nhân viên FPT do nhạc sĩ Trương Quý Hải sáng tác.

Nó rất giống với cách mà các cầu thủ U.23 Việt Nam thể hiện ở “biển lớn”. Phải xây dựng được bản lĩnh Việt Nam, để những DN, những starup, những doanh nhân biết vượt qua khó khăn, để dũng cảm, để hy sinh và hướng tới thành công.

Tất nhiên muốn có bản lĩnh phải kết hợp được hai yếu tố “năng lực” và “sự tự tin” - những điều mang lại ý chí thép, không ngại khó khăn.

Phải có bản lĩnh để vượt lên những định kiến, phát hiện khả năng tiềm tàng của cá nhân. Chính sự tự ti khiến chúng ta phải trả giá bằng thất bại. Câu nói của ông Park Hang-seo mang lại nhiều gợi mở: “Tôi nhận ra do nhiều người nói thể lực cầu thủ Việt yếu, các thế hệ trước cũng nói vậy nên lứa sau này tự ti. Chúng tôi phải cố gắng khuyến khích và giúp họ hiểu rằng thể lực của họ không hề thua kém, dù thể hình có lép vế trước các đối thủ mạnh”.

Nhà báo Lê Thanh Phong của Báo Lao Động, trong một bài bình luận đã nhận định: “Nhưng không chỉ như thế, đội U.23 Việt Nam đã làm một điều lớn lao hơn, đó là khơi lên nguồn cảm hứng chinh phục và chiến thắng trong trái tim người Việt, không phải chỉ trong bóng đá, mà trong bất cứ đấu trường nào khác. Người Việt Nam có sức mạnh, có trí tuệ, với ý chí quyết chiến, với quyết tâm chiến thắng thì Việt Nam sẽ chiến thắng.

Doanh nhân Việt Nam là những người tiên phong trong thời kỳ hội nhập kinh tế, mang nỗi niềm khát khao chiến thắng, mang khát vọng vượt khỏi ao nhà. Chiến thắng của đội Tuyển U.23 Việt Nam đánh thức khát vọng đó, nó củng cố niềm tin cho những ai đã từng tin, nó thức tỉnh những ai mang nỗi buồn nhược tiểu.

U.23 Việt Nam chiến thắng được thì doanh nhân Việt Nam chiến thắng được, cho dù là trước đối thủ được đánh giá mạnh hơn mình nhiều lần”.

Xây dựng nhận thức từ bỏ tư duy cá nhân, tất cả vì lợi ích tập thể

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã bày tỏ sự ấn tượng với câu nói của cầu thủ trẻ - đội Trưởng Lương Xuân Trường: “U.23 Việt Nam không có ngôi sao. Ngôi sao duy nhất chúng tôi có nằm ở ngực trái”. Bóng đá không thể thiếu những ngôi sao, nhưng ngôi sao không thể phát huy được tố chất nếu như không có sự hỗ trợ, đoàn kết của một đội.

Câu chuyện của U.23 Việt Nam khiến nhiều người nhớ đến nhận xét có phần cay đắng của bà Cao Thị Ngọc Dung - Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) - tại diễn đàn Văn hóa doanh nghiệp - nền tảng phát triển bền vững nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam năm nay. Khi được hỏi “văn hóa ứng xử giữa các doanh nghiệp Việt Nam với nhau như thế nào?” - bà Dung nói, “thách thức lớn nhất là các doanh nghiệp Việt chưa vượt qua được chính mình, bản thân không tự tin, luôn sợ thua thiệt nên luôn tìm cách cạnh tranh, hạ thấp đối thủ” và “đây là điều đáng tiếc nhưng đó là sự thật đang diễn ra hiện nay. Các doanh nghiệp cùng ngành nghề ít chịu học hỏi lẫn nhau, liên kết phát triển mà tìm cách “diệt trừ” trong quá trình cùng lớn lên”. Đó cũng là lý do khiến các doanh nghiệp “khó lớn lên” ở môi trường trong nước cũng như khi hội nhập”.

Thử hình dung Xuân Trường chỉ nghĩ đến mình, Công Phượng chỉ đứng chờ bóng phía trên để ghi bàn hay Xuân Thanh chỉ thích “chuyền bóng” kiểu chặt chân đồng đội thì làm gì có thành công ngày hôm nay.

Liên kết lại, bỏ lợi ích cá nhân trước mắt, vì lợi ích dân tộc không phải là việc dễ dàng nhưng chính bóng đá đã cho thấy một con đường mà doanh nghiệp nào cũng có thể thấy được bài học cho riêng mình.

Bản lĩnh, ý chí từ những điều bình dị

Hình ảnh Xuân Trường mang áo khoác lại cho đồng đội, Duy Mạnh dựng lại lá cờ và nghiêm cẩn trước quốc kỳ, hay cái cách ứng xử của từng cầu thủ U.23 mang lại điều gì?

Những gì sâu đậm nhất, lớn lao nhất, có giá trị lâu bền nhất đôi khi lại đến từ những điều giản dị tưởng chừng bình thường.

Chính vì thế không cần hô hào về việc xây dựng “bản lĩnh, ý chí” Việt Nam bằng những mỹ từ hoặc những văn bản đao to búa lớn. Hãy học những cầu thủ, từ những điều nhỏ nhặt, trong cuộc sống hàng ngày và xây dựng nên những quy tắc, quy chuẩn đạo đức.

