Tôi từng hỏi nhiều người, hầu hết không biết Việt Nam đã tự sản xuất được vaccine cách đây đúng 60 năm.

Nhưng khi hỏi về lọ thuốc đường ngọt lịm được uống ở trạm xá hồi nhỏ, ký ức nghèo khó của những đứa trẻ được nếm hương vị "hạnh phúc" hiện về, nên ai cũng nhớ. Vị thuốc ấy chính là vaccine phòng bại liệt. Đặc biệt hơn, vaccine đó được sản xuất bởi những người Việt rất trẻ.

Bại liệt là căn bệnh kinh hoàng với cả thế giới, hàng ngàn trẻ nhỏ bị sốt không rõ nguyên nhân, sau đó đột ngột không thở được, liệt không đồng đều, rồi tử vong. Những trẻ may mắn sống sót để lại di chứng tàn tật suốt đời.

Việt Nam những năm 1950, dịch bệnh bại liệt hoành hành khắp cả nước. Để phòng bệnh, người dân chỉ còn biết giữ con mình ở nhà. Tỷ lệ mắc bại liệt thời điểm đó là 126 trên 100 nghìn dân. Bộ trưởng Bộ Y tế - bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đã giao cho bác sĩ Hoàng Thủy Nguyên nhiệm vụ chế tạo vaccine phòng bại liệt.

Bác sĩ Hoàng Thủy Nguyên hăng hái lập một đội những người trẻ, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ. Nhóm nghiên cứu đã chọn một đảo hoang ở vịnh Bái Tử Long làm nơi nuôi khỉ Macaca Mulatta để nghiên cứu phân lập virus làm vaccine. Thời điểm đó, mọi thiết bị đều không có, tiến sĩ Yvonne Capdeville, người phụ trách Ủy ban Hợp tác Khoa học - Kỹ thuật Pháp Việt đã vận động quyên góp từ giới trí thức Paris mua tặng nhóm nghiên cứu một kính hiển vi điện tử.

Năm 1962, vaccine bại liệt của Việt Nam chính thức ra đời và thử nghiệm lâm sàng. Câu hỏi đặt ra: ai sẽ là người thử nghiệm đầu tiên, bởi vaccine là virus sống giảm độc lực nên chỉ cần sai sót nhỏ sẽ trả giá bằng tính mạng.

Tại cuộc họp thử nghiệm vaccine, Bộ trưởng Thạch yêu cầu mang hai lọ vào hội trường. "Cậu mở một lọ ra", ông yêu cầu bác sĩ Nguyên, "cậu hãy uống đi". Tiếp theo, Bộ trưởng tự tay mở lọ thứ hai, uống hết. Thử nghiệm ban đầu đã thành công theo cách như thế.

Giai đoạn thử nghiệm tiếp theo, chính những nhân viên y tế đã tình nguyện cho con em mình thử. Mỗi buổi sáng đến cơ quan, câu chào của họ là "con bạn có sao không?". May thay, vaccine cuối cùng đã thành công. Hàng triệu liều được sản xuất, bệnh bại liệt dần dần được thanh toán.

Cùng thời điểm, vaccine đậu mùa cũng được nghiên cứu thành công vào năm 1962 bởi chính những người Việt trẻ ấy. Việt Nam làm chủ được công nghệ sản xuất vaccine, chương trình Tiêm chủng mở rộng nhanh chóng trở thành điểm sáng. Hầu hết vaccine trong chương trình đều do Việt Nam tự sản xuất mà không lệ thuộc vào viện trợ của nước ngoài.

Những ngày này, trong nỗi lo về các biến chủng Covid-19 mới ở Anh và Nam Phi có sức lây lan rất mạnh, thế giới lại ồn ào về chính sách ngoại giao vaccine.

Khái niệm "ngoại giao vaccine" lần đầu xuất hiện từ các cuộc chiến tranh của Napoléon đầu thế kỷ 19. Lúc đó, bác sĩ người Anh Edward Jenner đã nghiên cứu và quảng bá vaccine đậu mùa. Sau khi toàn bộ binh lính Pháp được tiêm chủng, Napoléon đáp lại bằng cách thả hàng ngàn tù nhân cùng một số nhà khoa học người Anh.

Các quốc gia có khả năng nghiên cứu và sản xuất vaccine đang cố gắng mở rộng ảnh hưởng trên quy mô toàn cầu nhằm tăng cường quyền lực mềm. Mỹ chủ yếu cung cấp vaccine cho các nước giàu có. Trung Quốc cam kết cung cấp vaccine cho những quốc gia mang lại giá trị chiến lược, bao gồm các đối tác chính trị và kinh tế quan trọng ở Trung Đông, Mỹ Latinh và Đông Nam Á. Ấn Độ cũng không giấu giếm chính sách ngoại giao vaccine ở Nam Á nhằm đẩy lùi ảnh hưởng của Trung Quốc.

