Sáng mỗi ngày, bà Dung mang hương đi thắp khắp chợ, cầu xin cho mình buôn may bán đắt. Sau đó, bà mới bày cá ra ngoài cổng chợ bán.
Chợ Phú Hữu nằm ở mặt tiền đường Nguyễn Duy Trinh (phường Phú Hữu, Q.9, TP.HCM), cách vòng xoay Phú Hữu khoảng 100m. Trưa ngày 17/4 chợ khá yên ắng, chỉ có vài chiếc xe đẩy bán nước, đồ ăn bên ngoài và hai sạp tạp hóa mở cửa.
Bên trong, các ki-ốt, tường, lối đi và nền nhà hoen ố, bụi bám đầy, các vật dụng cũ kỹ, rác thải vứt vương vãi, mùi hôi hám.
Vừa bán cá ngoài cổng chợ xong thì chiếc xe máy bị hỏng, bà Lê Thị Dung (Nhơn Trạch, Đồng Nai) nhờ người mang đi sửa. Trong lúc chờ người ta gọi đến lấy xe về, bà vào chợ, quét dọn một sạp hàng bỏ hoang, trải chiếc áo khoác xuống nền nằm nghỉ.
Tính đến nay, bà Dung đã có hơn 15 năm bán cá ở chợ. Nhìn vào những ki-ốt bỏ không, bà Dung cho biết, khoảng hai năm đầu sau khi chợ đưa vào hoạt động, người ra vào rất tấp nập, các sạp hàng được tiểu thương thuê hết, bà và những người vãng lai phải bày hàng bên ngoài để bán.
‘Khi đó, chợ bán đủ các mặt hàng, rau, thịt cá, quần áo, nữ trang… Khách vào chợ mua đông lắm. Tôi và các tiểu thương bán rất được’, bà Dung nhớ lại.
Bắt đầu từ năm 2009, khi tuyến đường Võ Chí Công hình thành, vòng xoay Phú Hữu liên tục có xe tải lớn, xe container… ra vào, chợ lại nằm trái đường, vì thế người mua ít đến chợ rồi vắng dần. ‘Bán hàng ế ẩm, các tiểu thương họ dọn đi dần. Lúc đầu, chỉ vài người đi. Sau đó, họ dọn đi hết’, bà Dung kể.
Cho đến bây giờ, chỉ có duy nhất bà Dung còn trụ lại ở ngôi chợ bỏ hoang này. Còn hai sạp tạp hóa, những người bán nước, đồ ăn bằng xe đẩy trước cổng là mới dọn đến đây.
‘Tôi bán cá sông, cá biển cho toàn khách quen. 6 giờ tôi mang cá đến bán thì đến trưa là hết’, bà Dung nói.
Trả lời câu hỏi ‘Sao các tiểu thương phải dọn đi vì bán không được, còn bà ngày nào cũng bán hết hàng sớm?’. Bà Dung cho biết, do bà bán cho khách quen. ‘Khách họ ăn, thấy cá tôi ngon rồi truyền tai nhau đến mua’, bà Dung nói.
Bà cũng cho biết, khu đất xây chợ trước đây có nhiều mồ mả. Suốt hơn 15 năm bán ở chợ, ngày nào bà cũng mua hương đến thắp. ‘Tôi lấy bao nhiêu cá là tôi khấn xin được bán hết từng đó'. Nhiều người họ nói tôi kỳ lạ, nhưng tôi nghĩ có thờ có thiêng, có kiêng có lành’, bà Dung nói.
Người phụ nữ năm nay 55 tuổi cũng cho biết, ngôi chợ này, dù bỏ hoang nhưng có bảo vệ 24/24 và nằm cạnh trụ sở khu phố, vì thế ít có các tệ nạn xã hội. Buổi trưa, những người bán hàng ngoài cổng hay các lái xe ở bãi xe bên cạnh thường vào chợ mắc võng nằm ngủ. ‘Người lạ vào, bảo vệ họ hỏi lý do rồi đuổi ra ngay’, bà Dung nói.
Ông Nguyễn Đình Trí, Chủ tịch UBND phường Phú Hưu cho biết, chợ Phú Hữu được xây dựng vào năm 2004, trên khu đất rộng 2.000 m2, với 164 sạp hàng, kinh phí 1,2 tỷ đồng.
Theo dự kiến ban đầu, chợ được xây để thu hút tiểu thương vào buôn bán, nhằm dẹp các chợ tự phát ở địa phương và giải tỏa lòng lề đường Nguyễn Duy Trinh. Hai năm đầu, chợ cũng có tiểu thương vào bán. Sau đó, chợ khó thu hút người dân do vị trí tiếp giáp vòng xoay đường Võ Chí Công, các phương tiện xe container, xe tải nặng qua lại thường xuyên nên việc ra vào chợ rất nguy hiểm.
Ông Trí cho biết, hiện các tiểu thương đã chuyển đến bán tại chợ tự phát trong khu dân cư đông đúc của phường và chuyển đến bán ở các chợ khác. Thời gian tới, khi đường Nguyễn Duy Trinh mở rộng xong, chợ sẽ được xây dựng ở vị trí khác trong khu dân cư. Còn vị trí hiện tại sẽ được giải tỏa để xây dựng trung tâm thương mại.
Diệu Thuần
Thủ tướng yêu cầu kiểm tra khu đô thị 2.000 ha bị bỏ hoang ở Hà Nội
Thị trường bất động sản đóng băng khiến các chủ đầu tư bỏ hoang dự án đô thị gần 2.000 ha tại huyện Mê Linh, ... |
Chuyện khó tin bên trong biệt thự triệu đô bỏ hoang ở Sài Gòn
Được gia chủ thuê, ông Bé (TP.HCM) đến trông giữ căn biệt triệu đô bỏ hoang hơn 10 năm qua. |
Cận cảnh nhà máy thép 1.700 tỉ đồng bỏ hoang đem đấu giá chỉ hơn 100 tỉ đồng
Có tổng mức đầu tư lên đến hơn 1.700 tỉ đồng, song nhà máy liên hợp gang thép Vạn Lợi (ở Hà Tĩnh) đã bỏ ... |
Ngày đăng: 10:40 | 18/04/2019
/