Để nối tiếp niềm cảm hứng U.23 cần thay đổi ngay môi trường sống xung quanh mình bằng những hành động như không vứt rác bừa bãi, tuân thủ luật lệ giao thông; không có những lời nói, hành động xúc phạm, làm tổn thương người khác cả ở cuộc đời thực lẫn không gian mạng… từ đó hướng đến một cộng đồng trung thực, nhân ái, nhân văn, tiến bộ.

Một chiến tích như của U.23 VN sẽ dần trở nên “lãng phí” nếu không biết khai thác, nhân rộng và tạo nguồn cảm hứng cho những lĩnh vực khác, đặc biệt là việc phát triển KT-XH.

Khơi dậy và nhân rộng tinh thần thép, bản lĩnh và phong cách của U.23 Việt Nam, tạo ra niềm cổ vũ, khích lệ to lớn cho dân tộc Việt Nam tự hào, và tự tin bước tiếp trong công cuộc xây dựng Việt Nam văn minh, tiên tiến, giàu mạnh. Đó là thông điệp rất rõ ràng sau lời hiệu triệu của Thủ tướng.

Nhà sử học Dương Trung Quốc: “Người lãnh đạo phải biết đánh thức tiềm năng của giới trẻ”

Cứ nhìn vào ĐT U.23 cách đây 3 tháng thôi, đó chỉ là một đội bóng có chất lượng và thành tích thấp. Tại sao sau 3 tháng mà họ thay đổi cơ bản như thế? Ai cũng có thể thấy nhân tố mới là người cầm quân. Mà như ông Park Hang-seo tâm sự, điều quan trọng là phải đánh thức tiềm năng trong mỗi cầu thủ. Một là vì ý chí, hai là vì sử dụng nhân tài một cách hợp lý nhất, từ cách giữ gìn sức khỏe cho đến cách thi đấu hết mình và can trường, vì màu cờ sắc áo…

Tóm lại là phải cần cái đầu của người lãnh đạo. Phải biết tổ chức đội ngũ và đánh thức tiềm năng của mỗi con người. Giới trẻ bây giờ cũng vậy, không có động lực, không có tổ chức, không có những tấm gương, không được chăm sóc. Tự nhiên, tất cả tiềm năng ấy chìm xuống mà đôi khi họ còn bị “phát huy” cả mặt khác - mặt tiêu cực của xã hội. Vấn đề ở đây chính là phải biết tập hợp lại lực lượng, phải biết khích lệ họ thì họ sẽ phát huy được sức mạnh và bản lĩnh của mình. Nhìn lại trong lịch sử, tại sao một dân tộc đang sống trong hoàn cảnh đầy khó khăn như thế, nhưng vì người đứng đầu biết cách lãnh đạo, đưa ra những mục tiêu đúng cho họ, nên đã biến lớp trẻ trở thành sức mạnh của cả dân tộc. Như vậy, người lãnh đạo phải có đường lối đúng, phải gương mẫu, biết sử dụng người tài thì mới khơi dậy được tinh thần và ý chí của giới trẻ”.

TS Nguyễn Ánh Hồng - Trưởng Khoa Văn hoá phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên Truyền: Cần để giới trẻ bộc lộ trách nhiệm cộng đồng

Các bạn trẻ ngày nay rất thông minh, năng động, nhất là từ sự kiện U.23 Việt Nam có thể thấy rõ họ mang trong mình sự nhiệt huyết, đam mê, cũng như lòng tự hào tự tôn dân tộc lớn và rõ ràng.

Tuy nhiên, cũng cần phải nhìn lại một chút rằng, giới trẻ hiện nay thiếu sự quan tâm đến các vấn đề đời sống xã hội, hoặc có thể họ đang “nằm yên” và chưa có nhiều cơ hội để thể hiện sự quan tâm, bộc lộ trách nhiệm cộng đồng của mình. Một vấn đề hạn chế của tuổi trẻ dễ bị lôi cuốn vào tâm lý đám đông, nên dễ chạy theo trò giải trí mang tính bề nổi, ít chiều sâu. Vì thế, rất cần tính định hướng trong giáo dục tư tưởng chính trị, giúp cho các bạn nhìn nhận nghiêm túc, sâu rộng hơn đối với vấn đề xã hội, đồng thời tham gia giám sát, phản biện xã hội một cách có trách nhiệm. Giới trẻ cũng cần phải nhìn nhận mọi sự vật hiện tượng dưới nhiều góc nhìn khác nhau, dùng năng lực lý trí để thẩm định, phân tích các hành vi của mình, tránh bị cảm xúc lôi cuốn.

Còn với đánh giá cá nhân, tôi lạc quan và tin tưởng đối với tuổi trẻ Việt Nam.

la m gi de nhan ro ng ban linh y chi cua u23 viet nam o mo i li nh vu c U23 Việt Nam chia thưởng thế nào sau "cơn mưa" tiền thưởng?

Với ngôi á quân châu Á, đội tuyển U23 Việt Nam đến thời điểm này vẫn tiếp tục nhận được nhiều khoản tiền thưởng cùng ...

la m gi de nhan ro ng ban linh y chi cua u23 viet nam o mo i li nh vu c Ý chí, nghị lực của thầy trò ông Park Hang seo liên tiếp vào đề thi Văn

Các giáo viên đã lồng ghép câu chuyện mà U23 Việt Nam viết nên tại vòng chung kết U23 Châu Á vào đề kiểm tra ...

Ngày đăng: 14:31 | 31/01/2018

/ https://laodong.vn