"Cuộc chiến" vaccine sẽ dẫn tới sự phân phối không đồng đều. Theo số liệu công bố của Citigroup, 85% số vaccine Covid-19 sản xuất ở phương Tây đã được các nước phát triển đặt mua từ trước, trong đó chủ yếu là Mỹ, Anh, Australia, Canada, Nhật Bản và các nước thuộc EU. Số lượng vaccine đặt hàng vượt xa dân số của các nước. Hậu quả của việc đầu cơ này: các quốc gia nghèo sẽ không có vacinne.

Truy cập vào dữ liệu thống kê, ví dụ như biểu đồ theo dõi đơn đặt hàng mua vaccine của Đại học Duke, tôi nhận thấy các quốc gia đang phát triển như Việt Nam muốn có vaccine phương Tây sẽ phải chờ đợi không biết đến bao giờ. Chưa kể, với nhu cầu quá lớn như hiện nay, giá vaccine đang bị đẩy lên rất cao.

Lịch sử cho thấy, khi coi vaccine như lá bùa duy nhất và không được phân bố đồng đều, virus sẽ không bị diệt trừ. Dịch bệnh đậu mùa là bài học quý giá. Khi thế giới chỉ nhìn vào vaccine với vẻ đẹp long lanh của công nghệ, hơn 300 triệu người đã chết trong suốt 80 năm của thế kỷ 20. Chỉ đến khi Mỹ và Liên Xô hợp tác phân phối vaccine rộng rãi, cùng với những nỗ lực của tất cả quốc gia bằng những hành động cụ thể như giám sát, phát hiện, truy tìm tiếp xúc, cách ly và điều trị, bệnh đậu mùa mới được thanh toán vào năm 1980.

Quan sát những quốc gia giàu có, tôi nhận thấy cách phòng chống dịch Covid-19 của họ chủ yếu dựa vào sức mạnh y học công nghệ cao, tôn vinh vaccine, kỳ vọng vaccine sẽ giúp kết thúc đại dịch. Thực tế, loài người đang sống trong một thế giới với những đường biên cực kỳ xốp, trong khi chủ nghĩa tự do cá nhân lại được đề cao, đó là điều kiện vô cùng thuận lợi để virus SARS-CoV-2 phát triển và lây lan.

Vaccine Covid-19 đã ra đời với thời gian ngắn kỷ lục, chỉ mất 9 tháng thay vì 9 năm, nhưng đang có nguy cơ rơi vào vòng xoáy ngoại giao vaccine. Trong khi đó, đối thủ của loài người là hơn 4.000 biến thể virus, đặc biệt là biến thể mới với khả năng lây lan khủng khiếp hơn nhiều.

Đó là những lý do để tôi lo ngại virus SARS-CoV-2 cũng sẽ tương tự bệnh đậu mùa. Kể cả khi có vaccine và được tiêm chủng mạnh mẽ, nó vẫn khuynh đảo khắp thế giới hơn 150 năm.

Là quốc gia đang phát triển, nghèo hơn so với mặt bằng thế giới, nguồn lực y tế có hạn, khi WHO công bố đại dịch, thế giới mặc định Việt Nam sẽ bị virus tàn phá. Thực tế ngược lại, chính phủ đặt đất nước vào tình trạng nguy hiểm đặc biệt, từ đó phát động cuộc chiến tranh nhân dân dựa trên khoa học và kinh nghiệm, chúng ta đã và đang từng bước vượt qua những thời khắc hiểm nghèo và trở thành ngọn hải đăng phòng chống dịch.

Chúng ta đã đầu tư nghiên cứu và đang thử nghiệm hai vaccine. Để không bị cuốn vào vòng xoáy phức tạp của ngoại giao vaccine, Việt Nam bắt buộc phải sản xuất thành công vaccine Covid-19 của riêng mình.

Đã từng lập kỳ tích với vaccine đậu mùa và bại liệt, sản xuất được tất cả vaccine trong chương trình Tiêm chủng mở rộng, vaccine Covid-19 đang trở thành niềm hy vọng. Một lần nữa, chúng ta buộc phải coi nó là vũ khí sống còn trong một cuộc chiến cam go.

Bằng mô hình phòng chống dịch và vaccine "made in Vietnam", với dân số gần 100 triệu, Việt Nam không thể là quốc gia nhỏ bé, chỉ có thể là quốc gia mạnh hay yếu.

Trần Văn Phúc

Thêm 10 người tiêm Nanocovax Thêm 10 người tiêm Nanocovax

10 người trong nhóm thử liều 50 mcg Nanocovax đã nhận liều tiêm thứ hai hôm qua, một số bị đau nhức nhẹ vùng tiêm.

Ngày đăng: 07:55 | 29/01/2021

/ vnexpress.net